Tâm dịch TP.HCM được tiêm vắc xin COVID-19 và điều trị F0 tại nhà thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vắc xin là vũ khí chiến lược trong cuộc chiến chống COVID-19; đồng thời TP.HCM triển khai chăm sóc điều trị F0 tại nhà với trạm y tế lưu động và túi thuốc an sinh.
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân quận Tân Bình. Ảnh: HCDC
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân quận Tân Bình. Ảnh: HCDC

Vắc xin là vũ khí chiến lược trong cuộc chiến chống COVID-19

TP.HCM đang có 216.314 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 215.869 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 445 trường hợp nhập cảnh. Hiện TP đang điều trị 40.561 bệnh nhân, trong đó: có 2.463 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.752 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 30/8, có 2.752 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 110.269).

Phó Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 TP.HCM, ông Phạm Đức Hải cho biết, nhằm tăng cường hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã ban hành Kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại TP (thống kê tới ngày 30/6/2021 có 7.208.800 người).

Theo đó, dựa trên yêu cầu bao phủ vắc xin cho người dân và quy định của Bộ Y tế về việc tiêm 2 liều vắc xin phòng COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM xây dựng 4 lộ trình tiêm vắc xin, cụ thể:

Một điểm tiêm vaccine COVID-19 thực hiện giãn cách đầy đủ. Ảnh: Phạm Nguyễn
Một điểm tiêm vaccine COVID-19 thực hiện giãn cách đầy đủ. Ảnh: Phạm Nguyễn

Giai đoạn 1: từ ngày 29/8 đến ngày 15/9, tiêm mũi 1 cho khoảng 680.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1. Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vắc xin với khoảng 2.089.000 người (733.000 người tiêm vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer, 485.000 người tiêm vắc xin Moderna, 31.000 người tiêm vắc xin Pfizer, 840.000 người tiêm vắc xin Vero Cell). Tổng số lượng vắc xin cần sử dụng là 2.769.000 liều.

Giai đoạn 2: từ ngày 16/9 đến ngày 30/9, bao phủ mũi 1 cho 10% còn lại của người từ 18 tuổi trở lên (khoảng 720.000 người). Tiêm nhắc mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo từng loại vaccine, khoảng 656.900 người (500.000 người tiêm vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer, 18.200 người tiêm vắc xin Moderna, 700 người tiêm vắc xin Pfizer, 138.000 người tiêm bằng vắc xin Vero Cell). Tổng số lượng vắc xin cần sử dụng là 1.376.900 liều.

Giai đoạn 3: từ ngày 1/10 đến ngày 15/10, tiêm nhắc mũi 2 cho 2.600.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian bằng vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer.

Giai đoạn 4: từ ngày 16/10 đến ngày 31/12, tiêm nhắc mũi 2 cho 1.400.000 người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo loại vắc xin phù hợp (trong giai đoạn từ ngày 29/8 đến ngày 30/9).

Như vậy, tổng cộng số lượng vắc xin cần sử dụng từ ngày 29/8 đến ngày 31/12 là khoảng 8.145 900 liều (trong đó, sử dụng cho mũi 1 là khoảng 1.400.000 liều, sử dụng cho mũi 2 là khoảng 6,745.900 liều).

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm

Triển khai kế hoạch này, Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải lưu ý, nguyên tắc phân bổ vắc xin là của Bộ Y tế, TP.HCM luôn san sẻ với các tỉnh, thành phố về vắc xin theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời tích cực trao đổi, đàm phán, mua vắc xin cho người dân TP.

Bên cạnh đó, mũi 1 tiêm vắc xin gì thì mũi 2 sẽ tiêm vắc xin tương thích. “Chúng ta không thể sống mãi trong tình trạng giãn cách theo Chỉ thị 16; nhưng cũng không thể bỏ giãn cách nếu chưa đủ điều kiện. Và một trong những điều kiện quan trọng chính là vắc xin” – Ông Phạm Đức Hải nói.

Liên quan đến đề xuất tiêm vắc xin cho học sinh từ 12 – 18 tuổi, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm sóa Bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm khẳng định, theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin Pfizer cho phép tiêm người từ 12 – 18 tuổi nhưng các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế cho đến hiện tại chỉ cho phép tiêm người từ 18 tuổi; ngành Y tế TP thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

F0 điều trị tại nhà không khác vào bệnh viện

Về công tác điều trị F0 tại nhà, TP.HCM tiếp tục chú trọng chiến lược này qua việc phát huy vai trò và hiệu quả của 411 trạm y tế lưu động, 312 trạm y tế phường – xã – thị trấn; tăng tốc thực hiện 150.000 túi thuốc an sinh; ban hành hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà theo quy định của Bộ Y tế….

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TS. BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TS. BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin thêm, TP.HCM đang có 59.093 trường hợp F0 đang cách ly tại nhà, đây là những F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; diễn tiến nặng chiếm khoảng 0,4%.

Phát biểu tại buổi họp, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, về hiệu quả điều trị và tâm lý của F0 hiện đang chăm sóc, điều trị tại nhà, chiến lược tập trung điều trị F0 tại nhà là cách làm hiệu quả với các trạm y tế lưu động, các túi thuốc theo hướng dẫn, giúp F0 không chuyển biến nặng, tâm lý thoải mái.

Bên cạnh đó, trước những thay đổi về chính sách cũng như phác đồ điều trị, việc các ca F0 cách ly, điều trị tại nhà cũng sẽ nhận được sự điều trị như ở các bệnh viện điều trị. Đó cũng là vấn đề mà ông Nguyễn Thanh Lâm mong muốn các cơ quan báo chí quan tâm phản ánh để từ đó giúp các F0 điều trị tại nhà yên tâm, thực hiện đúng hướng dẫn của ngành Y tế.

Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm
Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm

Ông Nguyễn Thanh Lâm lưu ý thêm, vì thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đấy”, TP.HCM hiện có một bộ phận người dân không đăng ký tạm trú đúng quy định song cũng không thể về quê, do đó đề nghị các Sở, ngành của TP quan tâm thêm vấn đề hỗ trợ cho các đối tượng này về lương thực thực phẩm.