Tài xế taxi công nghệ Trung Quốc sát hại hành khách: Chuyện không của riêng ai!

Didi Chuxing tuyên bố đầu tư 20 triệu USD vào dịch vụ khách hàng sau sự việc một hành khách nữ bị tài xế hãng này hiếp dâm và sát hại. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện của riêng một hãng.

Taxi công nghệ cần áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ an toàn cho hành khách, đặc biệt là nữ giới.

Uber và Lyft, hai dịch vụ đi chung xe của Mỹ, cũng từng nói an toàn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, cuộc điều tra của CNN hồi tháng 4/2018 lại cho thấy điều ngược lại: ít nhất 103 tài xế Uber và 18 tài xế Lyft tại Mỹ từng bị tố cáo tấn công tình dục hoặc lạm dụng hành khách trong 4 năm qua.

Cuộc điều tra khiến Uber và Lyft phải áp dụng một số thay đổi, trong đó có loại bỏ yêu cầu trọng tài bắt buộc đối với việc báo cáo tấn công tình dục và cam kết phát hành các báo cáo minh bạch an toàn.

Vụ cưỡng hiếp và sát hại hành khách tại Trung Quốc chỉ ra bạo lực tình dục là một vấn đề toàn cầu. Tại Mỹ, Trung Quốc hay bất kỳ thị trường nào, các công ty phải đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý dứt điểm. Một vài chuyên gia cho rằng vấn đề có thể giảm nhẹ nếu các hãng taxi công nghệ công bố dữ liệu toàn diện về các sự cố như vậy cho nhà chức trách. Công ty phải vạch ra những bước đi cụ thể mà họ đang thực hiện cũng như chi bao nhiêu tiền để giải quyết. Bên cạnh đó, hành khách cũng nên có nhiều lựa chọn hơn, chẳng hạn hành khách nữ được chọn lên xe tài xế nữ.

Ý tưởng đi chung xe với người lạ không phổ biến một thập kỷ trước. Song ngày nay, taxi công nghệ tràn ngập thế giới: Chẳng hạn, Uber cung cấp 15 triệu cuốc xe mỗi ngày, đồng nghĩa với việc các sự cố xảy ra mà không được giám sát hay quản lý kỹ lưỡng.

Theo CNN, Uber và Lyft tốn không ít nỗ lực vận động hành lang để lách khỏi sự giám sát của chính phủ thông qua kiểm tra hồ sơ tài xế và các biện pháp khác. Nếu các bang và thành phố tiếp tục cho phép các công ty tự tiến hành việc này, nhà chức trách phải yêu cầu tính minh bạch cao hơn với bất kỳ biện pháp nào mà họ đang áp dụng để nâng cao an toàn.

Arun Sundararajan, Giáo sư Trường kinh tế Stern thuộc Đại học New York, cho rằng: Tồn tại một câu hỏi về những gì mà chính phủ nên làm và những gì họ nên giao phó cho các nền tảng. Câu hỏi này đã được Trung Quốc trả lời. Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ tiến hành điều tra toàn diện mọi dịch vụ đi chung xe vào ngày 5/9.

Theo Giáo sư Sundararajan, nhà lập pháp và công chúng phải được nhìn rõ hơn vào các khiếu nại đối với tài xế, quét hồ sơ, xếp hạng… Taxi công nghệ phải được thúc đẩy để sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm nâng cao an toàn.

Mô hình mà các công ty đi chung xe được xây dựng làm cho mọi thứ trở nên thách thức hơn. Các hãng không ngừng tuyển dụng lái xe, làm tăng nguy cơ. Mới đây, Uber thông báo bắt đầu theo dõi tài xế theo thời gian thực, tiếp theo chính sách quét hồ sơ tài xế hàng năm. Lyft cũng có chính sách tương tự. Đầu năm nay, Uber bổ sung tính năng cho phép hành khách gọi 911 ngay trong ứng dụng đề phòng trường hợp khẩn cấp.

Hành khách nữ là đối tượng muốn các tính năng an toàn được đưa vào nhiều hơn. Một báo cáo hồi tháng 3 cho thấy việc thiếu hụt tài xế nữ và nguy cơ bị tấn công tình dục là lý do khiến phụ nữ không lựa chọn dịch vụ đi chung xe. Do đó, bất kỳ tính năng nào được thiết kế để bảo vệ hành khách sẽ giúp các công ty thu hút được nhiều người dùng hơn. Cải thiện an toàn tốt cho khách hàng lẫn doanh nghiệp.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/kinh-doanh/tai-xe-taxi-cong-nghe-trung-quoc-sat-hai-hanh-khach-chuyen-khong-cua-rieng-ai-172253.ict