Tại sao Vingroup muốn mua 80% cổ phần Triển lãm Giảng Võ?

Đợt IPO của Triển lãm Giảng Võ được dự kiến sẽ "ế ẩm" khi chỉ có hơn 3% lượng cổ phần chào bán được đăng  ký mua, tuy nhiên Tập đoàn Vingroup (VIC) lại muốn mua 80% cổ phần.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo kết quả đăng ký mua cổ phần Công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ (VEFAC). Tổng số có 29 nhà đầu tư đăng ký mua, trong đó 1 tổ chức và 28 cá nhân. Tổng lượng đăng ký mua là 620.500 cổ phần. Tổ chức duy nhất đăng ký mua cũng chỉ muốn mua 100.000 cổ phần; số còn lại chia nhỏ cho các cá nhân.

Công ty TNHH MTV Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, còn được gọi là Triển lãm Giảng Võ) sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài vào ngày 20/3/2015. Tổng số cổ phần chào bán công khai là hơn 16,2 triệu cổ phần với mức giá khởi điểm 10.050 đồng/cổ phần, như vậy chỉ có 3% lượng cổ phiếu chào bán được đăng ký mua.

Khu đất  148 Giảng Võ (68.380m2) hiện đang được sử dụng là Trung tâm triển lãm
Khu đất 148 Giảng Võ (68.380m2) hiện đang được sử dụng là Trung tâm triển lãm.

Theo phương án cổ phần hóa, VEFAC có vốn điều lệ dự kiến là 1.666 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước sở hữu 10% cổ phần, bán đấu giá 9,76% cổ phần, bán cho CBCNV 0,24% và bán cho nhà đầu tư chiến lược 80% cổ phần.

Theo thông tin được công bố, Vingroup sẽ là nhà đầu tư chiến lược mua 80% tổng số cổ phần và sẽ mua hết số cổ phiếu này trước khi VEFAC đấu giá công khai ra bên ngoài.

Câu hỏi đặt ra là tại sao một Tập đoàn lớn như Vingroup lại muốn mua cổ phần, trong khi cổ phần đem IPO lại bị ế ít nhà đầu tư quan tâm? 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc quyết định bán tới 80% cổ phần cho một nhà đầu tư chiến lược đã khiến nhiều nhà đầu tư khác không mặn mà, bởi nếu mua cũng chỉ là cổ đông nhỏ lẻ, không hề có tiếng nói trong doanh nghiệp.

Còn lý do tại sao Vingroup muốn mua, thì nhiều khả năng Tập đoàn này nhắm tới việc giành được quyền khai thác mảnh đất vàng tại Giảng Võ, để phục vụ cho những dự án bất động sản sau này.

Dự kiến VIC sẽ chi ra hơn 1.332,8 tỷ đồng để sở hữu 80% cổ phần của VEFAC.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh sau IPO
Kế hoạch sản xuất kinh doanh sau IPO

Hiện VEFAC đang sử dụng 4 khu đất, bao gồm khu đất 148 Giảng Võ (68.380m2), mặt bằng tầng 1 nhà số 4 Tràng Thi (50m2), một khu đất Nhật Tân - Nội Bài tại trục đường Nhật Tân đi sân bay Nội Bài và một khu đất tại quận Nam Từ Liêm. 

Trong đó khu đất số 1 và số 2 là đất thuê trả tiền hàng năm và không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Khu đất số 3 và số số 4 sẽ được cho thuê hoặc giao để thực hiện dự án.

Được biết, số tiền thu được từ cổ phần hóa được áp dụng chính sách vay ưu đãi, đặc thù để hỗ trợ thực hiện các hạng mục cơ bản (lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, lập dự án đầu tư, một phần công tác giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật đầu tư xây dựng Khu Hội chợ Triển lãm Quốc gia) thuộc Dự án Nhật Tân – Nội Bài; và được dùng để chuyển đổi dần thành khoản bổ sung vốn điều lệ của cổ đông Nhà nước trong Công ty cổ phần VEFAC để đáp ứng các phân kỳ đầu tư thực hiện Dự án Nhật Tân – Nội Bài.

Theo báo cáo tài chính năm 2014, doanh thu thuần công ty ở mức 69,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về là hơn 6,1 tỷ đồng.

Sau cổ phần hóa, lợi nhuận dự kiến của VEFAC trong giai đoạn 2015 – 2017 trong khoảng 4-6 tỷ đồng. 

Theo Bizlive