Tại sao Trung Quốc xây tường lửa, cấm VPN nhưng không cấm người dân vượt tường lửa, bẻ khóa VPN?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hoàn cầu Thời báo và Sinh viên Trung Quốc lý giải vì sao nước này cấm hầu hết các phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài nhưng vẫn ngầm cho phép người dân sử dụng VPN để tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Trung Quốc xây tường lửa
Trung Quốc xây tường lửa

Chắc hẳn bạn biết rằng chính phủ Trung Quốc cấm người dân nước họ sử dụng các trang mạng và nền tảng xã hội nước ngoài như Google, YouTube, Skype, Instagram, Gmail. Thế nhưng, nhiều người vẫn có thể sử dụng mạng ảo VPN, vượt tường lửa để sử dụng các mạng xã hội phổ biến trên. Thực tế, chính phủ Trung Quốc vẫn thả lỏng với VPN để mọi người tiếp xúc với thông tin bên ngoài đại lục.

Hầu hết các phương tiện truyền thông xã hội phương Tây bị cấm sử dụng ở Trung Quốc. Nguồn ảnh: The Quint

Hầu hết các phương tiện truyền thông xã hội phương Tây bị cấm sử dụng ở Trung Quốc. Nguồn ảnh: The Quint

Hãy cùng đến với quan điểm của chính người Trung Quốc. Đối với Liu Liyang, một sinh viên Trung Quốc tại Bỉ, nhiều trường đại học ở Trung Quốc không chặn các trang web nước ngoài vì mục đích học tập. Thậm chí, ngay cả khi chính phủ Trung Quốc bỏ lệnh cấm với các trang web nước ngoài phổ biến như Facebook hay YouTube, người dùng Internet Trung Quốc cũng sẽ chỉ tò mò và ngạc nhiên trong một khoảng thời gian ngắn và sau đó họ sẽ nghĩ, “Thật nhàm chán”, “Tôi nghĩ tôi sẽ chỉ sử dụng Wechat, Weibo, QQ, Taobao và Zhihu.”

Liu Yiyang chỉ ra nhiều lý do đằng sau việc này và những lý do này thực sự có mối liên hệ với nhau.

Lý do đầu tiên, ngôn ngữ. Liu biết Facebook và YouTube khi anh còn học cấp hai. Anh đã đăng ký tài khoản Facebook khi đi du lịch Mỹ vào năm thứ hai trung học. Lúc đầu, Facebook và YouTube rất mới mẻ đối với Liu nhưng rất nhanh sau đó, Liu mất hứng thú với Facebook vì hầu hết đều viết bằng tiếng Anh mà anh lại không giỏi tiếng Anh. Facebook sau đó chỉ trở thành công cụ Liu sử dụng để liên lạc với những người bạn nước ngoài, tất nhiên là thông qua VPN.

Lý do thứ hai, Trung Quốc đã phát triển môi trường internet độc lập của riêng mình, cũng xuất phát từ lý do thứ nhất là ngôn ngữ. Quora không phổ biến ở Trung Quốc, thay vào đó, người Trung Quốc sử dụng Zhihu, một nền tảng trao đổi kiến thức của Trung Quốc, khá giống một phiên bản Quora của Trung Quốc. Trên Zhihu, bạn có thể tìm thấy các câu trả lời và bài viết về mọi thứ. Điều quan trọng nhất, chúng đều viết bằng tiếng Trung. Giống như Zhihu, người Trung Quốc có các mạng xã hội khác như Wechat, Weibo và QQ. Sinh viên Liu đặc biệt khuyên mọi người nên sử dụng Taobao, một trang thương mại điện tử tuyệt vời từ Alibaba.

Lý do thứ ba, theo Liu, là để bảo vệ các công ty công nghệ Trung Quốc. Hãy tưởng tượng, nếu ngay từ đầu Trung Quốc không chặn các nền tảng như Facebook, Google thì các công ty công nghệ nội địa như Tencent và Sina làm thế nào để phát triển mạnh như ngày nay, làm thế nào Trung Quốc có thể hình thành môi trường internet của riêng mình. Và hãy nghĩ xem những công ty công nghệ này đã giải quyết vấn đề việc làm cho tỉ dân và mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ thế nào cho Trung Quốc.

"Bức tường lửa" của Trung Quốc.

"Bức tường lửa" của Trung Quốc.

Xue Lindeng cũng cùng quan điểm với Liu Liyang. Chính phủ Trung Quốc đã cấm một số (nhưng không phải tất cả) các trang web nước ngoài. Một lý do quan trọng là quan điểm của truyền thông nước ngoài về Trung Quốc đưa ra rất định kiến, phiến diện, và nhiều thông tin chỉ toàn những cáo buộc ác ý.

Do người Trung Quốc luôn thích học hỏi những điều tiên tiến (thậm chí có người cho rằng ở nước ngoài cái gì cũng tốt) nên nhiều người không đủ lý trí đánh giá thông tin và có cái nhìn tiêu cực không đáng có về đất nước mình.

Để ngăn chặn tin tức lan truyền trong nước, chính phủ Trung Quốc đã cấm truy cập vào nhiều trang web nước ngoài (chủ yếu là mạng xã hội và video). Tuy nhiên, người nước ngoài ở Trung Quốc và một số tổ chức trong nước cần truy cập vào các trang web nước ngoài (chẳng hạn như các công ty đa quốc gia, viện nghiên cứu và trường đại học), vì vậy Trung Quốc vẫn ngầm cho phép VPN, đây là một cách tiếp cận phức tạp nhưng dễ dàng được điều chỉnh.

Chính phủ cho rằng những người truy sử dụng VPN truy cập vào các trang web nước ngoài đều có trình độ học vấn nhất định và có thể phân biệt được tính xác thực của thông tin ở nước ngoài.

Người Trung Quốc thường so sánh VPN với cái thang, bức tường chỉ có thể ngăn những người không thể leo lên thang chứ không thể khiến những người có thể leo lên thang bị nhầm lẫn, lệch lạc.

Thực tế, tờ Global Times của Trung Quốc đã đưa ra câu trả lời. Đây là văn bản gốc đăng tải trên Twitter:

Trang Global Times đăng trên Twitter

Trang Global Times đăng trên Twitter

Trích dịch: “Tại sao Trung Quốc xây bức tường lửa, nhưng không bao giờ ngăn người dân vượt tường? Trung Quốc tin rằng hầu hết những người vượt tường lửa đều có khả năng tư duy phản biện, họ lý trí hơn những người ủng hộ tự do và dân chủ nhưng lại có hành động đi ngược lại. Những người có tư duy phản biện sẽ nhận thấy rằng hầu hết các phương tiện truyền thông phương Tây không hiểu người Trung Quốc và văn hóa Trung Quốc, tất cả đều chống lại những gì liên quan đến Trung Quốc một cách mù quáng. Những người có tư duy phản biện sẽ nhận ra rằng Trung Quốc không phải là một quốc gia hoàn hảo, và không có quốc gia nào hoàn hảo. Nhưng một quốc gia sẽ hoàn thiện hơn nếu công dân của họ giúp cải thiện đất nước. Chúng tôi hy vọng bạn tin rằng Trung Quốc đang trở nên tốt đẹp hơn…”

Bức tranh trên chỉ ra rằng, "Phát triển là nguyên tắc cơ bản".

Reina Stewart, người Canada sống tại Bắc Kinh, cho rằng mọi người hiểu lý do tại sao các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây như Facebook và Twitter bị cấm ở Trung Quốc đại lục. Tất cả bắt đầu từ vụ bạo loạn đẫm máu ở Tân Cương vào tháng 7/2009. Mâu thuẫn căng thẳng do xung đột sắc tộc đang diễn ra giữa người Hán và người Tân Cương.

Ít nhất 197 người dân vô tội đã bị bọn khủng bố giết hại trong cuộc bạo động đó, và khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu Facebook cung cấp thông tin về những kẻ khủng bố, (Facebook là công cụ liên lạc chính mà bọn khủng bố sử dụng để lên kế hoạch cho cuộc bạo động), Facebook đã từ chối yêu cầu của họ viện lý do quyền "quyền tự do ngôn luận".

Sự việc này đã chính thức chọc giận người Trung Quốc, và chính phủ tiến hành cấm phương tiện truyền thông nước ngoài hoạt động ở đất nước tỉ dân này. Chính phủ Trung Quốc công bố: "Bất cứ ai cũng được chào đón đến Trung Quốc nhưng ai có thể ở lại là do chúng tôi quyết định".

Phát triển hệ truyền thông xã hội riêng mình được xem là bước đi thông minh của Trung Quốc.

Phát triển hệ truyền thông xã hội riêng mình được xem là bước đi thông minh của Trung Quốc.

Vì vậy, Reina Stewart nghĩ rằng việc phát triển công nghệ truyền thông xã hội thuộc sở hữu nhà nước là một bước đi thông minh của Trung Quốc và sẽ không bao giờ là sai lầm nếu bất kỳ quốc gia nào trên thế giới tự phát triển công nghệ của riêng mình. Trừ khi bạn chắc chắn 100% rằng đồng minh của bạn sẽ không phản bội và bạn có thể tin tưởng họ bằng cả sinh mạng.

"Bản chất con người là phức tạp, và ích kỷ chỉ là một phần bình thường của bản chất con người. Hãy biết rằng con đường duy nhất mà bạn sẽ không hối tiếc sau này là tiếp tục phát triển bản thân. Hãy tiếp tục và tin tưởng người khác, nhưng đừng bao giờ dựa dẫm vào bất cứ ai. Và đối với một đất nước cũng vậy", Reina Stewart nói.

Theo Quora