Tại sao Trung Quốc khiếp hãi tàu sân bay Mỹ

VietTimes -- Hơn 20 năm trước, một cuộc đối đầu quân sự ở Đông Á đã khiến Mỹ và Trung Quốc suýt xảy ra xung đột. Sự kiện này thực sự để lại một dấu ấn lâu dài đối với Trung Quốc, đặc biệt là với những chiến lược gia quân sự.
Cụm tác chiến tàu sân bay là biểu tượng cho sức mạnh toàn cầu của Mỹ
Cụm tác chiến tàu sân bay là biểu tượng cho sức mạnh toàn cầu của Mỹ

Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba là lần đầu tiên Trung Quốc biết đến sức mạnh và tính linh hoạt của tàu sân bay, điều ám ảnh Trung Quốc đến tận ngày nay.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu năm 1995. Khi đó Đài Loan đang rạo rực chuẩn bị cho cuộc bầu cử lãnh đạo dân chủ đầu tiên dự kiến vào năm 1996, đây là một sự kiện lớn mà tất nhiên là Trung Quốc hoàn toàn phản đối. Người được cho là sẽ trở thành lãnh đạo Đài Loan lúc đó là người của Quốc dân đảng, ông Lý Đăng Huy đã được mời đến Mỹ để nói chuyện tại ngôi trường ông từng theo học là Đại học Cornell. Ông Lý Đăng Huy vốn bị chính quyền Bắc Kinh ác cảm vì ông luôn nhấn mạnh vào chủ nghĩa Đài Loan hóa, chủ nghĩa này ủng hộ sự lãnh đạo riêng và thiết lập một bản sắc Đài Loan khác biệt với Trung Quốc đại lục. Vì thế việc ông được mời đến phát biểu tại Đại học Cornell về nền dân chủ của Đài Loan khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.

Chính quyền tổng thống Mỹ Bill Clinton lúc đó đã rất lưỡng lự khi cấp visa cho ông Lý Đăng Huy, trước đó một năm ông cũng từng bị từ chối visa khi sang phát biểu tại trường Cornell, nhưng sự ủng hộ gần như là nhất trí hoàn toàn từ phía Quốc hội đã buộc Nhà Trắng phải cho phép, và ông Lý Đăng Huy đã được cấp visa và đến thăm trường Cornell vào tháng 6.

Cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa xã đã đanh thép cảnh báo: “Vấn đề Đài Loan như một thùng thuốc súng có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Nếu làm nóng vấn đề này lên sẽ cực kỳ nguy hiểm, dù cho bên làm nóng là Mỹ hay ông Lý Đăng Huy. Đây là vết thương đối với Trung Quốc và nó sẽ giúp người dân Trung Quốc nhận thức rõ ràng hơn Mỹ là đất nước thuộc loại nào”.

Vào tháng 8/1995, Trung Quốc tuyên bố thực hiện một loạt các cuộc tập trận tên lửa trên biển Hoa Đông. Cho dù các cuộc tập trận này không có gì là bất thường, nhưng việc thông báo lại hết sức bất thường, và có suy đoán cho rằng đây là sự khởi đầu chiến dịch đe dọa của Trung Quốc, vừa để trả đũa vụ ông Lý Đăng Huy đến thăm Đại học Cornell, vừa đe dọa các cử tri Đài Loan trước thềm cuộc bầu cử vào năm sau.

Các cuộc tập trận có sự tham gia của lực lượng pháo binh 2 (Nhị pháo) thuộc quân đội Trung Quốc (hiện nay là Lực lượng tên lửa của PLA) và sự tái triển khai máy bay chiến đấu F-7 của Trung Quốc (đây là phiên bản Trung Quốc của máy bay chiến đấu MiG-21 Fishbed). Cuộc diễn tập chỉ cách Đài Loan 250 dặm. Cùng với đó, Trung Quốc cũng tiến hành một động thái rất quen thuộc như nước này vừa lặp lại trong năm 2017, đó là gần 100 tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc đã tiến vào lãnh hải quanh đảo Matsu do Đài Loan quản lý nhưng nằm ngay sát bờ đại lục.

Trung Quốc có truyền thống mạnh về lục quân và một bề dày lịch sử với các cuộc nội chiến liên miên đã phải nhịn nhục trước Mỹ trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1996
Trung Quốc có truyền thống mạnh về lục quân và một bề dày lịch sử với các cuộc nội chiến liên miên đã phải nhịn nhục trước Mỹ trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1996

Theo trang Globalsecurity.org, việc tái triển khai lực lượng tên lửa tầm xa còn tiếp diễn trong năm 1996 và quân đội Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để hành động quân sự. Trung Quốc đã lập các kế hoạch dự phòng cho các cuộc tấn công tên lửa kéo dài 30 ngày vào Đài Loan, mỗi ngày một cuộc tấn công, ngay sau cuộc bầu cử lãnh đạo vào tháng 3/1996. Tuy những cuộc tấn công tên lửa này cuối cùng đã không được thực hiện, tuy nhiên sự chuẩn bị này đã bị tình báo Mỹ phát hiện.

Vào tháng 3/1996, Trung Quốc tuyên bố tập trận quân sự lớn lần thứ tư kể từ chuyến thăm Đại học Cornell của ông Lý Đăng Huy. Quân đội Trung Quốc thông báo một loạt các khu vực thử tên lửa dọc bờ biển Trung Quốc, bao gồm cả những khu vực có hướng gần như bay thẳng tới Đài Loan. Thực tế Trung Quốc đã bắn ba tên lửa, hai trong số đó rơi xuống chỉ cách Đài Bắc 30 dặm và một quả rơi cách Cao Hùng 35 dặm. Đây là hai thành phố đảm trách phần lớn các tuyến giao thông vận chuyển thương mại hàng hải của Đài Loan. Với một đất nước chú trọng vào xuất khẩu như Đài Loan, các vụ phóng tên lửa sẽ là cú đánh đáng ngại vào nền kinh tế.

Quân đội Mỹ vào lúc đó vẫn đang hoạt động trong khu vực. Tàu USS Bunker Hill, một tàu tuần dương Aegis lớp Ticonderoga đã đóng ở phía nam Đài Loan để giám sát cuộc diễn tập tên lửa của Trung Quốc với hệ thống radar SPY-1. Tàu sân bay USS Independence ở Nhật Bản cùng tàu khu trục Hewitt và O’Brien và tàu khu trục nhỏ McClusky đóng ở phía đông Đài Loan.

Sau cuộc diễn tập tên lửa của Trung Quốc, tàu sân bay USS Nimitz đã rời Vịnh Ba Tư và quay trở lại khu vực Tây Thái Bình Dương. Đây là một đội tác chiến tàu sân bay mạnh hơn cả, bao gồm tàu tuần dương Aegis mang tên Port Royal, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Oldendorf và Callaghan (sau này được chuyển giao cho Hải quân Nhật Bản), tàu khu trục nhỏ tên lửa dẫn đường USS Ford và tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Portsmouth. Tàu sân bay Nimitz và tàu hộ tống đóng quân tại Biển Philippine, sẵn sàng hỗ trợ tàu Independence. Điều này trái ngược với nhận thức chung cho rằng không tàu sân bay nào có thể thật sự tiến vào Eo biển Đài Loan.

Dàn chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ
Chiến đấu cơ xuất kích từ tàu sân bay Mỹ
Chiến đấu cơ xuất kích từ tàu sân bay Mỹ
Dàn chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ

Theo National Interest, quân đội Trung Quốc vốn không có khả năng để đối phó hay gây tổn hại đến các tàu sân bay của Mỹ đã hoàn toàn chịu nhục. Trung Quốc chỉ vừa mới phải chịu hậu quả của việc mở rộng nền kinh tế một cách quá nhanh chóng và vẫn không đủ năng lực quân sự để đe dọa lên các tàu của Mỹ trong khoảng cách gần bờ biển của mình.

Dù không ai có thể biết Trung Quốc đã bàn bạc ra sao, nhưng kết quả của những cuộc tranh luận đó thì mọi người đều rõ. Chỉ hai năm sau đó, một doanh nhân Trung Quốc đã mua tàu sân bay Riga còn chưa hoàn thiện của Nga, và tuyên bố ý định sẽ biến nó thành một khu nghỉ dưỡng hoặc sòng bạc. Và chiến hạm thời Xô viết mua lại của Ukraine này đến nay được coi là tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc, sau khi nó được chuyển đến cho hải quân Trung Quốc và trải qua quá trình nâng cấp kéo dài tới 15 năm. Ít nhất một tàu sân bay khác được cho là đang trong quá trình xây dựng và mục tiêu cuối cùng là Trung Quốc phải sở hữu 5 tàu sân bay.

Đồng thời, lực lượng pháo binh hai của Trung Quốc tận dụng mọi hiểu biết của họ về tên lửa tầm xa để chế tạo tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D. Tên lửa này có khả năng chống tàu cỡ lớn như tàu sân bay và nếu tương lai có xảy ra khủng hoảng, tên lửa này cũng có thể buộc hải quân Mỹ phải hoạt động cách Đài Loan và chuỗi đảo thứ nhất 800-900 dặm.

Tên lửa
Tên lửa "sát thủ tàu sân bay" DF-21 của Trung Quốc

Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba là một bài học đắt giá cho Trung Quốc, một nước lâu nay chỉ được chuẩn bị cho các cuộc nội chiến. Tuy nhiên hải quân Trung Quốc xứng đáng vì đã học được rất nhiều từ sự kiện này, và hiện nay sau hơn 20 năm, Trung Quốc đã có thể đối phó, phá hoại hoặc thậm chí đánh chìm tàu sân bay của Mỹ. Không giống Mỹ, Trung Quốc ở vị thế vừa nhận thức được giá trị của tàu sân bay và xây dựng một hạm đội tàu sân bay cho riêng mình trong khi vẫn dành nhiều thời gian và nguồn lực để tìm cách đánh chìm tàu sân bay. Mỹ có thể sẽ sớm nhận ra mình cũng đang ở trong tình thế như vậy.