Tại sao IPO của Deliveroo trở thành vụ chào sàn tồi tệ nhất lịch sử thị trường London?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từng được đánh giá là vụ IPO "bom tấn" của châu Âu năm 2021, nhưng Deliveroo lại trở thành "bom xịt" với giá cổ phiếu tụt dốc không phanh. 
CEO Will Shu của Deliveroo. Ảnh: CNBC
CEO Will Shu của Deliveroo. Ảnh: CNBC

Đầu năm nay, Will Shu - nhà sáng lập Deliveroo - tràn đầy tự tin vì sắp tạo ra đợt niêm yết ra công chúng (IPO) lớn nhất nước Anh trong nhiều năm trở lại đây. Theo đó, giá trị vốn hóa thị trường của Deliveroo trong đợt niêm yết cổ phiếu từng được kỳ vọng đạt khoảng 7,6 - 8,8 tỉ bảng Anh (10,5-12,2 tỉ USD).

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của các nhà đầu tư, khi Deliveroo chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán London vào ngày 31/3, giá cổ phiếu của công ty đã giảm mạnh 31%. Deliveroo trở thành một trong những công ty có thương vụ IPO thua lỗ nghiêm trọng nhất trên sàn giao dịch chứng khoán London.

Meituan phiên bản Anh

Mô hình kinh doanh của Deliveroo tương tự như Meituan, Ele.me, Waimai của Trung Quốc. Ảnh: Techcrunch

Mô hình kinh doanh của Deliveroo tương tự như Meituan, Ele.me, Waimai của Trung Quốc. Ảnh: Techcrunch

Deliveroo ở Anh và Meituan ở Trung Quốc có quan hệ mật thiết với nhau. Deliveroo thực chất là tên viết tắt của "delivery + kangaroo" - một nền tảng dịch vụ cao cấp được thành lập vào năm 2012.

Vào tháng 11/2013, Meituan đã khởi động dịch vụ đặt hàng qua ứng dụng di động, mở đầu cho cuộc chiến O2O (Online – To – Offline) tại Trung Quốc. Giờ đây, Meituan đã trở thành nền tảng giao hàng chiếm tỷ trọng cao nhất nước này với giá trị thị trường là 230 tỉ USD.

Xét về mô hình kinh doanh, Deliveroo không khác gì các nền tảng giao đồ ăn tại Trung Quốc. Nói cách khác, Deliveroo là "Meituan phiên bản Anh". Điểm khác biệt lớn nhất là Deliveroo được định vị là dịch vụ giao đồ ăn cao cấp, phí giao hàng và tỷ lệ hoa hồng trên nền tảng cao hơn so với các nền tảng thông thường.

"Công ty gia nhập thị trường với dịch vụ ăn uống cao cấp và có thể tránh được sự cạnh tranh trực tiếp với Just Eat và Uber Eat. Nếu quy mô người dùng có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, doanh thu và lợi nhuận nền tảng của Deliveroo sẽ tốt hơn so với các công ty cùng ngành" - phân tích của nhóm nghiên cứu Tiger Securities Investment Research.

Hiện tại, hoạt động kinh doanh của Deliveroo đã lan rộng đến 12 quốc gia bao gồm Vương quốc Anh, Ireland, Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha. Công ty hợp tác với 110.000 thương nhân và có hơn 6 triệu người đặt đồ ăn mỗi tháng trên nền tảng.

Tất cả những thành công trên không thể tách rời khỏi sự lãnh đạo của nhà sáng lập - CEO Will Shu. Trong 8 tháng đầu thành lập công ty, Will Shu đã tự mình tham gia giao hàng với tư cách là một nhân viên chuyển phát nhanh để hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng và khám phá mô hình phát triển khác biệt với các nền tảng giao đồ ăn khác.

Trước khi chuyển sang giao hàng thực phẩm, Will Shu là một sinh viên ưu tú của Trường Kinh doanh Wharton và nhà phân tích tại Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley ở New York. Sau đó, ông đến London. Trong khoảng thời gian này, ông thấy việc đặt đồ ăn ở Anh rất bất tiện, chất lượng đồ ăn rất kém nên nảy sinh ý thành lập công ty giao đồ ăn.

Phạm vi kinh doanh của Deliveroo ngày càng rộng hơn. Bên cạnh mảng kinh doanh chuyển đồ ăn, Deliveroo còn hợp tác với 36 siêu thị để chuẩn bị cho ra mắt kế hoạch phân phối nhu yếu phẩm hàng ngày. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch thành lập quỹ hỗ trợ hàng nghìn nhà hàng xây dựng lại hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh. Đối với các shipper, công ty dự kiến ​​thưởng cho họ tới 10.000 bảng Anh sau khi công ty niêm yết.

Tại sao Deliveroo lại chọn niêm yết ở London? Bởi vì đây là thành phố nơi Deliveroo bắt đầu hoạt động kinh doanh. Nước Anh vốn dĩ không có nhiều công ty kỳ lân công nghệ trị giá 1 tỉ USD, cũng như ngày càng ít công ty chọn niêm yết trên sàn giao dịch London. IPO của Deliveroo là một sự cải thiện quan trọng cho trung tâm tài chính London, sau khi bị mất ngôi vị trung tâm giao dịch chứng khoán của châu Âu vào tay Amsterdam (Hà Lan).

"Dịch vụ giao đồ ăn về cơ bản đã bão hòa ở Trung Quốc, nhưng nó vẫn là một ngành công nghiệp mới nổi ở nước ngoài. Trong tương lai, các công ty sẽ cạnh tranh về hiệu quả hoạt động và khả năng phục vụ người dùng" - nhóm nghiên cứu Tiger Securities Investment Research nhận định.

Tín hiệu nguy hiểm

Chỉ trong ít phút sau khi bắt đầu giao dịch hôm 31/3, cổ phiếu Deliveroo đã liên tục lao dốc. Ảnh: Bloomberg
Chỉ trong ít phút sau khi bắt đầu giao dịch hôm 31/3, cổ phiếu Deliveroo đã liên tục lao dốc. Ảnh: Bloomberg

Từng được kỳ vọng là vụ IPO bom tấn của châu Âu trong năm 2021, nhưng Deliveroo lại trở thành vụ chào sàn tồi tệ nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán London.

Trước khi niêm yết cổ phiếu, công ty giao đồ ăn của Anh này đã bị một số nhà đầu tư coi thường. Mô hình "GIG economy" (nền kinh tế việc làm tự do) và cấu trúc cổ phiếu đa quyền mà công ty áp dụng luôn là tâm điểm tranh luận trên thị trường vốn.

Một mặt, Deliveroo không thuê nhân công một cách chính thức mà chỉ dựa vào nhân viên hợp đồng. Nghiệp đoàn công nhân độc lập của Anh đệ đơn kiện Deliveroo nhằm giành quyền thương lượng cho các nhân viên giao hàng. Theo đó, nhân viên giao hàng của doanh nghiệp ở miền Bắc nước Anh chỉ kiếm được 2 bảng Anh/giờ, thấp hơn nhiều mức lương tối thiểu tại nước này.

Đối với các nhà đầu tư dài hạn, tính bền vững trong mô hình kinh doanh của Deliveroo đang gặp rủi ro. Điều kiện làm việc của người lao động là một "tín hiệu nguy hiểm". Họ lo lắng rằng cách đối xử của công ty đối với nhân viên giao hàng không phù hợp với các quyết định đầu tư có trách nhiệm với xã hội của công ty.

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng, nhân viên giao hàng có quyền tự do lựa chọn giờ làm việc, có thể làm việc trên nhiều nền tảng cùng lúc, kể cả nền tảng của các đối thủ cạnh tranh như Uber Eats. Đây thực sự là một điều tốt cho nhân viên giao hàng hợp đồng.

Mặt khác, một số nhà đầu tư lo ngại cấu trúc cổ phiếu đa quyền của Deliveroo không có lợi cho việc quản trị công ty. Deliveroo trước đó đã tuyên bố rằng họ sẽ trao cho người sáng lập Will Shu quyền kiểm soát biểu quyết trong vòng ba năm để đảm bảo công ty phát triển theo đúng định hướng.

Trong khi đó, nhu cầu của thị trường đối với cổ phiếu công nghệ cao đã suy yếu đáng kể sau đợt IPO của công ty, khi lợi suất trái phiếu tăng và các nhà đầu tư bắt đầu bán cổ phiếu lĩnh vực này. Giá cổ phiếu các công ty cùng ngành với Deliveroo là DoorDash và Delivery Hero đều giảm trong tháng qua.

Nhiều người có quan điểm lạc quan chỉ ra Ocado – công ty kinh doanh dịch vụ giao đồ ăn khác - cũng có khởi đầu đầy sóng gió vào năm 2010. Sau đó, giá cổ phiếu công ty này đã tăng hơn 10 lần. Mark Tluszcz – CEO của Mangrove Capital Partners - cho biết: "Các nhà sáng lập không nên nản lòng. Deliveroo chỉ là được định giá quá cao".

Thị trường vốn khốc liệt

“Ván cược” của Amazon vào Deliveroo. Ảnh: CNBC
“Ván cược” của Amazon vào Deliveroo. Ảnh: CNBC

Vào tháng 5/2019, Amazon - với tư cách là nhà đầu tư lớn nhất - đã bơm 575 triệu USD vào Deliveroo. Mục đích là để cạnh tranh với Uber Eats, một dịch vụ giao đồ ăn thuộc sở hữu của Uber.

Trên thực tế, ngay từ năm 2016, Amazon đã âm thầm khai trương hoạt động giao đồ ăn của mình là Amazon Restaurants tại Anh, nhưng sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Deliveroo và Uber Eats đã buộc Amazon phải đóng cửa dịch vụ này vào năm 2018. Trước đó, Amazon đã hai lần muốn trực tiếp mua lại Deliveroo và Uber cũng đã từng đàm phán với Deliveroo.

Đầu tháng 1 năm nay, Amazon một lần nữa đầu tư 180 triệu USD vào công ty. Các công ty đầu tư mạo hiểm Index Ventures, DST Global và Accel Partners cũng đã tham gia vào nhiều khoản đầu tư cho Deliveroo. Sau vòng tài trợ này, định giá của Deliveroo đã vượt quá 7 tỉ USD và Amazon trở thành cổ đông lớn nhất của Deliveroo.

Uber Eats dưới thời Uber vẫn chiếm thị phần lớn tại thị trường giao đồ ăn tại châu Âu, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh, hoạt động giao đồ ăn đã trở thành một trong những nguồn thu quan trọng của Uber, thậm chí còn vượt xa doanh thu từ kinh doanh taxi. Ngoài ra, Uber cũng đã chi 2,65 tỉ USD trong thương vụ mua lại nền tảng giao đồ ăn Postmate của Mỹ.

Vào tháng 6/2020, hãng giao đồ ăn lớn nhất châu Âu - Just Eat đã hợp nhất với GrubHub của Mỹ để trở thành nền tảng giao thức ăn trực tuyến lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, các nền tảng giao đồ ăn địa phương của Anh như Hungry House và Hungry Panda, hãng giao đồ ăn của Đức - Delivery Hero và DoorDash của Hoa Kỳ đều là đối thủ cạnh tranh với Deliveroo.

"Hiện tại, Deliveroo chiếm 20% thị phần trong lĩnh vực phân phối thực phẩm ở Anh và chỉ 11% trong toàn bộ khu vực châu Âu. Việc thâm nhập thị trường liên tục đòi hỏi một dòng trợ cấp ổn định. Trong quá trình này, Deliveroo có nguy cơ bị thôn tính bởi những gã khổng lồ như Just Eat. Ở góc độ bản thân công ty, rủi ro tài chính có thể đi kèm trong thời gian dài "- nhóm nghiên cứu của Tiger Securities Investment Research phân tích.

Liệu Deliveroo có thể giữ vững được vị thế mà nó đã đặt ra hay không là điều đáng chú ý nhất trong tương lai.