Tại sao Canada bán sạch cả ngàn tấn vàng dự trữ?

Mới đây, Canada tuyên bố đã bán hầu như toàn bộ số vàng dự trữ của mình để chuyển sang tích trữ những loại tài sản khác mà theo chính phủ là có tính thanh khoản cao hơn.
Tại sao Canada bán sạch cả ngàn tấn vàng dự trữ?

Vào năm 1955, Canada dự trữ khoảng 1.088 tấn vàng nhưng số lượng này đã giảm xuống còn 46 tấn vào năm 2000. Hiện tại, kho dự trữ của nước này chỉ còn 77 ounces vàng (khoảng 2,18 kg).

Như vậy, theo Hội đồng vàng thế giới (WGC) thì Canada đã trở thành nước đứng bét bảng trong số các quốc gia có dữ trữ vàng nhiều nhất thế giới, thậm chí đứng sau cả Albania, Haiti, Trinidad và Tobago, Papua New Guinea.

Dự trữ vàng của Canada (tấn)

Chính phủ Canada đưa ra một lời giải thích khá hợp lý cho động thái trên. Theo đó, kim loại vàng trên thực tế có tính thanh khoản thấp hơn nhiều loại tài sản khác, ví dụ như trái phiếu chính phủ.

Nếu xét trong dài hạn, chính phủ nhiều nước cũng như các ngân hàng trung ương thường thu được những khoản lợi nhuận thường xuyên khi đầu tư nắm giữ các loại tài sản đảm bảo như trái phiếu chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên câu trả lời này không thực sự giải thích tại sao nhiều quốc gia trên thế giới tích cực dự trữ vàng, thậm chí điên cuồng mua vào loại kim loại này, khi chúng chẳng đóng góp lợi tức gì nhiều ngoài vai trò là một loại tài sản có thể giao dịch.

Việc dự trữ vàng nhiều hay ít rõ ràng không liên quan nhiều đến chính sách tài khóa của một đất nước, thay vào đó chính bối cảnh lịch sử và địa chính trị đã tạo nên động cơ tích trữ vàng của nhiều quốc gia.

Top 20 quốc gia có dự trữ vàng nhiều nhất thế giới (tấn vàng và tỷ lệ % trong tổng dự trữ)

Nếu nhìn vào bảng xếp hạng những nước dữ trữ nhiều vàng nhất thế giới, các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, là cường quốc kinh tế hay có khát vọng trở thành cường quốc đều nằm trong nhóm này.

Một nghiên cứu gần đây của hai chuyên gia kinh tế Joshua Aizenman và Kenta Inoue tại Đại học Santa Cruz cho thấy, lượng dự trữ vàng của một quốc gia thường có liên quan đến sức mạnh hay vị thế của nước đó trong lịch sử, đặc biệt là đối với những nước đã hoặc đang có đồng nội tệ đóng vai trò chủ chốt trên thế giới.

Hiện nay, Mỹ là nước có dự trữ vàng nhiều nhất thế giới với hơn 8.133 tấn vàng, chiếm 74% dự trữ tài sản. Điều này khá dễ đoán, bởi đây là nền kinh tế lớn nhất và đồng USD cũng đang là loại tiền phổ biến nhất toàn cầu.

Tuy nhiên Hà Lan, một quốc gia chỉ có 17 triệu người (dân số Việt Nam là hơn 90 triệu người) lại đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng, trên cả Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Anh đang khiến nhiều người khó hiểu. Thật trùng hợp là quốc gia này từng là cường quốc trên thế giới vào thế kỷ 17 với những đội tàu chiến hùng mạnh.

Bồ Đào Nha, một đế chế đã từng trải dài từ Brazil cho tới Ma Cao đứng thứ 15 với 382 tấn vàng, trong khi dân số nước này chỉ có 11 triệu người. Ngoài ra, hàng loạt những cường quốc có vị thế lớn trên toàn cầu như Đức, Italy, Pháp, Nga cũng nằm trong top 20 của bảng xếp hạng.

Nhật Bản, cường quốc từng “làm mưa làm gió” trong thế chiến II tại Châu Á Thái Bình Dương và hiện là nền kinh tế thứ 2 thế giới, thì đứng ở vị trí số 9.

Tuy nhiên, không chỉ những cường quốc trên thế giới hay đã từng có vị thế hùng mạnh mới có dự trữ vàng khổng lồ. Các quốc gia có tham vọng này và có nền kinh tế phát triển mạnh cũng đang tích cực mua vàng.

Trong nữa cuối thế kỷ 20, Đài Loan được coi là một nền kinh tế có sức tăng trưởng mạnh mẽ và với tham vọng có tiếng nói lớn hơn trên chính trường quốc tế, dự trữ vàng của nước này đang ngày một tăng. Hiện Đài Loan đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng.

Tương tự như vậy, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là những nước lớn có nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Rõ ràng, cả chính quyền Bắc Kinh lẫn Mumbai đều muốn gia tăng vị thế của mình và tích trữ vàng có lẽ là một động thái nhằm củng cố cũng như phô trương sức mạnh của mình.

Hiện Trung Quốc có 1.762 tấn vãng dự trữ và đứng thứ 6, trong khi Ấn Độ có 557 tấn và đứng thứ 11.

Trái ngược lại, những nước chưa từng là cường quốc hoặc không có tham vọng áp đặt tiếng nói lên quốc gia khác lại chả mấy quan tâm đến ngân khố dự trữ của mình có nhiều vàng hay không.

Phần Lan, một quốc gia nổi tiếng hòa bình chỉ đứng thứ 46 trong bảng xếp hạng với 49 tấn vàng, còn Ireland, vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Anh cũng chỉ đứng thứ 79 với 6 tấn vàng.

Quay lại với trường hợp của Canada, rõ ràng chính phủ nước này không có ý định áp đặt tiếng nói của mình lên quốc gia nào khác dù có diện tích lãnh thổ lớn với nền kinh tế phát triển.

Với động thái bán sạch vàng dự trữ, Canada gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng việc tích trữ vàng không thực sự khiến quốc gia mạnh hơn, mà nó chỉ đem lại “ảo tưởng sức mạnh” mà nhiều nước mong muốn.

Theo Trí Thức Trẻ