Tại sao các công ty công nghệ lại dần trở nên giống hệt nhau?

Những sản phẩm "hao hao" nhau. Cách thức hoạt động giống nhau. Sự cạnh tranh giữa các công ty công nghệ, tưởng chừng như rất khắc nghiệt, nhưng thực ra lại không hẳn là vậy, vì họ đều đang cố gắng bắt chước lẫn nhau.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo báo Anh The Telegraph, cách đây một thập kỷ, Steve Ballmer, cựu CEO của Microsoft đã từng đưa ra lời nhận xét về Apple, và kể từ đó ông cứ quanh quẩn như một thứ mùi khó chịu. Tại thời điểm đó, smartphone là một mảng đang trên đà tăng trưởng nhưng vẫn rất nhỏ bé so với toàn bộ ngành công nghiệp điện thoại di động. Microsoft là một trong những nhà tiên phong, phần mềm di động của họ chỉ đứng sau Nokia. Vì vậy, khi được hỏi về iPhone, một thiết bị hoàn toàn mới và đắt tiền đến từ một công ty nổi tiếng nhất về máy nghe nhạc di động, Ballmer đã bác bỏ nó một cách thẳng thừng.

Steve Ballmer đã từng bác bỏ iPhone, và Microsoft phải gánh chịu hậu quả. Giờ đây, mọi người trong ngành công nghệ đều đang cố gắng lấn sang mọi mảng mà mình có thể vươn tới.

Ông nói: "Không đời nào iPhone có thể có được một thị phần đáng kể. Tôi muốn có thị phần phần mềm ở mức 60, 70 hay 80 phần trăm, hơn là 2 hoặc 3 phần trăm, và đấy chính là con số mà Apple sẽ nhận được".

Dĩ nhiên, thời gian đã chứng minh rằng ông Ballmer đã sai, vì hóa ra rằng, có rất nhiều người sẵn sàng bỏ hàng trăm USD để mua một chiếc điện thoại. Những người không đến với iPhone cũng lựa chọn hệ điều hành Android của Google hơn là Microsoft. Một công ty đã và đang thống trị mảng phần mềm máy tính trong nhiều thập kỷ đã trở nên lạc lõng ở mảng điện thoại di động, và họ nhận ra điều đó khi đã quá muộn màng. Ballmer không còn điều hành Microsoft nữa, và giờ ông đăng bài trên Twitter bằng iPhone.

Sự leo thang của điện thoại thông minh, và vận may khác nhau của các công ty lớn xoay quanh ngành công nghiệp đã định hình công nghệ trong thập kỷ qua. Apple và Google là những người chiến thắng. Microsoft thất bại, và giờ phần lớn các công ty công nghệ còn lại đều đang sống trong sợ hãi, nếu một ngày họ trở thành "một Microsoft thứ hai".

Câu hỏi mà công ty đã trả lời sai trong năm 2007 – điều gì sẽ xảy ra sau máy tính để bàn (desktop PC) – giờ đang trở nên đầy ám ảnh. Điều gì sẽ xảy ra với Apple sau kỷ nguyên smartphone? Google sẽ ra sao nếu các trợ lý trí tuệ nhân tạo thay thế hoàn toàn các bộ máy tìm kiếm trên internet? Nếu chúng ta ai cũng đắm chìm trong thế giới thực tế ảo, Facebook có còn cần thiết hay không?

Không ai thực sự biết công nghệ sẽ biến chuyển như thế nào trong thời gian tới. Nó có thể là internet vạn vật (IoT), hay loa thông minh như Amazon Echo, rồi thực tế ảo và thực tế tăng cường. Rồi chúng sẽ được phân chia thế nào? Liệu loa thông minh nên càng nhỏ và rẻ càng tốt, hay đắt tiền và có chất lượng cao? Các công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường sẽ đến với chúng ta dưới dạng kính công nghệ cao, hay chỉ cần camera của smartphone là đủ?

Dự đoán tương lai không phải là điều dễ dàng. Nhưng chắc chắn đây là những câu hỏi sẽ khiến các công ty công nghệ sáng tạo nhất cũng phải đau đầu. Và ở thời điểm hiện tại, thay vì đưa ra những câu trả lời, các công ty công nghệ đang làm mọi thứ có thể và hi vọng rằng có thứ gì đó sẽ thành công. Kết quả là, tất cả đều đang dần trở nên giống hệt nhau.

Những sản phẩm mới được công bố bởi Google đầu tháng nay. Chỉ cách đây không lâu, họ thậm chí còn chẳng làm bất kì sản phẩm phần cứng nào.

Trợ lý ảo "chuẩn" đầu tiên, Siri của Apple, được ra mắt cách đây 6 năm. Cho đến nay, họ chưa gây được nhiều tác động giống như những gì mà Star Trek tưởng tượng. Nhưng bất chấp điều đó, mọi đối thủ của họ - Google, Amazon, Samsung, Facebook – đều có một trợ lý ảo của riêng mình.

Năm 2014, Amazon lần đầu tiên đưa trợ lý ảo Alexa của mình lên loa thông minh, thay vì smartphone. Loa thông minh vẫn chỉ có một thị phần khiêm tốn, nhưng giờ mọi công ty đều đang cố gắng làm điều tương tự.

Danh sách vẫn ngày một dài thêm, từ các ứng dụng trò chuyện, nghe nhạc, xem phim trực tuyến cho đến nhận diện hình ảnh, thực tế ảo... Chúng đều dẫn đến một kết luận: tất cả mọi người dường như đều đang quá ôm đồm mọi thứ.

Điều này cũng không hẳn là quá gây ngạc nhiên. Các công ty công nghệ ngày nay đều có đủ tiền trong tay để đầu tư cho mọi thứ. Và không ai muốn lặp lại sai lầm của Microsoft. Sẽ dễ dàng hơn nếu như bạn bỏ ra một vài triệu USD để thiết lập chỗ đứng trong thị trường hơn là bỏ qua nó.

Các công ty đều muốn chơi phòng thủ, thay vì tấn công: chiến lược đã chuyển từ "hãy làm một thứ gì đó thật mới mẻ" thành "hãy đảm bảo rằng không ai đang làm điều gì mà chúng ta không làm". Đây là sự thiếu đi tầm nhìn của họ. Lí do khiến không một công nghệ nào có được tầm ảnh hưởng như smartphone đã làm có thể là vì không ai trong số các công ty lớn có được sự ủng hộ đầy đủ của các nhà sản xuất.

Tại sao các công ty công nghệ lại dần trở nên giống hệt nhau? ảnh 4

Steve Jobs đã khiến Microsoft phải khốn đốn trong nhiều năm trời, và đó cũng là câu chuyện cảnh báo cho rất nhiều người trong lĩnh vực công nghệ.

Khi Steve Jobs cho ra mắt iPhone, nó đã trở thành tương lai của Apple. Thành công của họ - biến việc trả 500 USD cho một chiếc điện thoại là hợp lý – trở thành nhiệm vụ của công ty. Giờ thử so sánh nó với chiếc loa thông minh HomePod mà Apple sẽ cho lên kệ vào cuối năm nay. Nó xuất hiện ở một thị trường đã có nhiều đối thủ đi trước, với những khả năng tương đương nhau. Tương lai của công ty hoàn toàn không phụ thuộc vào sự thành công hay thất bại của HomePod.

Chúng ta vẫn thường nghe "một nghề cho chín còn hơn chín nghề". Giờ, người tiêu dùng trở nên lúng túng và thay vì đón nhận các sản phẩm mới, họ né tránh chúng.

Chưa kể, các công ty đang rút ra bài học sai từ câu chuyện của Microsoft. Sau khi nhận ra sai lầm của mình, Ballmer đã dành những năm cuối trong nhiệm kì của mình để cố gắng đưa Microsoft theo kịp với Apple và Google trong mảng smartphone, đáng chú ý nhất là thương vụ mua lại (thất bại) Nokia của họ với giá 5,4 tỷ Euro.

Mới đây, Microsoft đã tuyên bố khai tử Windows Phone. Dưới sự lãnh đạo của Satya Nadella, những gì còn sót lại của thương vụ Nokia đều bị loại bỏ, phát triển điện thoại thông minh cũng được cho tạm ngưng. Thay vào đó, công ty tập trung vào phần mềm điện toán đám mây và các phần mềm năng suất (productivity software). Kết quả, thập kỷ thất bại của họ đã chấm dứt. Giá cổ phiếu công ty đã tăng lên gấp đôi kể từ khi Nadella được bổ nhiệm năm 2014.

Vận may của Microsoft không chỉ vì họ cố gắng làm mọi thứ có thể, mà còn vì họ biết cách khai thác điểm mạnh của mình. Có lẽ, đây mới chính là bài học mà các công ty công nghệ khác nên noi theo.

Theo VnReview
http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2302512/tai-sao-cac-cong-ty-cong-nghe-lai-dan-tro-nen-giong-het-nhau