Tại sao Anh không cấm Huawei triển khai mạng 5G?

VietTimes -- Ngay sau lời kêu gọi của Mỹ, 3 nước Australia, New Zealand, Canada đã đồng loạt tuyên bố tẩy chay thiết bị viễn thông của Huawei, cấm công ty có trụ sở tại Thẩm Quyến tham gia triển khai mạng 5G. Mặc dù là một trong năm thành viên của Five Eyes nhưng Anh vẫn bỏ ngoài tai cảnh báo của Mỹ và tiếp tục ký kết hợp đồng với Huawei. Tại sao vậy?
Huawei trở thành mục tiêu chỉ trích của 4 trên 5 quốc gia thuộc liên minh tình báo Five Eyes. Ảnh: FT
Huawei trở thành mục tiêu chỉ trích của 4 trên 5 quốc gia thuộc liên minh tình báo Five Eyes. Ảnh: FT

Mối quan hệ giữa Huawei và chính phủ Anh

Trong gần 15 năm, tập đoàn Trung Quốc Huawei đã coi Vương quốc Anh như thị trường chiến lược và là bước đệm để mở rộng thị trường, đạt được những thỏa thuận lớn, và giúp công ty trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới.

Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Huawei và các nhà mạng Anh như Bristish Telecom (BT) và Vodafone đã vượt qua những quan ngại về bảo mật liên quan để lỗ hổng backdoor cho phép Trung Quốc thu thập dữ liệu.

Tuy nhiên, khi cơn sốt 5G bắt đầu lan tỏa tới nhiều quốc gia thì Anh, cũng như chính phủ các nước bắt bắt đầu cân nhắc xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ tiêu chuẩn mạng viễn thông mới. Bỗng nhiên, Huawei phải đối mặt với mối đe dọa nghiệm trọng nhất cho hoạt động kinh doanh quốc tế của mình.

Trong vài tuần qua, Washington đã phát đi thông điệp cảnh báo sử dụng thiết bị Huawei tới các nước đồng minh. Trong đó, Australia và New Zealand là hai quốc gia mới nhất thuộc liên minh tình báo Five Eyes gia nhập cùng Mỹ trong danh sách tẩy chay Huawei. Thành viên khác là Canada cũng đang tiến hành đánh giá an ninh.

Còn tại Anh, Huawei đã ký hợp đồng với nhà mạng Three để cung cấp thiết bị 5G, và đang xúc tiến thử nghiệm mạng 5G với Vodafone và EE (Eveything Everywhere thuộc BT).

Mạng 5G được dự đoán sẽ trở thành nền tảng để kết nối tất cả khu vực, mọi ngành công nghiệp. Đó là lý do khiến Anh và các chính phủ khác phải đắn đo khi đặt niềm tin vào công ty Trung Quốc.

Dự đoán về công nghệ 5G tới năm 2025. Ảnh: CCS Insight
Dự đoán về công nghệ 5G tới năm 2025. Ảnh: CCS Insight

Công nghệ của Huawei có thực sự là mối lo?

Chuyên gia Ewan Lawson từ Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh nhận định: “5G là chìa khóa để mở ra kỷ nguyên Internet Vạn vật (IoT), nhưng nó cũng tạo ra phạm vi tấn công rộng hơn cho những hacker”. Ông Lawson nói thêm: “Nếu bạn lo lắng về bảo mật thì IoT sẽ thay đổi đáng kể khả năng dự đoán rủi ro của các nhà hoạch định chính sách”.

Giám đốc kỹ thuật của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh (NCSC) Ivy Levy chia sẻ về 2 mối hiểm họa tiềm ẩn là nguy cơ gián điệp của Trung Quốc và anh ninh mạng tổng thể.

Ông Ivy Levy nói: “Điều chúng tôi quan tâm nhất là kết nối ổn định của mạng lưới”. Ông nói: “Ai đó ở Bắc Kinh có thể nhấn nút và vô hiệu hóa toàn bộ thiết bị Huawei. Nó là mối quan tâm số một của các nhà mạng Anh”.

Với tốc độ và độ trễ thấp, quá trình xử lý dữ liệu sẽ được thực hiện trên hệ thống rìa mạng, gần nhất với thiết bị của người dùng, thay vì được định tuyến thông qua các máy chủ tập trung.

Cho tới nay, Anh triển khai cơ sở hạ tầng bằng cách sử dụng thiết bị từ các nhà cung cấp khác như Eriksson và Nokia, bên cạnh bộ kit Huawei. Bộ kit này bao gồm ăng-ten di động, bộ định tuyến và bộ chuyển mạch. Nhưng ông Levy cho rằng phương thức này sẽ khó áp dụng với mạng viễn thông 5G vì lượng dữ liệu lớn đang được thực hiện ở xa trung tâm xử lý.

“Nếu bạn đã dùng một bộ kit Huawei, chúng tôi muốn chắc chắn thành phần xung quanh nó không phải do Huawei sản xuất”. Ông Levy nói: “Nhưng công nghệ 5G khiến mọi chuyện khó khăn hơn, vì vậy bạn phải sử dụng thiết bị Huawei với số lượng nhỏ, bởi rủi ro tỷ lệ với số lượng thiết bị”.

Thống kê trong năm 2017, Huawei đang có 180.000 nhân viên trên toàn cầu và đạt doanh thu 92,5 tỷ USD. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khẳng định luôn coi bảo mật là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu. Giám đốc điều hành Huawei tại Đức Cui Haifeng cho biết: “(Đối với) mọi công nghệ của Huawei, chúng tôi luôn cố gắng đặt sự an toàn và bảo mật là ưu tiên hàng đầu cho mọi thiết kế, sản phẩm và dịch vụ. Tất cả chúng đều an toàn”.

Huawei tăng trưởng vượt bậc trong vài năm qua. Ảnh: Company
Huawei tăng trưởng vượt bậc trong vài năm qua. Ảnh: Company

Kể từ khi Luật Tình báo Quốc gia được Bắc Kinh ban hành năm ngoái, mối nghi ngờ của phương Tây đối với các công ty Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. Bộ luật nêu rõ “các tổ chức và công dân… sẽ hợp tác và hỗ trợ trong công tác tình báo quốc gia”.

Cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Rick Ledgett lý giải: “Mối nguy hiểm nằm ở luật pháp Trung Quốc, Huawei được yêu cầu cung cấp sự hỗ trợ, giúp đỡ và thông tin cho Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan có quyền hạn tương tự FBI và CIA”. Ông Ledgett nói thêm: “Hoàn toàn không có quá trình pháp lý và bảo vệ ở đó”.

Đồng thời, Huawei cũng phải chịu phản ứng dữ dội của phương Tây vì chính sách công nghiệp “Made in China 2025” của Trung Quốc. Trọng tâm chính sách mà Bắc Kinh đề ra là tập trung thúc đẩy sự thống trị của các công ty trong nước. Động thái này đã là giảm sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp phương Tây dành cho Trung Quốc.

Tại Đại lục, “Phòng hỏa trường thành” được xây dựng để kiểm soát môi trường Internet, còn ở nước ngoài Huawei luôn bị coi là mối hiểm họa an ninh. Chính phủ nhiều nước cho rằng, Trung Quốc sẽ tận dụng thiết bị viễn thông Huawei, đang phổ biến trong cơ sở hạ tầng của các nhà mạng, để thu thập dữ liệu và thực hiện nhiệm vụ gián điệp.

Ông Ledgett cho rằng mạng 5G sẽ làm thay đổi bức tranh toàn cảnh về an ninh mạng: “Nếu tìm cách tấn công một hệ thống mạng thì sự phức tạp là bạn đồng hành”.

Sức ép từ Mỹ đã thay đổi quan điểm trong chính quyền Anh. Đầu tháng này, cuộc họp của ban giám sát Cell, cơ sở nghiên cứu lỗi bảo mật trong quá trình vận hành thiết bị Huawei, tại Banbury, giữa quan chức và các giám đốc điều hành được mô tả là tương đối “căng thẳng”.

Thị phần cung cấp thiết bị hạ tầng viễn thông năm 2016-2017. Ảnh: IHS Markit
Thị phần cung cấp thiết bị hạ tầng viễn thông năm 2016-2017. Ảnh: IHS Markit

Ngay trong tuần trước, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh (NCSC), đơn vị đứng đầu ban giám sát đã phải có hành động nhắc nhở công khai và yêu cầu Huawei phải giải quyết được các vấn đề kỹ thuật, theo báo cáo công bố hồi tháng 7.

Bản báo cáo đã chỉ ra những thiếu sót trong các quy trình kỹ thuật của Huawei đã phơi này “những rủi ro mới của mạng lưới viễn thông Anh”. Đây là lần đầu tiên trong 4  năm, kể từ khi trung tâm đánh giá tại Banbury, Oxfordshire được thành lập, Anh tuyên bố mối lo ngại đối với công ty Trung Quốc.

Hiện tại, cơ quan an ninh mạng của Anh cho biết họ chưa thể đảm bảo thiết bị Huawei an toàn trước cuộc tấn công của các hacker thù địch, những kẻ có thể tới từ bất kỳ quốc gia nào, chứ không chỉ Trung Quốc. Trung tâm cũng tiến hành kiểm tra các thiết bị Huawei trước khi được lắp đặt trong mạng lưới của các nhà cung cấp dịch vụ, để đề phòng trường hợp cấy chip gián điệp Trung Quốc.

Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khẳng định thiết bị mạng Huawei là rẻ và tốt nhất trên thị trường nhưng không thể phủ nhận lỗi và lỗ hổng đã gây ra những nghi ngờ. Một cựu quan chức tình báo Anh cho biết: “Backdoor sẽ là một từ quá mạnh, nhưng có những thứ trên phần cứng giống như lỗ hổng tiềm ẩn và có thể bị khai thác”.

Trường hợp của Huawei khá giống với Kaspersky Labs năm ngoái. Tháng 12/2017, công ty bảo mật của Nga đã bị tố bởi Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh Ciaran Martin, cho rằng phần mềm diệt virus bí mật thu thập dữ liệu và chuyển về Nga. Ông Martin đã cảnh báo tất cả các cơ quan chính phủ ngừng sử dụng Kaspersky và yêu cầu lệnh cấm phát hành phần mềm tại Anh.

Bất kể chính phủ Anh đưa ra quyết định như thế nào, một số nhà mạng tin rằng chính sách tẩy chay Huawei xuất phát từ sức ảnh hưởng gia tăng nhanh chóng của công ty Trung Quốc. Một Giám đốc điều hành công ty cung cấp dịch vụ viễn thông nói: “Một trong những lý do khiến Huawei bị giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan tình báo và chính phủ là bởi họ rất thành công”. Ông này nói thêm: “So với 5 năm trước, hiện họ đóng vai trò lớn hơn nhiều trong chuỗi cung ứng”.

Theo Financial Times