Tịch thu phương tiện vi phạm luật giao thông: Lo ngại hối lộ lớn để “bỏ qua”

Nhiều luật gia, luật sư và dư luận vẫn băn khoăn, phản ứng cho rằng đề xuất trên là quá vội vàng, chỉ “chăm chăm” vào biện pháp tăng nặng chế tài xử lý người dân vi phạm, mà không chắc có mang lại hiệu quả tích cực về an toàn giao thông.
lực lượng CSGT Đội 1 CA TP.Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông.
lực lượng CSGT Đội 1 CA TP.Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông.

Đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đang gây nhiều tranh cãi. Dù đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia liên tục khẳng định đã nghiên cứu kỹ, đề xuất trên là có cơ sở

Không thể tùy tiện tịch thu xe

Đây là khẳng định của luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - trước đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG): Tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc quá 0,4mg/lít khí thở, kèm theo hình thức phạt tiền. Theo luật sư Hậu, mức phạt trên là quá nặng so với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. 

Ngoài ra, cũng theo luật sư này, việc tịch thu xe sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, đặc biệt là khi xe đó không phải là xe của người điều khiển phương tiện mà chỉ là xe mượn, xe thuê, xe chuyển nhượng nhưng chưa sang tên. Lúc này, câu chuyện tịch thu xe sẽ mâu thuẫn với các quy định của Bộ luật Dân sự về quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản (bao gồm quyền cho thuê, cho mượn xe).

“Nhà nước không thể tịch thu xe do người điều khiển phương tiện mượn hoặc thuê của người khác, bởi những người này không có lỗi liên quan đến việc người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn trong cơ thể khi tham gia giao thông. Nếu quy định tịch thu luôn cả xe không thuộc sở hữu của người điều khiển phương tiện thì quy định này sẽ vi hiến” - luật sư Hậu khẳng định, đồng thời lý giải: Điều 32 Hiến pháp 2013 quy định rõ, mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất; và quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ.

Chia sẻ với luồng quan điểm này, ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) - cũng cho rằng, việc vi phạm nồng độ cồn, chở quá tải hay đi vào đường cao tốc có rất nhiều biện pháp xử lý như tăng nặng mức xử phạt, tạm giữ phương tiện vi phạm có thời hạn, hay tước giấy phép của người điều khiển phương tiện… chứ không thể tùy tiện tịch thu ôtô, xe máy của người vi phạm được. Vì tịch thu là đụng đến quyền sở hữu của công dân. 

Ngay cơ sở mà UBATGTQG viện dẫn về tính hợp pháp của đề xuất là Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính là được tịch thu phương tiện đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng, thì ông Lê Hồng Sơn cũng cho rằng: Như thế nào là vi phạm nghiêm trọng trong trường hợp này cũng rất khó xác định, từ đó ông Sơn cho rằng, đề xuất của UBATGTQG cần phải được xem xét lại.

Ngoài ra, theo luật sư Lê Thiên - Cty Luật Lê và liên danh - đề xuất trên sẽ xử lý ra sao đối với xe biển xanh (xe công) mà người điều khiển xe có vi phạm.

Nói xử nặng để giảm vi phạm là thiếu căn cứ

Trong cuộc trả lời trực tuyến mới đây, Phó Chủ tịch UBATGTQG Khuất Việt Hùng cho rằng “mục tiêu đề xuất trên không phải để xử phạt công dân của mình, mà là biện pháp giáo dục, xây dựng văn hóa giao thông. Vì nếu người ta thấy hậu quả rất lớn, họ sẽ không thực hiện nữa”. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hậu lại có cái nhìn ngược lại. 

Theo luật sư, diễn biến gần đây, từ câu chuyện tịch thu xe máy khi đi vào đường cao tốc cho đến quy định tịch thu xe đối với người điều khiển xe máy vi phạm quy định về nồng độ cồn cho thấy, có vẻ như UBATGTQG chỉ đang chăm chăm vào biện pháp tăng nặng chế tài xử lý vi phạm. “Luận điểm của họ là tăng nặng chế tài xử phạt, bao gồm cả tịch thu xe để người dân sợ mà tuân thủ. Tôi cho rằng luận điểm này là sai lầm” - luật sư Hậu đồng thời nhấn mạnh: Quy định pháp luật phải phù hợp với ý chí của nhân dân, phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện kinh tế của người dân hiện nay.

“Việc quy định tịch thu xe tràn lan sẽ tác động tiêu cực rất lớn tới đời sống của người dân. Luận điểm tăng nặng chế tài xử phạt để đảm bảo an toàn giao thông cũng thiếu căn cứ khoa học, bởi chưa có cơ sở để chứng minh rằng khi tăng nặng chế tài thì người dân sẽ tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, không vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông” - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM lý giải.

Cũng theo luật sư Hậu, hiện nay hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông đang có vấn đề, nhất là tình trạng người vi phạm hối lộ một số người trong khi thực thi nhiệm vụ để không phải bị phạt, do đó giải pháp quan trọng trước mắt là phải chấn chỉnh lại hoạt động này. Luật sư Hậu cảnh báo: Quy định xử phạt vi phạm về giao thông đường bộ có ảnh hưởng đến đại bộ phận nhân dân, nếu quy định không phù hợp thì không những tác động tiêu cực tới đời sống nhân dân, bởi xe máy là phương tiện đi lại, làm ăn hằng ngày của người dân. 

Cùng với đó, việc quy định tịch thu xe khi vi phạm về nồng độ cồn còn làm phát sinh nhiều hệ luỵ xã hội như hối lộ số tiền lớn hơn để được “bỏ qua” vi phạm, khiếu nại, khởi kiện liên quan đến việc tịch thu xe. Từ đó, luật sư đề nghị dự thảo quy định về xử phạt vi phạm giao thông như đề xuất trên (nếu có) cần được đưa ra lấy ý kiến nhân dân để đảm bảo tính khách quan, phù hợp với ý chí của nhân dân.

“Đủ cơ sở pháp lý để tịch thu xe do người điều khiển vi phạm nồng độ cồn”

Theo ông Khuất Việt Hùng, quyền sở hữu tài sản hiện nay được quy định rất rõ trong Hiến pháp. Nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính - 2012 quy định về việc tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm, những hành vi vi phạm hành chính uy hiếp gây nguy hiểm cho xã hội cao. Đây là cơ sở pháp lý để thực hiện. Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định rõ là Chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện, tỉnh được phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Riêng Chủ tịch UBND tỉnh được tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không giới hạn về giá trị. Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ hoặc Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt cũng đủ thẩm quyền này. Đáng chú ý Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ, theo đó người lái phương tiện biển xanh, biển đỏ, taxi, lái thuê cho các DN vận tải và xe đi thuê tự lái… nếu vi phạm thì phải đền bằng số tiền vi phạm bằng giá trị tài sản cho chủ sở hữu, sau đó mới được lấy xe về. Không có một cơ quan đơn vị nào mà khi giao xe cho các lái xe mà không có quy định rõ ràng về quản lý và sử dụng phương tiện, do vậy các lái xe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi vi phạm của mình. “Việc tịch thu xe được áp dụng trực tiếp đối với người điều khiển xe vi phạm. Còn việc mượn xe là giao dịch dân sự, cá nhân người mượn xe (tài xế) là người chịu trách nhiệm dân sự với người cho mượn xe (người sở hữu)” - ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Lao động