Đóng tàu vỏ sắt: Nói dễ làm khó

UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn gửi Bộ NN-PTNT đề nghị thay đổi, bổ sung thiết kế, dự toán kinh phí đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67 để phù hợp với ngư dân.
Cabin tàu cao quá gây cản gió, khiến tàu có thể chịu sự rung lắc lớn
Cabin tàu cao quá gây cản gió, khiến tàu có thể chịu sự rung lắc lớn

Theo kế hoạch, năm 2015, tỉnh Bình Định sẽ thực hiện đóng mới 200 tàu và năm 2016 là 105 tàu theo Nghị định 67 đã được Bộ NN-PTNT phân bổ. Giữa năm 2014, tỉnh Bình Định đã phê duyệt hồ sơ đợt một cho 37 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong đó có 24 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ composite, 10 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ gỗ bọc composite. Tuy nhiên, hiện chỉ có 14/24 chủ tàu đăng ký đóng mới tàu vỏ thép đã ký hợp đồng với các cơ sở đóng tàu. Trong số này chỉ có 4 chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng BIDV để vay vốn, các chủ tàu còn lại vẫn đang loay hoay lựa chọn ngân hàng. Đầu năm nay, tỉnh Bình Định tiếp tục tổng hợp phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đợt hai cho 41 chủ tàu.

Theo các ngư dân, việc triển khai đóng mới tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 “nói dễ, làm khó”. Ngoài việc tiếp cận nguồn vốn khó khăn, 21 mẫu tàu cá vỏ thép được Bộ NN-PTNT phê duyệt và công bố có nhiều chi tiết không phù hợp với thực tế đánh bắt. Chẳng hạn như cabin tàu cao quá gây cản gió, khiến tàu có thể chịu sự rung lắc lớn, nắp khoang chứa không phù hợp với việc vận chuyển sản phẩm ra vào.... “Hiện chi phí để đóng một con tàu vỏ gỗ công suất trên 400 CV với đầy đủ các thiết bị do ngư dân thực hiện chỉ khoảng từ 3 - 4 tỉ đồng nhưng tàu vỏ gỗ đóng theo mẫu có giá 5 tỉ đồng, tàu vỏ sắt gần chục tỉ đồng. Ngư dân muốn vay vốn đóng tàu cần phải có vốn đối ứng lớn, 30% đối ứng tàu vỏ gỗ và 5% đối với tàu vỏ sắt. Đó là chưa kể ngư dân phải “loay hoay” với nhiều thủ tục mới tiếp cận được vốn vay để đóng tàu”, ông Phạm Văn Chung, Phó phòng Kinh tế H.Hoài Nhơn (Bình Định), nói.

Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trước đây, khi các nhà máy đóng tàu đến Bình Định làm việc, đã thông báo dự toán đóng mới một tàu sắt khoảng 7 - 8 tỉ đồng nhưng khi ngư dân ký hợp đồng đóng mới một tàu sắt thì dự toán tăng lên đến 17 -18 tỉ đồng (bao gồm cả ngư lưới cụ). Như vậy, mỗi năm chủ tàu sẽ phải trả cả vốn gốc và lãi vay khoảng 1,6-1,8 tỉ đồng/một tàu đóng mới. Do đó, ngư dân không có khả năng để trả nợ vốn vay của ngân hàng nên có xu hướng muốn chuyển sang đóng mới tàu vỏ gỗ để giảm chi phí. Ngoài ra, Bình Định không có cơ sở đóng mới và bảo dưỡng tàu sắt, ngư dân phải thực hiện việc này ở ngoài tỉnh nên sẽ rất khó khăn.

“UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ cho các chủ tàu lựa mẫu tàu vỏ thép và liên hệ với các đơn vị tư vấn thiết kế để điều chỉnh, bổ sung thiết kế, dự toán cho phù hợp trình Trung tâm đăng kiểm tàu cá thẩm định, phê duyệt. Tỉnh Bình Định cũng đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí để tỉnh tự thiết kế 4 mẫu tàu cá vỏ gỗ và vỏ composite cung cấp cho chủ tàu. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách liên quan đến ngư lưới cụ, thẩm định giá, về sử dụng máy móc đã qua sử dụng... để phù hợp hơn với ngư dân”, bà Hà cho biết.

Theo Thanh Niên