Doanh nghiệp lớn vẫn "trong tay" các CEO lão làng

Theo thống kê của Vietnam Report, hơn 73% CEO doanh nghiệp lớn thuộc thế hệ lão làng 6x, 5x; trong khi đó, thế hệ trẻ 8x có ít CEO nhất với 0,8%.
Doanh nghiệp lớn vẫn "trong tay" các CEO lão làng !
Doanh nghiệp lớn vẫn "trong tay" các CEO lão làng !

Theo Vietnam Report, Bảng xếp hạng VNR500 (Top 500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Việt Nam) qua 8 năm công bố là bức tranh thu nhỏ của kinh tế Việt Nam giai đoạn 2007-2014

 Tổng doanh thu của nhóm doanh nghiệp VNR500 tăng dần qua các năm công bố. Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2009-2010 và 2011-2012, tăng trưởng tổng doanh thu có dấu hiệu giảm tốc (năm 2009-2010 là 7,8%, năm 2011-2012 là 4,3%). Sang năm 2013-2014, kinh tế Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, tổng doanh thu của nhóm doanh nghiệp VNR500 cũng dần ổn định hơn với tốc độ tăng tương ứng trung bình 15%/năm.

Doanh nghiệp Nhà nước có tổng doanh thu cao nhất

 Số liệu từ Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014 chỉ ra rằng, 59,4% tổng doanh thu của 500 doanh nghiệp lớn nhất đến từ khối nhà nước, cho thấy DNNN vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong BXH VNR500, đồng nghĩa với việc mặc dù đang thực hiện cổ phần hóa DNNN nhằm tạo thêm nhiều không gian và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước, song trên thực tế, các DNNN vẫn đang chi phối nền kinh tế Việt Nam.

 Doanh nghiệp tư nhân trong nước đông nhưng chưa hiệu quả

 Khối doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện có nhiều doanh nghiệp lọt vào BXH VNR500 năm 2014 nhất, chiếm khoảng 44%, nhưng tổng doanh thu lại ở mức thấp nhất với 18,6% tổng doanh thu toàn bảng, giảm 0,8% so với BXH năm trước, cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong thời gian qua đang có dấu hiệu đi xuống.

 Xét về tỷ số lợi nhuận ròng trên tổng tài sản, khối tư nhân trong nước có hệ số ROA trung bình đạt 5,7%, đồng nghĩa với mỗi 100 đồng tài sản sẽ tạo ra chưa đến 6 đồng lợi nhuận. Đây là mức thấp nhất so với các khối doanh nghiệp FDI (13%) và Nhà nước (6,2%).

 Ngành khai thác khoáng sản – xăng dầu vẫn “giàu” nhất

 Trong 8 năm công bố BXH VNR500, ngành khoáng sản – xăng dầu luôn là ngành dẫn đầu về doanh thu.

 “Soi” riêng BXH VNR500 năm nay có khoảng 15% doanh nghiệp lớn là các doanh nghiệp ngành khoáng sản – xăng dầu đang tạo ra 32,9% tổng doanh thu toàn BXH, mức doanh thu cao nhất trong số các ngành nghề kinh doanh.

 Rõ ràng, cơ cấu ngành nghề hiện nay cần được điều chỉnh lại hợp lý hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhóm ngành khai thác tài nguyên, khuyến khích phát triển các ngành tiềm năng như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin…

Đứng thứ hai về tổng doanh thu là ngành điện (19%), tiếp theo sau là ngành tài chính – ngân hàng (10,3%).

 

Doanh thu của các doanh nghiệp VNR500 trong 8 năm qua phân theo ngành nghề hoạt động

 Bắc Ninh “giàu” lên nhờ doanh nghiệp ngoại

 Bắc Ninh vươn lên trở thành địa phương đứng thứ ba về tổng doanh thu của BXH VNR500 năm 2015 nhờ sự đóng góp của nhóm doanh nghiệp FDI

Sự xuất hiện của nhà máy sản xuất điện thoại Nokia (nay là Công ty TNHH Microsoft Mobile Việt Nam thuộc tập đoàn Microsoft), nối tiếp bước đi của Samsung tại Việt Nam trong năm 2013 đã giúp tỉnh Bắc Ninh trở thành địa phương có ít doanh nghiệp lớn nhưng tổng doanh thu chiếm hơn 9% tổng doanh thu toàn BXH, chỉ đứng sau hai trung tâm kinh tế lớn là TP.Hà Nội (45,2%) và TP. Hồ Chí Minh (21,4%). Qua đó cho thấy Việt Nam nói chung, và Bắc Ninh nói riêng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện nay.

 Hơn 73% CEO doanh nghiệp lớn thuộc thế hệ lão làng 6x, 5x

 Thống kê về độ tuổi của CEO, 41,5% số CEO lãnh đạo các doanh nghiệp VNR500 có độ tuổi nằm trong khoảng từ 46 đến 55 tuổi (là các CEO thuộc thế hệ 6x), kế đến là CEO thế hệ 5x (trên 56 tuổi) với tỷ lệ 31,7%. Thế hệ trẻ 8x có ít CEO nhất với 0,8%.

 

Cơ cấu CEO doanh nghiệp lớn theo độ tuổi trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014

 Có thể thấy, phần đông CEO doanh nghiệp lớn trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014 đến từ thế hệ 6x và 5x. Nếu 6x và 5x có lợi thế là kinh nghiệm và sự từng trải trong kinh doanh cũng như trong điều hành doanh nghiệp, thì 7x, 8x lại là thế hệ được học tập trong môi trường tốt hơn, ra trường vào những năm 80 sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin và công nghệ mới, có cơ hội giao thương quốc tế và không bị ràng buộc bởi rào cản ngôn ngữ.

 Tuy nhiên, thế hệ trẻ này lại thiếu kỹ năng lãnh đạo cần thiết để trở thành ứng viên sáng giá cho vị trí điều hành cao cấp trong doanh nghiệp. Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây là, khi thế hệ 5x và 6x “nhường ghế”, liệu 7x và 8x có đủ tự tin trở thành những người lãnh đạo kế cận?

                                                                                      Theo Fica