Lịch sử vũ khí hạt nhân Triều Tiên: Từ đâu, từ bao giờ và bằng cách nào?

Hơn 5 thập niên qua, Triều Tiên cương quyết đeo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân bất chấp phản đối của nhiều nước, kể cả đồng minh Trung Quốc.
Một cơ sở thuộc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon - Ảnh: Reuters
Một cơ sở thuộc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon - Ảnh: Reuters

Tuyên bố “thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch” của CHDCND Triều Tiên hôm 6.1 một lần nữa khiến thế giới chấn động. Đây là lần thử hạt nhân thứ tư của nước này. Dù vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngờ nhưng diễn biến mới vẫn đánh dấu thêm một bước tiến nữa trong chương trình vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng gần như tự thân phát triển trong hàng chục năm qua.

Cái lắc đầu của Trung Quốc

Theo chuyên san The Asia-Pacific Journal, năm 1964, ngay sau khi Trung Quốc thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên, đích thân Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) dẫn đầu một phái đoàn đến Bắc Kinh để kêu gọi đồng minh hỗ trợ phát triển loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Trong thư gửi Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Kim nhấn mạnh “chia sẻ bí mật bom hạt nhân là chuyện “thiên kinh địa nghĩa” giữa 2 quốc gia anh em cùng vào sinh ra tử như Triều Tiên và Trung Quốc”. Tuy nhiên, Chủ tịch Mao thẳng thừng từ chối với lập luận rằng một quốc gia nhỏ như Triều Tiên không cần vũ khí hạt nhân.

Đến nay, dù hai bên vẫn giữ quan hệ khắng khít nhưng Bắc Kinh vẫn giữ lập trường không bao giờ chấp nhận Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân vì điều này sẽ tác động mạnh đến an ninh và ảnh hưởng chiến lược tại khu vực.

Trong khi đó, dù cũng từ chối tiếp tay cho Triều Tiên chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng Liên Xô đồng ý hỗ trợ nước này phát triển chương trình sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Thế là nhiều chuyên gia từ Moscow đến hỗ trợ tham gia xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 90 km về phía bắc với một lò phản ứng nhỏ, đồng thời giúp đào tạo chuyên gia hạt nhân.

Hoạt động tại Yongbyon bắt đầu vào năm 1965 và từ đó đến năm 1973, Liên Xô cung cấp cho Triều Tiên các thành phần nhiên liệu được làm giàu đến 10% để vận hành lò phản ứng trên. Năm 1974, các chuyên gia Triều Tiên đã tự lực hiện đại hóa lò phản ứng, đồng thời chuyển sang sử dụng nhiên liệu được làm giàu đến 80%. Cùng năm này, chính quyền Bình Nhưỡng một lần nữa đánh tiếng hợp tác hạt nhân với Trung Quốc nhưng vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu, còn Liên Xô cũng dần rút tay sau khi nhận ra ý định thật sự của Triều Tiên.

Không chịu thua, nước này bắt đầu tự xây lò phản ứng nghiên cứu thứ 2 và một nhà máy sản xuất thanh nhiên liệu vào năm 1979 và chính thức chuyển hẳn sang phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời thử nghiệm những vụ nổ có sức công phá lớn, theo chuyên trang Global Security. Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự được ghi nhận khi Triều Tiên đưa vào hoạt động lò phản ứng công suất 5 MW tại Yongbyon vào năm 1986. Số phận của cơ sở này thăng trầm sau các giai đoạn hòa hoãn rồi căng thẳng giữa Triều Tiên với bên ngoài khi nó liên tục bị đóng cửa rồi nối lại hoạt động.

Đến nay, BBC dẫn lời các chuyên gia phương Tây cho rằng lò phản ứng ở Yongbyon là nơi cung cấp chính vật liệu hạt nhân, chủ yếu gồm plutonium, cho các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Mặt khác, tuy bị các “anh lớn” ngoảnh mặt và cấm vận từ Liên Hiệp Quốc nhưng Triều Tiên vẫn xoay xở để tiếp cận được công nghệ hạt nhân của Pakistan vào thập niên 1990, theo tờ The Japan Times dẫn tiết lộ của nhiều quan chức Islamabad hồi năm 2002. Điều này càng khiến Bình Nhưỡng thêm tự tin đương đầu với áp lực từ Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) và nhiều bên khác để rồi rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và tự nhận mình đã bước vào hàng ngũ những quốc gia hạt nhân vào năm 2005.

100 vũ khí hạt nhân

Trước tuyên bố ngày 6.1, Triều Tiên đã 3 lần thử hạt nhân vào các năm 2006, 2009 và 2013 với sức mạnh tăng liên tục, từ khoảng 0,2 kiloton trong lần đầu tiên đến khoảng 6 - 7 kiloton vào năm 2013. Tất cả đều diễn ra tại bãi thử Punggye-ri ở tỉnh Bắc Hamgyeong. Khu vực này khá biệt lập, ít dân cư và gần bờ biển đông bắc CHDCND Triều Tiên nên thích hợp cho các vụ thử hạt nhân. Nơi đây cũng là một trong những địa điểm bí ẩn nhất tại Triều Tiên và cả thế giới. Hầu như chưa có thông tin chính thức hay chuyến thăm công khai nào của các phái đoàn nước ngoài đến Punggye-ri. Thế giới bên ngoài chỉ biết về nơi này chủ yếu từ thông báo của Hàn Quốc và Mỹ cùng hình ảnh chụp từ vệ tinh.

Theo Global Security, từ cuối thập niên 1990, chính quyền Hàn Quốc đã loan tin về những hoạt động đào đường hầm sâu trong lòng núi Mantap để cho nổ thiết bị hạt nhân dưới lòng đất. Dù Bình Nhưỡng không thông báo chi tiết nhưng giới chuyên gia tin rằng lần thử mới nhất vừa qua cũng diễn ra tại Punggye-ri.

Yonhap dẫn thông tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết sức nổ của vụ thử ngày 6.1 chỉ vào khoảng 6 kiloton và “không giống” một vụ thử nhiệt hạch. Vì thế, nhiều chuyên gia tin rằng Triều Tiên chưa thực sự sở hữu được bom H mà có thể đang phát triển vũ khí phân hạch tăng cường, chỉ các loại bom nguyên tử có sử dụng quá trình nhiệt hạch để tăng thêm năng lượng công phá.

Dù sao, giới quan sát cảnh báo Triều Tiên đang trên đường trở thành một thế lực hạt nhân không thể coi nhẹ. Theo chuyên san quốc phòng The National Interest, Bình Nhưỡng được cho là hiện có 10 - 16 vũ khí hạt nhân, còn Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ) dự đoán kịch bản mà bên ngoài lo sợ nhất là Triều Tiên sở hữu đến 100 vũ khí hạt nhân vào năm 2020.

Gương mặt khiến thế giới rúng động

Lịch sử vũ khí hạt nhân Triều Tiên: Từ đâu, từ bao giờ và bằng cách nào? ảnh 1

Ảnh: CNN
Dù về hưu từ lâu và đã bước qua tuổi 73, bà Ri Chun-hee (ảnh) vẫn được giao trọng trách loan báo thông tin về vụ thử nhiệt hạch ngày 6.1.

Theo tờ South China Morning Post, bà Ri là xướng ngôn viên thời sự huyền thoại của CHDCND Triều Tiên, đã gắn bó với Đài truyền hình trung ương từ năm 1971. Hơn 40 năm qua, khán giả trong và ngoài nước quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ mặc trang phục truyền thống, nét mặt nghiêm nghị cùng ngữ điệu trầm bổng đầy cảm xúc thông báo những thông điệp quan trọng nhất của chính quyền Bình Nhưỡng như sự qua đời của lãnh đạo Kim Jong-il năm 2011 hay đợt thử hạt nhân năm 2013.

Triều Tiên công bố thử tên lửa đạn đạo

Dường như để tăng thêm áp lực cho Mỹ và các đồng minh trong giai đoạn căng thẳng đang dâng cao, Đài truyền hình trung ương Triều Tiên ngày 8.1 chiếu đoạn phim về đợt thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới của nước này.

Đoạn phim cho thấy lãnh đạo Kim Jong-un đứng trên tàu quân sự quan sát một tên lửa được phóng thẳng đứng từ dưới nước. Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc loan tin đoạn phim là phiên bản được biên tập lại của đợt thử SLBM lần thứ 3 hồi tháng 12.2015.

Cần biết, chế tạo được thiết bị nổ hạt nhân là một chuyện nhưng đạt được công nghệ thu nhỏ chúng đủ để gắn lên tên lửa hay mang lên máy bay lại là chuyện khác. Từ năm ngoái, Triều Tiên tuyên bố chế tạo thành công đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn trên tên lửa với tầm bắn có thể vươn tới Mỹ, theo KCNA. Mặc dù Washington và giới quan sát không tin vào điều này nhưng Lầu Năm Góc lẫn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng thừa nhận miền Bắc đạt được bước tiến “đáng kể” về công nghệ chế tạo đầu đạn hạt nhân.

Cùng ngày, truyền thông Triều Tiên cũng phát cảnh khoảng 100.000 người, bao gồm nhiều quan chức cấp cao, tham gia tuần hành, thưởng thức pháo hoa hoặc nhảy múa trên đường phố ở Bình Nhưỡng để chào mừng cuộc thử nhiệt hạch. “Sự kiện này cho thấy sức mạnh của đất nước và thái độ cứng rắn của chúng tôi”, một người dân tên Im Guk-jin hồ hởi nói với Đài phát thanh CRI.

Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc ngày 9.1 khẳng định với Yonhap sẽ tiếp tục hoạt động phát loa phóng thanh tuyên truyền chống miền Bắc dọc giới tuyến liên Triều, đồng thời thảo luận với phía Mỹ về cách thức để Washington triển khai thêm khí tài chiến lược đến bán đảo, trong đó có oanh tạc cơ B-52, để phản ứng vụ thử hạt nhân. Đáp lại, KCNA dẫn lời Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Ki-nam chỉ trích Mỹ và các đồng minh “đang đẩy tình hình tới bờ vực chiến tranh”.

Theo Thanh niên