Tăng cường quản lý khai thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ

VietTimes -- Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý đối với việc khai báo các loại thuế: chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tổng cục Hải quan lưu ý, đối với hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất được miễn thuế nhập khẩu, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ, trong thời hạn tạm nhập tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn theo quy định) thì khoản bảo lãnh hoặc đặt cọc tiền thuế phải bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ.

Đồng thời kiểm tra chặt chẽ hồ sơ hải quan, giấy chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận chất lượng, mã số HS và các giấy tờ khác do nhà sản xuất phát hành đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ để xác định nước, xuất xứ, tên của nhà sản xuất, xuất khẩu. Theo dõi kiểm tra tuyến đường vận chuyển, người xuất khẩu lô hàng, tránh việc gian lận thông qua hình thức chuyển tải, chuyển chủ sở hữu để trốn thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu, trong quá trình kiểm tra hồ sơ hải quan, CBCC Hải quan hướng dẫn người khai hải quan khai báo chính xác các thông tin trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu. Trường hợp người khai hải quan cho rằng sản phẩm nhập khẩu có mã số HS không thuộc phạm vi hàng hóa áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ thì hướng dẫn người khai hải quan liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương để được làm rõ.

Trường hợp doanh nghiệp khai thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai báo thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định. Cùng với đó, cập nhật tin từ các cơ quan quản lý chuyên ngành và tăng cường kiểm tra khi có thông tin cụ thể đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Được biết, theo báo cáo mới nhất của Tổng Cục Hải quan, hiện đang còn hàng ngàn container hàng tồn đọng tại các cảng biển, trong đó phần nhiều là các container phế liệu nhựa, phế liệu kim loại, số còn lại là các mặt hàng thực phẩm (chân gà đông lạnh, khoai tây), kính nổi dạng màu, hóa chất, vải… đặc biệt là hàng ngàn container lốp ô tô cũ nhập khẩu.

Số hàng trên tồn kho là do nhiều nguyên nhân, cụ thể: 

Nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, nợ đọng thuế, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh dẫn đến từ bỏ hàng hóa sau khi đã nhập khẩu về cảng;

Một số cá nhân, đơn vị nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam, khi biết không thể làm thủ tục nhập khẩu được thì từ bỏ hàng;

Một số trường hợp nhập khẩu rác, phế liệu, phế thải từ nước ngoài về rồi từ bỏ hàng hóa. Một số ít do doanh nghiệp ở nước ngoài gửi nhầm hàng về Việt Nam rồi không chịu tái nhập hàng về nước sở tại. 

Ngoài ra, còn nguyên nhân do nhiều lô hàng xuất khẩu đi nước ngoài bị trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước từ bỏ hàng…