Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng”:

Tác phẩm viết về vợ chồng bác sĩ đã giải thoát nhiều trẻ bị chôn sống giành giải Đặc biệt

VietTimes – Tối nay (22/7), Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ V đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội để tôn vinh những người thầy thuốc âm thầm chiến đấu chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. 
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải đặc biệt cho tác giả cùng bác sĩ Nay Blum của tác phẩm “Như cổ tích giữa đại ngàn” (Ảnh: Minh Thúy)
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải đặc biệt cho tác giả cùng bác sĩ Nay Blum của tác phẩm “Như cổ tích giữa đại ngàn” (Ảnh: Minh Thúy)

Những tấm gương tỏa sáng lặng lẽ

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - nhấn mạnh: Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” là nhịp cầu mang tới công chúng những tấm gương thầy thuốc đang lặng lẽ tỏa sáng, góp phần khẳng định rằng những phẩm chất cao đẹp của ngành y như tình thương, sự hy sinh, lòng vị tha, tinh thần nhân ái vẫn đang và sẽ tiếp tục đồng hành trong ý thức và việc làm hàng ngày của mỗi thầy thuốc.

Hơn nửa năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã sát cánh cùng các cấp, các ngành và cùng với người dân cả nước trải qua những thời khắc cam go trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Minh Thúy)
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Minh Thúy) 

Trong cuộc chiến này đã xuất hiện nhiều tấm gương thầy thuốc đã làm việc quên ăn, quên nghỉ, từ những người làm y tế dự phòng sẵn sàng lao mình vào các ổ dịch, các y bác sĩ tận tụy điều trị các bệnh nhân nặng, tới những người miệt mài trong các phòng thí nghiệm để thực hiện xét nghiệm, nuôi cấy và phân lập virus. Những người chiến sỹ áo trắng đã chiếm được lòng tin yêu trọn vẹn của nhân dân, đóng góp tích cực vào thắng lợi bước đầu của cả đất nước trong cuộc chiến chống COVID-19, được bạn bè cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

“Với thành công trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, chúng ta không được phép quên ngành y tế còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm.  Chúng ta cần đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động của ngành; nâng cao chất lượng mọi mặt của ngành để phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Ngành sẽ tập trung cho một số nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường kỷ cương; đẩy mạnh cải cách; thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết và hỗ trợ giữa các cơ sở y tế, giữa các cán bộ y tế trong toàn tuyến; nâng cao hơn nữa chất lượng, sự thuận tiện trong khám chữa bệnh bảo đảm người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại y tế cơ sở; Đổi mới căn bản việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ người dân một tốt hơn.” – ông Long nói.

Các đại biểu tham dự lễ trao giải (Ảnh: Minh Thúy)
Các đại biểu tham dự lễ trao giải (Ảnh: Minh Thúy) 

Cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ V đã nhận được hơn 1.200 bài dự thi của các tác giả từ khắp mọi miền của tổ quốc. Bên cạnh những tác giả là các nhà báo đang công tác ở nhiều cơ quan báo chí trong cả nước còn có nhiều cây viết không chuyên cũng tham gia dự thi.

Bằng tình yêu mến, sự trân trọng với các y bác sĩ, các tác giả đã biến những câu chuyện cảm động có thật từ các bệnh viện, các trung tâm y tế xã, các trạm xá… thành những chân dung có số phận, có sức lay động hàng triệu trái tim.

Phác họa chân thực cuộc sống người bác sĩ

Cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng lần thứ V đã chọn ra 20 tác giả có tác phẩm xuất sắc đạt giải, trong đó tác phẩm “Như cổ tích giữa đại ngàn” của tác giả Hà Văn Đạo đã giành giải Đặc biệt.

Tác phẩm “Như cổ tích giữa đại ngàn” viết về vợ chồng bác sĩ Nay Blum - trong đó, bác sĩ Nay Blum là Trạm trưởng Trạm y tế xã Glar (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai) - người bác sĩ của buôn làng đã đem ánh sáng khoa học đến với bà con, giải thoát nhiều đứa trẻ bị chôn sống do những quan niệm lạc hậu. Gần 30 năm chạy bộ rồi đi xe đạp, xe máy, vợ chồng bác sĩ Blum đã tìm đến ăn ở cùng các buôn làng chữa bệnh và giúp họ thấm nhuần triết lí: “Khỏi bệnh là do y học, khỏe mạnh, lớn khôn là do nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục”.

Tác giả Hà Văn Đạo nhận giải đặc biệt cùng bác sĩ Nay Blum (Ảnh: Minh Thúy)
Tác giả Hà Văn Đạo nhận giải đặc biệt cùng bác sĩ Nay Blum (Ảnh: Minh Thúy) 

Trong hành trình bền bỉ, vợ chồng đã bác sĩ Blum “nhịn đẻ”, “cược” với đồng bào Tây Nguyên để nhận một đứa trẻ sinh non bằng bắp tay, sắp bị đưa đi chôn sống về cứu chữa và nuôi lớn. Nếu cháu bé khỏe, vợ chồng bác sĩ Blum yêu cầu buôn làng phải bỏ hẳn hủ tục.

Đến khi biết nhiều nơi đang xua đuổi 3 đứa trẻ mắc bệnh phong, bệnh lao vào núi thẳm, thoi thóp trong đói rét, vợ chồng bác sĩ Blum lại bán nốt chiếc xe máy là của hồi môn khi cưới để mua sữa và thuốc tốt nhất cứu chữa, nhận những đứa trẻ này làm con. Bằng y học, họ chứng minh rõ “con hủi”, con vi-rút lao không có chân, có cánh bay khắp nơi trong cộng đồng. Nó không phải là “ngọn gió độc” mang “thần chết” reo rắc khắp nơi như mọi người vẫn nghĩ. Từ đó khắp Tây Nguyên không còn  kỳ thị người bệnh phong, bệnh lao. Tất cả những nạn nhân của hủ tục này giờ đều là con nuôi khỏe mạnh của vợ chồng bác sĩ Blum.

Từ khi chưa có cơ chế xếp lương (năm 1991-1995) vợ chồng bác sĩ Blum đã khước từ mọi lời mời ở chốn phồn hoa để xung phong bám buôn làng chữa bệnh không lương và hiến gần hết đất gia đình cho Nhà nước làm vườn thuốc nam. Hàng ngàn ca đỡ đẻ, ca tiểu phẫu hai người đã thực hiện dưới ánh sáng lửa củi, ánh trăng…nhưng đều không có biến cố nào xảy ra vì họ đều tâm niệm “người bệnh cũng như ruột thịt của mình”.

Cùng với tác phẩm “Như cổ tích giữa đại ngàn”, 2 tác phẩm đạt giải Nhất là tác phẩm “PGS. TS. Nguyễn Thúy Hoa trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh” của tác giả Trần Giữu và tác phẩm “Bác sĩ Hồ Văn Hoài, người vác tù và hàng tổng” của nhà báo Nguyễn Phương Liễu.

4 tác phẩm đạt giải Nhì gồm: “Người giáo sư suốt đời không nguôi trăn trở với bệnh nhi” của nhà báo Cao Thị Thùy Giang; “Vị sĩ quan quân y kiên trung, giàu lòng nhân ái” của BS. Lâm Đức Hùng; “Vị sĩ quan quân y kiên trung, giàu lòng nhân ái” của BS. Lâm Đức Hùng và tác phẩm “Khoa đặc biệt” của nhà văn Lê Tuấn Lộc. Ngoài ra, còn có nhiều tác phẩm đạt giải Ba.

Năm 2010, theo ý tưởng của TTND. BS. Trần Sĩ Tuấn, Báo Sức khỏe & Đời sống lần đầu tiên tổ chức cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng nói về sự âm thầm cống hiến, tận tình chăm sóc chữa trị cho người bệnh của các thầy thuốc, của những tấm lòng thiện nguyện trên cả nước. Kể từ đó, đều đặn 2 năm một lần, cuộc thi được phát động và tổ chức với quy mô ngày càng lớn.

Tròn 10 năm với 5 lần tổ chức, cuộc thi viết Sự hy sinh thầm lặng tuy là cùng một chủ đề nhưng vẫn thu hút được đông đảo các nhà văn, nhà báo, các thầy thuốc, các tác giả… khắp mọi miền đất nước tham gia.

Cuộc thi không chỉ là tập hợp của những bản báo cáo thành tích xơ cứng mà là những câu chuyện chân thật, xúc động được kể lại với ngôn ngữ giản dị. Chính vì thế mà có tác động xã hội rộng lớn và sâu sắc, khiến cộng đồng hiểu rõ hơn, sâu hơn về nghề Y – một nghề cao quý và xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Những tấm gương hy sinh thật sự lặng thầm đó đã vượt ra khỏi phạm vi “người tốt việc tốt” của ngành Y tế, khiến cho người đọc xúc động, cảm phục và nhen lên niềm tin vào con người, vào những điều tốt đẹp vốn vẫn còn rất nhiều trong cuộc sống.