SVB phá sản cảnh báo sớm về cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có thể chỉ là khởi đầu của một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử phát triển ngành ngân hàng ở Mỹ.

Ngành ngân hàng là 'nghệ thuật' của gây dựng niềm tin. Lịch sử của ngành tài chính có đầy những vụ rút tiền đồng loạt (bank run) và không một ngân hàng nào có thể vượt qua nếu như có đủ một lượng khách hàng cùng đi rút tiền vào cùng một thời điểm. Bởi vậy, ngân hàng phải đảm bảo rằng những khách hàng của họ không bao giờ có lý do để đi rút tiền ồ ạt.

Đó cũng là mục tiêu mà giới chóp bu ở Silicon Valley Bank (SVB), từng là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ, muốn thực hiện nhưng lại thất bại ngay trong thời khắc quyết định, theo The Economist.

Hôm 8/3, SVB công bố kế hoạch phát hành hơn 2 tỉ USD cổ phần, một phần tiền huy động được dùng để bù lỗ trái phiếu. Động thái này khiến bảng cân đối kế toán của SVB được xem xét kỹ lưỡng và phát lộ ra 'sức khỏe' tài chính đáng báo động.

Đó có thể là lần duy nhất mà hoạt động kinh doanh của SVB trở nên 'không bình thường'.

Sự sụp đổ của SVB, ngân hàng 40 năm tuổi chuyên phục vụ cho các startup công nghệ, diễn ra trong vòng 40 giờ đồng hồ. Nó gây chấn động trên toàn thế giới, và đặc biệt là trong giới startup công nghệ, buộc chính phủ Mỹ phải can thiệp.

"Các yêu cầu rút tiền ở các ngân hàng khác trong những ngày tiếp theo cho thấy "thực tế đã có sự lây lan đáng kể"", ông Larry Summers - Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ bình luận.

Sự kiện SVB phá sản đặt ra hàng loạt câu hỏi phức tạp về 'sức khỏe' hệ thống ngân hàng của Mỹ.

Các quy định được áp dụng giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính được cho là đã khiến các ngân hàng 'ngập' trong tiền, làm tăng nguồn vốn của họ và giảm thiểu rủi ro mà họ có thể gặp phải.

Fed được cho là có đầy đủ những công cụ cần thiết để đảm bảo rằng những tổ chức có đủ khả năng duy trì hoạt động. Hơn hết, Fed là 'người cho vay cuối cùng'. Đó là một trong số những chức năng quan trọng nhất của bất cứ ngân hàng trung ương nào.

Sự can thiệp của Fed và Bộ Tài chính Mỹ là hành động thường thấy trong một cuộc khủng hoảng. Về cơ bản, những sự can thiệp này có thể làm thay đổi cấu trúc tài chính của nước Mỹ dù vấn đề có vẻ chỉ là sự quản lý yếu kém của một ngân hàng riêng biệt.

“Hoặc đây là sự phản ứng thái quá không thể biện minh, hoặc là sự mục ruỗng trong hệ thống ngân hàng nước Mỹ mà không ai trong số những người ngoài cuộc như chúng ta có thể biết được,” Peter Conti-Brown, sử gia tài chính đến từ ĐH Pennsylvania, nói.

Sự sụp đổ của SVB khiến nhiều người lo ngại về một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Mỹ (Ảnh: Reuters)

Sự sụp đổ của SVB khiến nhiều người lo ngại về một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng Mỹ (Ảnh: Reuters)

Vậy sự can thiệp của Fed và Bộ Tài chính Mỹ là phản ứng thái quá hay thể hiện 'sức khỏe' yếu kém của hệ thống ngân hàng nước này (?!).

'Khám' sức khỏe của nhà băng Mỹ

Để đưa ra đánh giá, đầu tiên phải hiểu rằng sự thay đổi về lãi suất đã ảnh hưởng như thế nào tới các định chế tài chính.

Bảng cân đối kế toán của một ngân hàng chính là hình ảnh 'phản chiếu' về khách hàng của họ. Ngân hàng nợ tiền khách hàng. Còn những khoản tiền mà khách hàng nợ ngân hàng chính là tài sản của ngân hàng.

Đầu năm 2022, khi lãi suất ở gần mức 0%, các nhà băng Mỹ nắm giữ khối tài sản trị giá 24.000 tỉ USD. Trong đó, 3.400 tỉ USD là tiền mặt, dùng để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Khoảng 6.000 tỉ USD là chứng khoán, chủ yếu là trái phiếu kho bạc hoặc trái phiếu đảm bảo bằng thế chấp. Dư nợ cho vay ở mức 11.200 tỉ USD.

Khối tài sản này được các ngân hàng Mỹ gây dựng dựa trên lượng tiền gửi khổng lồ từ phía khách hàng, lên tới 19.000 tỉ USD. Trong đó, gần một nửa được bảo hiểm bởi FDIC. Để phòng ngừa rủi ro, các ngân hàng có 2.000 tỉ USD vốn cấp 1 (tier-one equity).

Khi lãi suất được đẩy lên 4,5%/năm, giá trị danh mục đầu tư chứng khoán (chủ yếu là các trái phiếu) của ngân hàng bị sụt giảm, và khoản lỗ từ hoạt động này không được phản ánh đầy đủ trên bảng cân đối kế toán.

Theo báo cáo của FIDC, các ngân hàng Mỹ đang gánh khoản lỗ chưa thực hiện (unrealised mark-to-market losses) lên tới 620 tỉ USD, tính đến thời điểm cuối năm 2022. Nhiều người còn so sánh khoản lỗ này với lượng vốn tự có của các ngân hàng và cảm thấy hoang mang. Nếu danh mục đầu tư trái phiếu bị lỗ 10%, nhìn chung, nó có thể 'ăn mòn' tới 1/4 vốn chủ sở hữu của các ngân hàng.

Chuyên gia kinh tế Erica Jiang đến từ ĐH Southern California và các đồng tác giả chỉ ra rằng, tình hình càng đáng báo động hơn khi các tài sản khác được điều chỉnh bởi lãi suất cao hơn.

Các nhà nghiên cứu đã chia những khoản cho vay của ngân hàng thành các khoản vay có lãi suất cố định và khoản vay lãi suất thả nổi. Điều này cho phép các tác giả phân tích riêng về các khoản vay lãi suất cố định. Kết quả cho thấy tài sản của các ngân hàng có giá trị sau điều chỉnh thấp hơn tới 2.000 tỉ USD so với số liệu trên bảng cân đối. Con số này đủ để 'quét sạch' vốn tự có của hệ thống ngân hàng Mỹ. Mặc dù rủi ro này có thể được phòng ngừa, nhưng làm như vậy rất tốn kém và các ngân hàng thường không muốn làm như vậy.

Nhóm phân tích chỉ ra, rủi ro thực sự của các ngân hàng chính là ở lượng tiền gửi và niềm tin của khách hàng.

Khi lãi suất tăng, khách hàng có thể chuyển tiền của họ vào các tài khoản tiết kiệm lãi suất cao hoặc các tài khoản thị trường tiền tệ. Điều này làm tăng chi phí huy động vốn của ngân hàng.

Đôi khi – nếu một ngân hàng gặp khó khăn nghiêm trọng – lượng tiền gửi có thể “bốc hơi” trong tích tắc, như trường hợp của SVB.

Bởi vậy, những ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng khiêm tốn trong hệ thống tỏ ra lo lắng gấp bội so với các nhà băng có lượng tiền gửi dồi dào.

Trường hợp của SVB cho thấy hệ thống ngân hàng Mỹ dễ đổ vỡ hơn so với nhiều người nghĩ (Ảnh: Getty)

Trường hợp của SVB cho thấy hệ thống ngân hàng Mỹ dễ đổ vỡ hơn so với nhiều người nghĩ (Ảnh: Getty)

Có bao nhiêu ngân hàng đã đổ tiền mua chứng khoán, hoặc đưa ra nhiều khoản cho vay với lãi suất cố định, và dễ bị ảnh hưởng bởi biến động tiền gửi (?!). Trong khi các khoản tiền gửi được bảo hiểm tương đối ổn định, Jiang và các đồng nghiệp tập trung vào lượng tiền gửi không được bảo hiểm.

Họ nhận ra rằng, nếu như một nửa lượng tiền gửi không được bảo hiểm bị rút ra, lượng tài sản còn lại và vốn chủ sở hữu của 190 ngân hàng của Mỹ sẽ không đủ để trang trải phần còn lại của lượng tiền tiền gửi tại ngân hàng của họ. Những ngân hàng này hiện nắm giữ lượng tiền gửi không được bảo hiểm lên tới 300 tỉ USD.

Chương trình BTFP mới được công bố đã cung cấp cho các ngân hàng Mỹ một khả năng mới là hoán đổi tài sản với giá gốc, ít nhất là sẽ giúp các ngân hàng cảm thấy dễ dàng hơn trong việc trả lại tiền gửi cho khách hàng.

Nhưng đây cũng chỉ là một giải pháp tạm thời, bởi bản thân chương trình mới của Fed cũng là một thứ mánh khoé về niềm tin. BTFP hỗ trợ được các ngân hàng đang gặp rắc rối trong bao lâu tuỳ thuộc vào chính suy nghĩ của khách hàng gửi tiền.

Khoản vay thông qua chương trình này sẽ có lãi suất thị trường khoảng 4,5%.

Có nghĩa rằng, nếu như thu nhập từ lãi suất mà một ngân hàng nhận được dựa trên tài sản của họ thấp hơn con số đó, họ sẽ trải qua một cái chết dần dần do các khoản lỗ hàng quý, chứ không chết ngay lập tức như trong trường hợp rút tiền đồng loạt.

Đó là lý do mà Larry Fink, ông chủ của công ty quản lý tài sản BlackRock, từng cảnh báo về một cuộc “khủng hoảng diễn ra chậm chạp”. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng này sẽ bao gồm nhiều vụ “thu giữ và đóng cửa”. Ông cho rằng, lãi suất cao sẽ gây ra thêm những vụ việc kiểu như SVB, và đó là “cái giá mà chúng ta phải trả sau nhiều thập kỷ tiền tệ nới lỏng”.

Ông Conti-Brown, ĐH Pennsylvania, chỉ ra rằng đã từng có nhiều trường hợp tương tự trong quá khứ, mà dễ thấy nhất chính là giai đoạn nhiều ngân hàng sụp đổ trong thập kỷ 80, thời điểm mà Chủ tịch Fed lúc bấy giờ, Paul Volcker, nâng lãi suất.

Lãi suất cao hơn đầu tiên sẽ làm phơi bày những vấn đề của danh mục đầu tư trái phiếu, bởi các thị trường thể hiện sự sụt giảm của thứ tài sản này theo thời gian thực khi lãi suất tăng. Nhưng trái phiếu không phải tài sản duy nhất chịu rủi ro khi chính sách tiền tệ thay đổi.

“Sự khác biệt giữa rủi ro lãi suất và rủi ro tín dụng có thể khá tế nhị,” ông conti-Brown nói, bởi lãi suất tăng cuối cùng sẽ gây sức ép lên cả bên đi vay.

Trong thập kỷ 80, những ngân hàng sụp đổ đầu tiên chính là những ngân hàng có giá trị tài sản sụt giảm khi lãi suất tăng – nhưng cuộc khủng hoảng này cũng phơi bày những tài sản xấu của những ngân hàng chuyên phục vụ trong một lĩnh vực riêng biệt. Bởi vậy, một số người lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều ngân hàng sụp đổ do lãi suất cao, trong một chuỗi hiệu ứng domino.

Hậu quả của điều này là hệ thống ngân hàng Mỹ trở nên dễ đổ vỡ hơn so với người ta tưởng.

Rõ ràng là những ngân hàng cỡ nhỏ với những khoản tiền gửi chưa được bảo đảm sẽ cần phải sớm huy động thêm vốn.

Ông Torsten Slok, đến từ quỹ đầu tư tư nhân Apollo, chỉ ra rằng 1/3 tài sản trong hệ thống ngân hàng Mỹ được nắm giữ bởi những ngân hàng nhỏ hơn SVB.

Tất cả những ngân hàng này giờ đều siết chặt hoạt động cho vay để tăng cường bản cân đối kế toán của họ./.

Theo The Economist