Su-35 Nga “lật cánh”, F-22 Mỹ bị át vía tại Syria

VietTimes -- Ngày 13.12.2017,  2 siêu tiêm kích tàng hình F-22 thực hiện đánh chặn các máy bay Su-25 và Su-35 của Nga, được cho là bay vượt qua giới hạn quy ước theo thỏa thuận Nga – Mỹ. Sự cố gây nhiều tranh cãi, nhưng Business Inside lại cho thấy một vấn đề với các tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ.
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor Mỹ - ảnh Business Insider
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor Mỹ - ảnh Business Insider

Theo bình luận của Alex Lockie, tác giả bài viết trên Business Insider: F-22 là máy bay sử dụng công nghệ tàng hình với radar đối phương, có khả năng cơ động cao trong không trung, được các lực lượng không quân phương Tây khẳng định đây là máy bay tiêm kích nguy hiểm nhất của Mỹ.

Theo ý đồ thiết kế, chiếc tiêm kích tàng hình F-22 được phát triển như một máy bay đa nhiệm , có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất, trinh sát, đột nhập thu thập và giám sát thông tin, F-22 có sứ mệnh trọng tâm là chiếm ưu thế trên không, có nghĩa là không chiến.

Su-35 Nga “lật cánh”, F-22 Mỹ bị át vía tại Syria ảnh 1Máy bay cường kích chiến trường Su-25 của Nga - ảnh Business Insider

Nhưng trong tình huống một vụ xung đột tương tự, khi Su- 35S của Nga xuất hiện, yểm trợ cho các máy bay cường kích chiến trường Su-25, lợi thế lớn nhất của F-22 công nghệ tàng hình lại có ý nghĩa rất nhỏ. 

Trong cuộc đánh chặn, chiếc máy bay tiêm kích sẽ bay đến sát máy bay xâm nhập không phận và thông báo với máy bay đối phương qua tần số radio quốc tế một số câu thông dụng như "quay lại hoặc tình huống sẽ leo thang (được hiểu là chúng tôi sẽ bắn)".

Trong thời điểm này, theo truyền thống, chiếc tiêm kích đánh chặn sẽ nghiêng cánh và cho đối phương thấy vũ khí của minh. Nhưng chiếc F-22 không làm được, tính năng tàng hình đã buộc F-22 phải giấu tất cả tên lửa và bom trong khoang vũ khí. Điều này khiến phi công điều khiển F-22 phải tiến hành bắn pháo sáng mồi bẫy và mở cửa giảm tốc, thực hiện hành vi mô phỏng không kích.

Một phi công xâm nhập vào không phận Mỹ hoặc vùng trời được Mỹ bảo vệ, khi gặp chiếc F-22, thực sự không biết máy bay có trang bị vũ khí hay không. Hơn thế nữa, Su-35S của Nga  có nhiều tên lửa hơn F-22 và treo vũ khí dưới bụng và cánh, nơi mọi người có thể nhìn thấy.

Như vậy, một cuộc đánh chặn thông thường trên khu vực chiến trường phức tạp như ở Syria trong tình huống gia tăng thành xung đột, chiếc F-22 sẽ bắt đầu cuộc chiến với bất lợi lớn.

Ưu thế chiến thuật của F-22 là dựa vào công nghệ tàng hình, từ đó phi công thiết lập cuộc chơi theo quy tắc của riêng mình. Trong tình huống trên màn hình radar đối phương không xác định được vị trí của chiếc máy bay tàng hình thế hệ 5. Chiến thuật ưa thích của phi công F-22 là tổ chức trận đánh theo nguyên tắc lý tưởng: “phát hiện trước, tấn công trước, tiêu diệt mục tiêu và thoát ly không chiến” trong khi đối phương bị tiêu diệt mà không thấy đối thủ.

Nếu cuộc chiến bắt đầu từ một cuộc đánh chặn như vừa qua, phi công Nga có thể vào trận với lợi thế rất lớn khi đã quan sát rõ ràng chiếc F-22. Hơn thế nữa, Su-35S của Nga cơ động tốt hơn hẳn F-22.

Đại tá David "Chip" Berke, phi công Lính thủy Đánh bộ Mỹ, đã  bay trên cả F-22 và F-35, từng nói với Business Insider rằng khi bay trên F-22, "mục đích của tôi không phải là để có được một cuộc không chiến truyền thống "với kẻ thù. Thay vào đó, Berke sẽ sử dụng triệt để lợi thế tự nhiên của F-22 là tàng hình.

Mặc dù vậy, tác giả bài viết vẫn nhận xét, Su-35S của Nga có thể cơ động tốt hơn và có nhiều tên lửa hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là Su – 35S đương nhiên sẽ giành chiến thắng trong không chiến. Trong một chừng mực nào đó, ưu thế tàng hình của F-22 vẫn có thể sử dụng tốt và những tính năng kỹ chiến thuật của chiếc F-22 cùng với phi công điều khiển, những người tốt nhất trong Không lực Mỹ, hoàn toàn có khả năng sẽ giành được cơ hội trong cuộc chiến này. Điều đó có nghĩa là, mọi kết quả sẽ phụ thuộc vào trình độ và bản lĩnh của phi công.

Su-35 Nga “lật cánh”, F-22 Mỹ bị át vía tại Syria ảnh 2Tiêm kích Su-35S trên chiến trường Syria - ảnh Business Insider

Tác giả bài viết trên Business Inside chắn chắn còn nhớ, trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, không ít lần tiêm kích hiện đại của Mỹ thất thủ trước các máy bay có tính năng kỹ chiến thuật thấp hơn rất nhiều lần, nhưng trong một không gian chiến trường nhỏ hẹp như cuộc đánh chặn trên bầu trời Deir Ezzor, vẫn phát huy được ưu thế cơ động, từ đó giành lợi thế chiến trường.

Từ nguyên nhân vũ khí của F-22 được giấu kín trong khoang vũ khí và sự lệ thuộc vào lợi thế tàng hình, Justin Bronk, chuyên gia về không chiến tại Học viện Công vụ Hoàng gia Anh, phát biểu với Business Insider cho rằng, những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 (F-22 và F-35) "không thực sự cần thiết" cho đánh chặn và có "những máy bay tiêm kích đa nhiệm khác, rẻ hơn có thể thực hiện sứ mệnh này".

Nguy cơ tiềm năng của một cuộc không chiến giữa các máy bay chiến đấu Mỹ và Nga trong tương lai rất thấp do IS sắp hoàn toàn bị đánh bại và một bộ phận rất lớn không quân Nga rút khỏi chiến trường này.

Trên thực tế, những nguy cơ xung đột giữa hai lực lượng không quân Nga - Mỹ trên không phận Syria thường xuyên được xử lý kịp thời, nhưng không phải bằng không quân. Mỹ và Nga luôn duy trì một đường dây nóng, nhanh chóng giải quyết tranh chấp và liên lạc liên tục nhằm cảnh báo cho về sự hiện diện của máy bay chiến đấu trong khu vực giới hạn.

Nhưng những quy tắc đặt ra của cả hai phía đã đưa siêu tiêm kích Mỹ vào một bất lợi rõ rệt nếu điều tồi tệ nhất xảy ra. Đó là bùng phát xung đột không chủ ý giữa hai lực lượng không quân hàng đầu thế giới trên không phận Syria. Cả hai quốc gia đều cố gắng trách tình huống này trên khả năng hiện có bất chấp những bất đồng chính trị. 

Nhưng bình luận sơ lược của Business Insider cho thấy một vấn đề nghiêm trọng, mặc dù F-22 là một siêu tiêm kích dựa trên công nghệ tàng hình, nhưng đối đầu trong một cuộc cận chiến không chủ địch với tiêm kích hạng nặng Su-35, khi các bên đều có thể quan sát lẫn nhau, F-22 rơi vào thế yếu.
TTB