Sứ mệnh của báo chí là phản ánh sự thật

VietTimes -- “Bên cạnh việc hoạt động độc lập và không bị tác động chi phối khi thu thập tin tức, viết bài thì sứ mệnh của báo chí là là tìm kiếm và phản ánh sự thật" - ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: "Người làm báo có thể chưa vi phạm pháp luật, nhưng cũng không được vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo".
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: "Người làm báo có thể chưa vi phạm pháp luật, nhưng cũng không được vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo".

Sáng 14/7, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc Quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016, góp ý kiến bổ sung, sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Tại Hội nghị các đại biểu đã chia sẻ rất nhiều thông tin về Luật Báo chí 2016 hay người làm báo có đạo đức là phải như thế nào?

Nhiều điểm mới trong Luật Báo chí

Tại Hội nghị, ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: " Khi Luật Báo chí 2016 được thông qua đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và toàn xã hội. Luật Báo chí 2016 sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, là chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn. Việc sửa đổi và ban hành Luật Báo chí 2016 khẳng định Đảng và Nhà nước ta đề cao vai trò của báo chí, đồng thời cũng trao trách nhiệm cao cả và nặng nề cho những người làm báo Việt Nam".

Đánh giá về những điểm mới trong Luật báo chí 2016, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông cho biết: "Luật báo chí 2016 là phát triển hóa các quy định, nghị định Chính phủ để đưa vào Luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí, cụ thể tại điều 55 các quy định về chính sách nhà nước về phát triển báo chí, hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với báo chí nước ngoài mà từ trước đến giờ chưa có, từ việc hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam tới việc bảo vệ các chương trình phát thanh truyền hình, báo điện tử...".

Luật báo chí vừa được thông quan còn thêm một điểm mới nữa là phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh, mới hơn Luật năm 1989 và Luật sửa đổi năm 1999 không quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh và đối tượng làm báo, nhưng trong quá trình triển khai Hiến pháp năm 2013 và Luật báo chí 2016 quy định cụ thể về vấn đề này. Về phạm vi điều chỉnh, Luật lần này quy định rất rõ: Luật Báo chí quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, tổ chức, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí, quản lý nhà nước về hoạt động báo chí. Như vậy, quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân hoàn toàn khác nhau. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, vì phạm vi rất rộng nên ta phải hiểu rằng Luật báo chí không phải soạn ra cho những người làm báo, mà cho mọi công dân Việt Nam.

Luật báo chí lần này cũng nêu rõ cơ quan báo chí có quyền thành lập và tham gia thành lập các đơn vị để kinh doanh mà pháp luật không cấm để tạo nguồn. Như vậy, để đảm bảo cho các cơ quan báo chí phát triển thì luật báo chí 2016 quy định cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu.

Không được vi phạm đạo đức nghề báo

Theo Luật Báo chí 2016, nhà báo phải tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề báo. Hội nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành tổ chức thực hiện quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.

Về vấn đề quy định đạo đức người làm báo trong Luật báo chí 2016, ông Trương Minh Tuấn cho biết: "Khi đưa thông tin, bài viết, người làm báo có thể chưa vi phạm pháp luật, nhưng cũng không được vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Theo đó, vấn đề quy chuẩn đạo đức nghề báo cần đưa ta thảo luận vì hàng ngày có hàng triệu người nhấp chuột vào các thông tin và dường như độc giả ngày càng mất niềm tin vào báo chí hay báo mạng nói riêng".

Bộ trưởng Tuấn cũng nêu 4 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động báo chí mà người làm báo và cơ quan báo chí phải có: Thứ nhất, phản ánh sự thật, vì đây là sứ mệnh của báo chí; Thứ hai, hạn chế gây hại, phải cân nhắc đăng tải thông tin, tránh đăng thông tin gây hại cho cộng đồng, phải xem xét việc đó có nên đưa lên hay không đưa lên, tác hại và ảnh hưởng của việc đưa lên báo hay không đưa, vì hiện nay nhiều tờ báo chỉ vì lợi nhuận, câu view mà bất chấp đưa thông tin như chém giết, cướp, hiếp... Thứ ba là hoạt động độc lập, không bị tác động chi phối khi thu thập tin tức, viết bài; Thứ tư là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm sửa sai bằng các biện pháp cải chính xin lỗi.

Nói về việc tại sao người làm báo hiện nay phải bổ sung thêm quy định đạo đức nghề nghiệp, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết, có 4 lý do chính: Thứ nhất là đời sống quốc tế, xã hội, đất nước và đời sống báo chí đã có những biến đổi hết sức sâu sắc trong những năm vừa qua; Thứ hai là chúng ta đã có hiến pháp năm 2013 và Luật báo chí 2016. Nó đòi hỏi Luật báo chí cũng như quy định về đạo đức nghề nghiệp có những thay đổi; Thứ ba, chúng ta biết rằng thế giới, xã hội cũng như đất nước của chúng ta đang sống trong truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội đang lên ngôi và tạo ra những thách thức cùng với những cơ hội rất to lớn đối với báo chí; Thứ tư, gần đây trong đời sống báo chí của chúng ta bên cạnh mặt tốt, mặt tích cực thì cũng có những hiện tượng rất đáng lo ngại về đạo đức nghề nghiệp.

Đánh giá về đạo đức của người làm báo ông Lợi cho biết người làm báo có đạo đức là đưa tịn đúng sự thật, khách quan và không chịu bất cứ tác động nào khác: "Tôi nghĩ đạo đức nghề nghiệp báo chí chính là ta phải bảo đảm được tính khách quan, trung thực của báo chí. Trung thực ở đây là đảm bảo tính chân thực của sự thật.

Tuy nhiên, không phải chúng ta miêu tả mọi việc, mọi hiện tượng lên mặt báo là đã đảm bảo tính chân thực mà ở đây là đúng bản chất của sự việc, thông tin phù hợp với lợi ích của dân tộc, quốc gia, trong đó có bảo vệ đời tư, thông tin cá nhân của mỗi con người, tôi nghĩ những người làm báo phải thấm nhầm một cách sâu sắc và được thể hiện trong hoạt động báo chí của mình".