Sử gia nổi tiếng người Anh: “TikTok là thứ thuốc phiện kỹ thuật số” của Trung Quốc

VietTimes – Việc Tổng thống Donald Trump cấm phần mềm video TikTok do công ty ByteDance của Trung Quốc sở hữu gây bàn tán xôn xao về lý do ông đưa ra quyết định này. Đối với Niall Ferguson, một nhà sử học nổi tiếng người Anh, TikTok giống như một thứ “thuốc phiện” dễ gây nghiện cho giới trẻ.
TikTok bị Giáo sư người Anh Niall Ferguson coi là thứ "thuốc phiện kỹ thuật số" của Trung Quốc gây nghiện cho giới trẻ Mỹ (Ảnh: Reuters).
TikTok bị Giáo sư người Anh Niall Ferguson coi là thứ "thuốc phiện kỹ thuật số" của Trung Quốc gây nghiện cho giới trẻ Mỹ (Ảnh: Reuters).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 11/8, hôm 10/8 theo giờ địa phương, ông Niall Ferguson đã viết trên mạng xã hội Twitter cá nhân của mình, đánh giá về TikTok: “Đó không chỉ là sự trả thù của Trung Quốc đối với lịch sử nhục nhã của họ trong giai đoạn từ Chiến tranh Thuốc phiện tới cuộc Cách mạng của Mao Trạch Đông, mà nó còn là một loại “thuốc phiện” - digital fentanyl (fentanyl kỹ thuật số), để kích động những người trẻ tuổi ở phương Tây chào đón sự xuất hiện của chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa”.

Giáo sư Tiến sĩ Niall Ferguson sinh năm 1964 là nhà sử học nổi tiếng người Anh, có kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy tại các trường Đại học Harvard, Đại học Oxford và Đại học Stanford. Ông được coi là một trong số rất ít chuyên gia về các lĩnh vực học thuật, tài chính và truyền thông. Sở trường của ông là lịch sử thế giới, lịch sử kinh tế, lạm phát tiền tệ, thị trường quỹ...Ông đã từng được Tuần báo Time Hoa Kỳ bình chọn là một trong "100 người ảnh hưởng nhất thế giới" năm 2004.

Giáo sư sử học người Anh Niall Ferguson (Ảnh: Wiki).
Giáo sư sử học người Anh Niall Ferguson (Ảnh: Wiki).

Khi nhắc đến thuốc phiện, giới quan chức và người dân Trung Quốc vô cùng căm ghét, cho rằng chính loại thuốc gây nghiện này đã khiến đất nước Trung Quốc trầm luân và dẫn đến lịch sử một thế kỷ tủi nhục. Thật trùng hợp, có một loại thuốc phiện tổng hợp tên là fentanyl hiện đang bị lạm dụng rất nghiêm trọng ở Hoa Kỳ.

Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy fentanyl đã làm cho hơn 18.000 người Mỹ tử vong mỗi năm. Hoa Kỳ cho rằng hơn 95% lượng ma túy fentanyl chảy vào Mỹ là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Dựa trên điều này, Hoa Kỳ đã luôn yêu cầu Trung Quốc kiểm soát việc xuất khẩu fentanyl trong cuộc chiến thương mại mà họ phát động chống lại Trung Quốc.

Giáo sư Niall Ferguson so sánh TikTok với "digital fentanyl", điều đó có nghĩa là ít nhất bản thân ông cho rằng TikTok đã mang lại những tác động tiêu cực cho người Mỹ, đặc biệt là giới trẻ, một chứng nghiện không gây chết người nhưng rất nghiêm trọng. Ông ví điều này giống như việc Trung Quốc phát động một "cuộc chiến tranh thuốc phiện kỹ thuật số" chống lại Hoa Kỳ.

Giới quan sát chỉ ra rằng "cuộc chiến tranh" này thực chất là cuộc chiến ý thức hệ và chiến trường chính là nền tảng Internet mà TikTok là đại diện. Bởi vì kiểm soát nền tảng dư luận có thể kiểm soát quyền phát biểu, cuộc tấn công toàn cầu của TikTok đương nhiên sẽ khơi dậy sự cảnh giác của Hoa Kỳ.

Bản tweet gây xôn xao về TikTok của Giáo sư Niall Ferguson (Ảnh: Đa Chiều).
Bản tweet gây xôn xao về TikTok của Giáo sư Niall Ferguson (Ảnh: Đa Chiều).

Đa Chiều viết, bởi vì TikTok, ra đời với tư cách là một công ty Trung Quốc, không chỉ xâm lấn thị trường Internet Hoa Kỳ - điều này gây ra sự bất bình gay gắt của Facebook, mà còn tạo cơ hội cho Trung Quốc lợi dụng nền tảng này để tuyên truyền quảng bá đất nước của họ - giới chính trị và kinh doanh Hoa Kỳ nghĩ vậy.

Còn đối với “chủ nghĩa đế quốc Trung Hoa”, không chỉ Ferguson gọi như vậy, mà ngay cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một bài phát biểu vào ngày 15/7 cũng chỉ ra rằng Trung Quốc là "chủ nghĩa đế quốc", nhấn mạnh Trung Quốc sẽ sử dụng các hành động bành trướng, chủ nghĩa đế quốc và hành vi độc tài. Quyền sở hữu và dân chủ đang bị đe dọa.