Sự “cấm vận” của Mỹ với Huawei chưa là gì so với sự “cấm vận” của Trung Quốc với Google và các công ty công nghệ Mỹ

VietTimes – Việc Tổng thống Donald Trump đưa Huawei vào “danh sách đen” sẽ khiến cho người khổng lồ viễn thông Trung Quốc gặp nhiều thiệt hại về kinh tế. Nhưng nhìn theo hướng ngược lại, đã có hàng tá công ty và dịch vụ của Mỹ bị Trung Quốc “cấm cửa” từ nhiều năm nay, khiến họ không thể tìm kiếm được lợi nhuận từ thị trường khổng lồ tỷ dân này.
(ảnh China Briefing)
(ảnh China Briefing)

Trong nhiều năm qua, Google luôn bị cuốn hút bởi thị trường tỷ dân của Trung Quốc. Người khổng lồ công nghệ của Mỹ đã từng có thời gian được phép hoạt động tại thị trường Trung Quốc vào năm 2006 với tên miền google.cn, nhưng vào năm 2010, Google đã phải rời đi sau khi đồng sáng lập Serge Brin bất mãn với chính sách kiểm duyệt gắt gao của chính phủ Trung Quốc.

Kể từ đó, Google cũng đã cố gắng quay trở lại thị trường rộng lớn và hấp dẫn này. Google tạo ra một phiên bản máy tìm kiếm dành riêng cho thị trường Trung Quốc, chấp nhận bị kiểm duyệt, có tên là Dragonfly. Google cũng đầu tư vào một phòng thí nghiệm AI ở Bắc Kinh. Tuy nhiên sau đó trước sức ép của chính phủ Mỹ và những người theo đường lối dân chủ, Google đã không triển khai máy tìm kiếm Dragonfly.

Google từng có mặt tại Trung Quốc vào năm 2006
Google từng có mặt tại Trung Quốc vào năm 2006

Ngày 15/5 vừa qua, chính quyền Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về những mối rủi ro công nghệ, liệt Huawei vào danh sách cấm buôn bán với các công ty Mỹ. Ngay lập tức, một loạt các đại gia công nghệ như Qualcomm, Broadcom và Intel đã phản ứng nhanh chóng, thông báo cắt đứt việc kinh doanh với nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Microsoft đã loại bỏ máy tính xách tay MateBook X Pro của Huawei khỏi cửa hàng online của mình, một sự hưởng ứng rõ ràng với lệnh cấm.

Google cũng phản ứng nhanh chóng khi tuyên bố ngừng hỗ trợ kỹ thuật về phần cứng và phần mềm cho Huawei, cũng như không cho phép hãng này sử dụng các sản phẩm cốt lõi của mình như hệ điều hành Android, Gmail, YouTube, kho ứng dụng Google Play… Thực tế thì các sản phẩm này của Google không có mặt tại Trung Quốc từ nhiều năm nay do chính sách cấm đoán của Đại lục. Việc nghỉ chơi với Huawei càng khiến cho Google khó thâm nhập vào thị trường tỷ dân hơn.

Người khổng lồ tìm kiếm không phải là công ty công nghệ duy nhất bị chặn ở Trung Quốc. Tháng 7 năm 2009, Facebook đã bị cấm ở Trung Quốc do không đáp ứng được chính sách kiểm duyệt nội dung. Mặc dù Facebook đã rất nhiều lần nỗ lực để được trở lại hoạt động tại Trung Quốc nhưng bất thành. CEO Facebook Mark Zuckerberg đã từng đến thăm Trung Quốc và thực hiện một cuộc chạy bộ tại quảng trường Thiên An Môn để lấy lòng lãnh đạo nước này. Trong một bữa tiệc tại Nhà Trắng, Zuckerberg cũng từng đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt tên cho đứa con sắp sinh của mình, nhưng ông Tập đã từ chối. Năm ngoái, một công ty con của Facebook đã được cấp phép hoạt động, nhưng bị rút giấy phép chỉ sau 1 ngày.

Hai công ty con khác của Facebook là WhatsApp và Instagram cũng bị Trung Quốc chặn vào năm 2014 và 2017.

CEO Facebook chạy bộ trước quảng trường Thiên An Môn vào năm 2016 (ảnh Getty Images)
CEO Facebook chạy bộ trước quảng trường Thiên An Môn vào năm 2016 (ảnh Getty Images) 

Một mạng xã hội khác là Twitter cũng không khá hơn. Trung Quốc đã dùng Bức tường lửa lớn Great Firewall để chặn khiến người dùng Trung Quốc không thể truy cập Twitter. Người ta cho rằng có thể các nhà lãnh đạo nước này cảm thấy lo sợ về sức mạnh của mạng xã hội khi chứng kiến “Cuộc cách mạng xanh” tại Iran năm 2009 và “Mùa xuân Ả rập” ở các nước Bắc Phi năm 2011. Người Trung Quốc chỉ có thể sử dụng các mạng xã hội nội địa như WeChat, Sina Weibo, QQ, Renren.

Các công cụ tìm kiếm như Bing của Microsoft hay DuckDuckGo cũng bị Trung Quốc cấm hoạt động. DuckDuckGo bị cấm từ năm 2014 do không chịu chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền. Còn Bing được mở đi mở lại nhiều lần, nhưng đến tháng 1 năm nay, nó đã bị cấm hẳn theo chỉ thị của chính phủ Trung Quốc.

Người dân Trung Quốc cũng không được xem các video trên YouTube, Dailymotion, Vimeo, xem game trên Twitch và phim trên Netflix…

Trở lại với Google, công cụ tìm kiếm Dragonfly mà hãng này phát triển theo yêu cầu của phía Trung Quốc đã bị những người ủng hộ nhân quyền phản ứng kịch liệt. Có nhiều cụm từ mà Dragonfly sẽ không trả kết quả tìm kiếm theo yêu cầu từ phía Trung Quốc, chẳng hạn “biểu tình của sinh viên” hay “giải thưởng Nobel”.

Để biện minh cho dự án của mình, Google nói rằng Dragonfly chỉ là một sản phẩm mang tính chất thăm dò thị trường, và hãng “không có kế hoạch” triển khai nó tại Trung Quốc.  

Khi Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai bị lôi ra trước Quốc hội Mỹ vào tháng 12 năm ngoái, Dragonfly đã bị đem ra mổ xẻ. Google cũng đã bị chỉ trích vì xây dựng phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo tại Bắc Kinh, khai trương vào năm 2017.

Hồi tháng 3 năm nay, Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói rằng công việc của Google là "gián tiếp mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc". CEO Pichai có cuộc gặp với cả tướng Dunford và Tổng thống Donald Trump vào tháng đó để thảo luận về mối quan hệ của Google với Trung Quốc. Bây giờ mối quan hệ của người khổng lồ tìm kiếm với Huawei là một lực cản khác trong mối quan hệ chung với Trung Quốc. Sự căng thẳng này khó có khả năng giảm nhiệt sớm.