Stéphane Trần Ngọc mang đàn triệu đô về chơi kiệt tác dành cho violon

VietTimes – Tối thứ bảy, ngày 13/7, tại Nhà hát TP. HCM, nghệ sĩ violin nổi danh Stéphane Trần Ngọc sẽ trở lại với khán giả Việt trong chương trình biểu diễn những kiệt tác dành cho đàn violon. 
Nghệ sĩ nổi danh Stéphane Trần Ngọc sẽ trở lại với khán giả Việt tối 13/7
Nghệ sĩ nổi danh Stéphane Trần Ngọc sẽ trở lại với khán giả Việt tối 13/7

Cây đàn mà nghệ sĩ Stephane Trần Ngọc sở hữu là một “siêu phẩm” được chế tác cách đây hơn 300 năm, chính xác là vào năm 1709 bởi nhà làm đàn Francesco Gobetti (1675-1723).

Trò chuyện bên lề buổi tập, nghệ sĩ trở về từ nước Pháp cho biết ngay từ hồi niên thiếu đã bị mê hoặc, bị thu hút, quyến rũ bởi nhạc cụ cổ. Cho đến hiện tại, ông là một trong số ít nghệ sĩ lựa chọn sở hữu đàn cổ, bởi cái giá quá đắt đỏ đã đành mà còn vì để giữ bên mình một cây đàn cổ như thế cần một sự đồng điệu trong tâm hồn và niềm đam mê quá lớn với âm nhạc chứ không phải chỉ như một tài sản có giá trị “khủng”.

Ngay cả các nghệ sĩ quốc tế cũng ít người có thể sở hữu những cây đàn cổ, mà giá của nó theo giới chuyên môn âm nhạc cho biết hoàn toàn có thể lên đến vài triệu đô-la Mỹ, hoặc thậm chí cả chục triệu USD như thế.

Nghệ sĩ violin hiện đang sống ở châu Âu, phân chia thời gian biểu diễn và giảng dạy giữa Pháp và Đan Mạch.
Nghệ sĩ violin hiện đang sống ở châu Âu, phân chia thời gian biểu diễn và giảng dạy giữa Pháp và Đan Mạch. 

Giữ bên mình những cây đàn triệu đô nhưng Stéphane Trần Ngọc cho biết đối với ông điều quan trọng nhất là vẻ đẹp âm nhạc chứ không phải giá trị về tiền bạc của “tài sản vật chất” này.

Công chúng không hiểu được sức hút khiến họ đến với khán phòng là của cây đàn hay từ nghệ sĩ nhưng luôn sững sờ bởi vẻ đẹp, sự ấm áp và sức mạnh của âm nhạc vang lên từ những cây đàn trên tay Stéphane Trần Ngọc.

Đêm biểu diễn 13/7 tới, Stéphane Trần Ngọc sẽ chơi năm bản nhạc, tất cả đều được viết bởi các nhà soạn nhạc người Pháp. Buổi hòa nhạc sẽ được bắt đầu với tác phẩm Havanise của Saint-Saens, dựa trên phần tiết tấu của tác phẩm Habanera, nổi tiếng nhờ được đưa vào vở opera Carmen của Bizet.

Tiếp đến là tác phẩm Thais của Jules Massenet; Poeme của Ernest Chausson; Cinéma-Fantasie sur “Le Boeuf sure le Toit” (“con Bò trên Mái nhà”) của Darius Milhaud mang đầy hương vị Brazil và chứa nhiều trích dẫn từ âm nhạc nổi tiếng của Brazil.

Cuối cùng là Tzigane của Ravel, ban đầu viết cho violin và piano nhưng được công diễn dưới hình thức violin và dàn nhạc. Chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng HBSO - nhạc trưởng Trần Vương Thạch, một người ngưỡng mộ tài năng của nghệ sĩ violin Stéphane Trần Ngọc.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch sẽ chỉ huy đêm diễn
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch sẽ chỉ huy đêm diễn 

Sự trở lại của nghệ sĩ Stéphane Trần Ngọc là một sự kiện lớn đúng nghĩa về âm nhạc. Đặc biệt là khi ông trình tấu tới 5 kiệt tác dành cho violon cùng lúc. 

Cũng như hồi tháng 7/2017, nghệ sĩ đã gây ngạc nhiên cho khán giả TP.HCM khi biểu diễn liền 4 bản Concerto cho violin trong bộ tác phẩm Concerto Bốn mùa của A.Vivaldi, tức là 12 chương nhạc lớn với những kỹ thuật rất cao.

Sau đó, trước sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả, Stéphane Trần Ngọc còn chơi thêm tác phẩm Caprice của Paganini, một tác phẩm được sáng tác để thể hiện những kỹ thuật rất khó của violin. Cả khán phòng đã phải nín thở khi nghe ông biểu diễn.