Sri Lanka đóng cửa mạng xã hội vì lo ngại tin giả sau vụ đánh bom nhà thờ

VietTimes -- Sau hàng loạt vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng khiến hơn 200 người thiệt mạng xảy ra ngày 21/4, chính phủ Sri Lanka đã có động thái quyết liệt để ngăn chặn làn sóng “tin tức giả mạo” đang lưu hành trên mạng xã hội.
Hình ảnh ghi lại bên ngoài 1 nhà thờ xảy ra vụ đánh bom tại Sri Lanka cuối tuần qua. Nguồn: AP

Theo CNN, chính phủ Sri Lanka sẽ tạm thời đóng cửa tất cả các mạng xã hội để chống lại sự phát tán của thông tin giả mạo, kích động bạo lực hoặc tuyên truyền sai về hậu quả của các cuộc tấn công khủng bố. Sự xuất hiện dày đặc của các luồng thông tin xấu độc đã đặt ra nghi vấn về khả năng kiểm duyệt của các nền tảng mạng xã hội.

Thông báo trên cổng thông tin chính thức của chính phủ Sri Lanka cho biết Facebook và Instagram sẽ nằm trong danh sách các mạng xã hội tạm thời bị đóng cửa.

Ngoài ra, tổ chức an ninh và giám sát Internet, NetBlocks cũng ghi nhận dấu hiệu chặn kết nối tới máy chủ YouTube và một số ứng dụng tin nhắn tức thời như WhatsApp hay Viber, duy nhất chỉ có nền tảng mạng xã hội chưa thực sự phổ biến tại Sri Lanka là không bị cấm.

Trả lời phỏng vấn trên CNN, phát ngôn viên của Facebook cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông tin về tuyên bố của chính phủ về việc tạm thời đóng cửa các nền tảng mạng xã hội”. Người phát ngôn của “ông trùm mạng xã hội” nói thêm: “Mọi người dựa vào dịch vụ của Facebook để liên lạc với người thân. Vì vậy, chúng tôi cam kết duy trì các dịch vụ của mình để giúp đỡ cộng đồng và quốc gia [Sri Lanka] trong thời gian bi thảm này”.

Đồng thời, phát ngôn viên của Facebook cũng cam kết sẽ hợp tác và giúp đỡ các nhà chức trách Sri Lanka trong việc thực thi pháp luật và xác định các nội dung vi phạm tiêu chuẩn của Facebook.

Giám đốc điều hành Global Voices, Ivan Signal nhận định rằng: “Vài năm trước, chúng ta sẽ coi hành động chặn các nền tảng mạng xã hội sau 1 cuộc tấn công là kiểm duyệt thái quá. Bây giờ, hành động đó là nghĩa vụ bảo vệ bản thân thiết yếu khỏi các mối đe dọa”.

Trước đó, Hội Chữ thập đỏ tại Sri Lanka đã sử dụng Twitter để đẩy lùi các thông tin sai lệch: “Tin đồn lưu hành trên các trang mạng hội rằng tòa nhà Hội Chữ thâp đỏ bị tấn công là thông tin bịa đặt và giả mạo”. Hội Chữ thập đỏ ở Sri Lanka khyến cáo: “Xin vui lòng đừng lan truyền thông tin sai lệch, thiếu trung thực trên mạng xã hội”.

Facebook đã bị chỉ trích vì lưu hành những hình ảnh tội ác của thủ phạm trong vụ thảm sát tại nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand. Ảnh: DailyMail
Facebook đã bị chỉ trích vì lưu hành những hình ảnh tội ác của thủ phạm trong vụ thảm sát tại nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand. Ảnh: DailyMail

Sau khi nghi phạm vụ thảm sát tại nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand quay và phát trực tiếp những thước phim gây án trên Facebook hồi tháng trước, “ông trùm mạng xã hội” đã bị các nhà chức trách giám sát chặt chẽ. Thậm chí, Facebook đã lưu hành đoạn video rùng rợn này trong nhiều giờ, cho tới khi được cảnh sát New Zealand trực tiếp liên hệ.

Được biết, chính phủ Sri Lanka đã tạm thời đóng cửa Facebook và nhiều mạng xã hội khác vào năm 2018, khi các phương tiện truyền thông này bị lợi dụng để kích động bạo lực.

CNN cho biết đã liên hệ với đại diện của Google, công ty mẹ của YouTube và Snap, nhưng chưa nhận được phản hồi. Trước đó, Viber đã đẳng tải dòng cảnh báo trên Twitter công ty như sau: “Chúng tôi khuyến khích mọi người có trách nhiệm với nội dung chia sẻ, cũng như luôn cập nhật từ các nguồn chính thức và đáng tin cậy”.

Theo CNN