Sovico Holdings và câu chuyện “hồ sơ Panama”

VietTimes -- Hai tuần sau ngày Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) thực hiện công bố cơ sở dữ liệu “hồ sơ Panama”, câu chuyện về nó dường như đã chìm hẳn trong dòng chảy hối hả của truyền thông…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Quả bom” được gỡ quá sớm so với kỳ vọng của nhiều người nhưng cũng dễ hiểu bởi có quá ít “bột” để “gột nên hồ” trong cơ sở dữ liệu mà ICIJ đã đưa ra. “Phần đông người truy cập sẽ khó lòng rút ra kết luận về sự liên kết giữa các công ty và cá nhân liên quan, bởi lần công bố này sẽ không phải là hình thức xả dữ liệu giống như của WikiLeaks trước đây”, nếu để ý kỹ thì thông cáo của ICIJ đã nói trước điều này.

Mặc dù Tổng cục Thuế đã quyết định thành lập tổ công tác điều tra về nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama và khẳng định “sẽ không bỏ sót trường hợp nào”, nhưng không ai dám chắc tổ công tác này sẽ có thể ra được kết luận gì đáng giá.

Xét trên khía cạnh đầu tư tài chính quốc tế, việc thành lập các công ty ngoài biên giới, kể cả các công ty vỏ bọc (shell company, offshore company - các công ty này chỉ tồn tại trên giấy, không có trụ sở làm việc, không có tài sản, không nhân viên, mà cũng chẳng có một ngành nghề kinh doanh cụ thể nào) là một điều không mới thậm chí đã phổ biến.

Hành vi này theo quan điểm của nhiều người, cả trong nước và quốc tế, không phải là bất hợp pháp. Điều đó cũng đã được thể hiện qua lời trần tình của những doanh nhân nổi tiếng người Việt có tên trong “hồ sơ Panama”.

Chuyện bình thường…

Bà Đàm Bích Thủy, cựu Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, cựu CEO Ngân hàng VIB và hiện đang điều hành văn phòng đại diện tại Việt Nam của Ngân hàng Quốc gia Úc (National Australia Bank, NAB) tại Hà Nội, là người đầu tiên lên tiếng. Theo bà Thủy, việc có tên trong hồ sơ này là bình thường do bà là CEO của ANZ và cũng là lãnh đạo của ANZ/V-Trac International Leasing Company, một công ty tài chính trực thuộc ngân hàng này.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, cái tên Đàm Bích Thủy không phải được liệt kê trong Panama Papers mà vốn thuộc Offshore Leaks – một cơ sở dữ liệu đã được ICIJ công bố từ năm 2013 sau cuộc điều tra về các công ty vỏ bọc thuộc vùng lãnh thổ của Vương quốc Anh.

Lên tiếng xác nhận về việc có tên trong Panama Papers, cũng như bà Đàm Bích Thủy, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) khẳng định việc một công ty đầu tư ra nước ngoài khi đã được cơ quan quản lý cấp phép là hoàn toàn bình thường.

Tương tự, Tổng giám đốc Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng khẳng định việc xuất hiện của mình trong Panama Papers “là bình thường”. Theo Hồ sơ ICIJ cung cấp, bà Thảo có liên quan với Ariana Hotels & Resort International trụ sở ở thiên đường thuế ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Ariana Hotels & Resort International cũng chính là chủ cũ của Furama Resort - bất động sản mà CTCP Sovico (Sovico Holdings, công ty mẹ của Vietjet Air mà bà Thảo đóng vai trò là nhà sáng lập kiêm cổ đông lớn) đã đầu tư mua lại năm 2005.

Năm 2005, chúng tôi là công ty quốc tế, có chủ trương đầu tư về Việt Nam. Sovico đã thắng thầu và thay thế cho các nhà đầu tư trước đó. Do công ty Furama vốn đã nằm trong danh sách công ty do Mossack Fonseca tư vấn nên khi chúng tôi mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte Ltd trong danh sách cũng là bình thường, cũng như các cá nhân là lãnh đạo của công ty cũng xuất hiện theo", đại diện Sovico trả lời trước báo giới.

Có một chi tiết đáng chú ý, rằng theo các thông tin mà ICIJ công bố thì Sovico Holdings hiện đang là tổ chức Việt Nam có nhiều người liên quan góp mặt trong Panama Papers nhất. Đó đều là những người thân của bà Thảo.

Ẩn số Sovico

Cụ thể là chồng bà, ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sovico Holdings và em trai bà, ông Nguyễn Cảnh Sơn, thành viên sáng lập, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Văn phòng phía Bắc và khối Bất động sản của Sovico Holdings.

Liên đồ về ông Nguyễn Thanh Hùng trong cơ sở dữ liệu của ICIJ.

Theo Panama Papers, ông Hùng là cổ đông của SVC Management Limited và Sovico Corporation Limited, hai pháp nhân cùng được thành lập tại British Virgin Islands vào ngày 03/11/2003, trong đó Sovico Corporation Limited đã đóng cửa vào ngày 02/05/2008. Hai pháp nhân này có liên quan đến công ty Mossack Fonseca & Co (Singapore) PTE LTD, một chi nhánh của hãng luật Mossack Fonseca tại Singapore.

Như vậy, có thể hiểu rằng, ông Hùng đã sớm có mối liên hệ với các công ty “offshore” tại thiên đường thuế British Virgin Islands, thậm chí là trước khi Sovico Holdings đầu tư về Việt Nam và chính thức sở hữu Furama Resort – lý do khiến các lãnh đạo Sovico Holdings có mặt trong Panama Papers (theo lời bà Thảo).

Ngoài 3 cái tên trên, một cái tên khác trong danh sách ICIJ công bố cũng trùng tên với một lãnh đạo của Sovico Holdings: “Doan Thi Viet Ha”, Giám đốc của Bokia Asia INC. và Lorwood Holdings Ltd, hai pháp nhân được thành lập tại British Virgin Islands vào năm 2006. Được biết, Sovico Holdings từng có một Trưởng ban Kiểm soát tên Đoàn Thị Việt Hà.

Liên quan đến bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cách đây không lâu, nữ doanh nhân này đã làm dậy sóng truyền thông trong nước, khi là nhân vật chính trong bài viết “How Bikini Airline Helped to Create Vietnam's First Woman Billionaire” (tạm dịch: Hãng hàng không “bikini” giúp tạo nên nữ tỷ phú đầu tiên của Viêt Nam thế nào) trên Bloomberg vào ngày 24/03/2016.

 CEO Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Hãng tin uy tín này cho biết, bằng các dữ liệu và tính toán của Bloomberg Billionaires Index, thì sau khi hãng hàng không tư nhân duy nhất của Việt Nam (Vietjet Air) thực hiện IPO, bà Thảo sẽ có tài sản ròng vượt 1 tỷ USD, để sẵn sàng trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của không chỉ của Việt Nam mà còn là cả Đông Nam Á.

Tính toán của Bloomberg Billionaires Index tạo sóng, song cũng lại khiến nhiều thành viên thị trường tỏ ý nghi ngờ. Bởi căn cứ trên cổ phần mà bà Thảo đang sở hữu tại các doanh nghiệp có liên quan, con số tính toán chưa cho thấy bóng dáng về một “nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam”. Thậm chí là tính tổng toàn bộ vốn cổ phần của tất cả các doanh nghiệp thuộc khối Sovico Holdings cũng chỉ đạt vài trăm triệu USD (Có thật bà chủ VietJet Air là tỷ phú USD?).

Nhiều người tự hỏi bà Thảo còn “của chìm của nổi” ở đâu,  Bloomberg Billionaires Index không thể đưa ra thông tin một cách vô căn cứ, dù có ý kiến cho rằng tin về bà Thảo chỉ là một bước đi IPO Roadshows của Vietjet Air. Vậy phải chăng bà chủ Vietjet Air còn rất nhiều tài sản chưa được biết đến ở nhiều nơi trên thế giới, mà Panama Papers chỉ là một hướng tiếp cận (?!).

Theo tài liệu mà VietTimes thu thập được, hãng hàng không Vietjet Air từng có lịch sử quan hệ nhiều lần với một số công ty bảo hiểm có trụ sở tại thiên đường thuế Cayman Islands. Ví dụ như các công ty Awas 5822 Limited, Awas 6025 Limited,…

Sovico Holdings và câu chuyện “hồ sơ Panama” ảnh 3

Ông Nguyễn Cảnh Hồng Lĩnh, Phó TGĐ Incentra JSC.

Trong số các doanh nhân người Việt được đề cập trong cơ sở dữ liệu của ICIJ, còn có cái tên: Nguyen Canh Hong Linh, khiến nhiều người đồn đoán liệu đó có phải là tên ông Nguyễn Cảnh Hồng Lĩnh, Phó Tổng Giám đốc INCENTRA JSC, đơn vị xây dựng Trung tâm Văn hóa Thương mại (đa chức năng) và Khách sạn “Hà Nội – Mátxcơva” (Tổ hợp Đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva) tại Mátxcơva và “Nhà Mátxcơva” tại Hà Nội.

Tuy nhiên, thông tin này đã được Tổng giám đốc Eurowindow Nguyễn Cảnh Hồng, anh trai ông Nguyễn Cảnh Hồng Lĩnh, phủ nhận – theo thông tin trên một tờ báo.

Theo cơ sở dữ liệu Offshore Leaks, nhân vật “Nguyen Canh Hong Linh” vừa là cổ đông và cũng vừa là giám đốc của “The European Plastic Window Co. Ltd.”, một pháp nhân được thành lập vào ngày 8/8/2003, có địa chỉ tại “Andesen Business Services, Inc. Frunzenskaya Nab., 40 Moscow, 119270 Russia RT BVI”.

Trên trang web chính thức của mình (phiên bản tiếng Anh), Công ty Cổ phần cửa sổ nhựa Châu Âu (Eurowindow) tự giới thiệu về họ như sau: “Eurowindow (European Plastics Window Company Ltd) was established on 29th August 2002”…

Ninh Giang – Hoàng Nguyên