Sốt xuất huyết dễ trở nặng hơn khi từng nhiễm COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM): “Trẻ đã từng mắc COVID-19 trước đó giờ bị sốt xuất huyết thì khả năng vào sốc cao hơn nhóm không bị nhiễm COVID-19 trước đó”

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, theo chu kỳ bùng phát bốn năm một lần thì rất có thể sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch trong năm 2022. Theo số liệu từ Bộ Y tế, tính tới ngày 11/6 cả nước đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2021 số ca mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp. Số ca mắc và tử vong chủ yếu tập trung tại miền Nam. Riêng TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguy cơ nhiễm sốt xuất huyết trên nền hậu COVID-19 là rất lớn. Trong thời gian gần đây Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng đã tiếp nhận một số trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống hậu COVID-19 kèm theo bệnh sốt xuất huyết.

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) chia sẻ: "Có nhiều trường hợp trẻ nhiễm COVID-19 giờ mắc thêm sốt xuất huyết sau khi xét nghiệm cho thấy trẻ có phản ứng viêm tăng rất nhiều so với những trẻ chưa từng nhiễm COVID-19.

Cho tới nay, chưa có nghiên cứu rõ ràng về những trường hợp này nhưng chúng tôi nhận thấy trẻ đã từng mắc COVID-19 trước đó giờ mắc sốt xuất huyết thì khả năng vào sốc cao hơn nhóm chưa từng nhiễm COVID-19. Từ đó có thể thấy COVID-19 có khả năng gây ảnh hưởng tới độ nặng của sốt xuất huyết".

COVID-19 có khả năng gây ảnh hưởng tới độ nặng của sốt xuất huyết
COVID-19 có khả năng gây ảnh hưởng tới độ nặng của sốt xuất huyết

"Quá trình điều trị cho các trường hợp này cũng rất khó khăn. Khi viêm đa hệ thống hậu COVID-19 sẽ được điều trị chống viêm bằng corticoid hoặc dùng thêm các thuốc chống đông. Trong khi đó, corticoid và thuốc chống đông lại không được phép sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết. Vì những loại thuốc này có có thể khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn gây nguy hiểm cho bệnh nhân", bác Tiến chia sẻ thêm.

Bác sĩ Tiến cũng cảnh báo rằng, trẻ có thể bị sốt xuất huyết ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng điển hình của bệnh. Trẻ có thể bị sốt không cao hoặc không sốt liên tục nhưng trẻ vẫn có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Phụ huynh cần chú ý tới các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện bệnh kịp thời. Khi nhập viện trễ quá trình điều trị rất khó khăn và trẻ có thể bị sốc kéo dài, gặp các biến chứng nặng từ cơ quan hô hấp, tiêu hóa, thận, não, gan... thậm chí là tử vong.

Phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới các trẻ đã từng mắc COVID-19, nhóm trẻ mắc phải hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C trong mùa sốt xuất huyết này. Ngay khi trẻ gặp các triệu chứng như sốt cao; nôn ói; chảy máu mũi, máu răng; tiêu chảy, đi cầu phân đen; mệt mỏi...thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám, xét nghiệm để sàng lọc sốt xuất huyết.

Các bác sĩ cần phải khai thác bệnh sử của trẻ cẩn thận khi tiếp nhận trẻ có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết. Cần xét nghiệm thêm phản ứng viêm, cân nhắc cẩn trọng để có hướng điều trị thích hợp cho trẻ có biểu hiện của sốt xuất huyết Dengue trên nền bệnh viêm đa hệ thống liên quan đến COVID-19.

Theo Sức khỏe đời sống