Sơn Lôi và bài học đắt giá trong công tác phòng, chống dịch

VietTimes -- Sau 21 ngày, lệnh cách ly để phòng, chống dịch COVID-19 ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức được dỡ bỏ vì không ghi nhận thêm ca mắc mới. Trước kết quả đáng mừng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Có rất nhiều bài học được rút ra từ việc khống chế dịch COVID-19 ở Sơn Lôi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Thanh Hằng
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Thanh Hằng

Cách ly tập trung ngay từ đầu

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc huy động lực lượng công an và quân đội tham gia cách ly tập trung ngay từ những ngày đầu là một bài học kinh nghiệm lớn trong công tác phòng, chống dịch. Bởi trước đây, khi dịch bùng phát các đơn vị thường tập trung vào chuyên môn (khám, điều trị cho bệnh nhân) trước, sau đó mới huy động các lực lượng khác cùng tham gia.

Tại Sơn Lôi, Bộ Y tế đã hỗ trợ cơ quan y tế tại địa phương tạo ra 4 vòng cách ly. Đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng 4 vòng cách ly đối với 1 xã có dịch.

Bé gái 3 tháng tuổi mắc COVID-19 khỏe mạnh xuất viện về Vĩnh Phúc ngày 20/2. Ảnh: Minh Thúy

Bé gái 3 tháng tuổi mắc COVID-19 khỏe mạnh xuất viện về Vĩnh Phúc ngày 20/2. Ảnh: Minh Thúy

Theo đó, vòng cách ly thứ nhất, người nhà bệnh nhân được coi như là bệnh nhân và được cách ly trong các cơ sở y tế. Vòng cách ly thứ hai là những người tiếp xúc gần với người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân cũng được cách ly tập trung. Vòng cách ly thứ ba là người tiếp xúc với người tiếp xúc thì tiến hành cách ly tại nhà, có sự giám sát chặt chẽ của các ban, ngành, chính quyền sở tại. Vòng cách ly cuối cùng là cách ly toàn bộ xã.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Việc cách ly 4 vòng không phải là tạo ra một vòng tròn dồn tất cả mọi người vào, mà đưa ra các vòng cách ly khác nhau, để hạn chế tối đa khả năng phát tán mầm bệnh.

Khu vực cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
Khu vực cách ly đặc biệt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy 

Đối với gia đình, người nhà của người mắc bệnh, các cán bộ y tế đã tiến hành tiêu độc khử trùng, khóa niêm phong nhà, sau đúng thời gian cách ly thì mở cửa để người dân quay lại. Bởi virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bề mặt của các vật dụng trong thời gian dài. 

Ngoài việc triển khai 4 vòng cách ly tại Sơn Lôi, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn y tế từ trên xuống dưới để chủ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại tuyến huyện.

Cùng với đó, sự hợp tác và sự phối hợp của người dân đóng một vai trò vô cùng quan trọng để khống chế dịch bệnh. Mặc dù ở trong vùng bị cách ly nhưng người dân vẫn rất bình tĩnh, hợp tác với các cơ quan chuyên môn, hàng ngày đều khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt. Sự hợp tác này là một trong những yếu tố giúp Vĩnh Phúc triển khai tốt công tác phòng dịch.

Từ hẹp tới rộng

Về mặt nguyên tắc, việc cách ly đối với các địa bàn bùng phát dịch, việc thực hiện cách ly sẽ giống ở Sơn Lôi. Tuy nhiên, nếu chỉ xuất hiện một vài ca thì có thể cách ly ở không gian hẹp hơn.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Khi dịch bùng phát phải cách ly ở mức độ hẹp sau đó mới mở rộng để tạo ra nhiều vòng cách ly, nhằm bảo vệ những người dân ở các vị trí xung quanh, tránh ảnh hưởng tới đời sống của người dân ở những khu vực đó.

Bởi Việt Nam khác với Trung Quốc - Trung Quốc có thể cách ly cả thành phố lớn, nhưng Việt Nam không làm thế mà tiến hành cách ly theo từng cấp độ. Tuy nhiên, đối với từng địa bàn như: đô thị, miền núi... sẽ có những điều chỉnh về mặt thực tiễn để phù hợp với địa phương đó. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Minh Thúy
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Minh Thúy 

Vừa qua, tại Hà Nội đã phát hiện một trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quận Nam Từ Liêm. Sau khi nhận được thông tin, ngành y tế đã tiêu độc trử trùng tại gia đình có người nghi nhiễm và đưa toàn bộ người thân trong gia đình này vào bệnh viện cách ly, đồng thời, đưa 20 người tại các gia đình xung quang vào bệnh viện cách ly.

Chủ động ứng phó trong tình hình mới

Hiện, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2. Đây là điều đáng quan ngại đối với tất cả các quốc gia và những người làm công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì thế, Việt Nam cần có biện pháp ứng phó với dịch trong tình hình mới.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, ngay khi tiếp nhận thông tin về trường hợp hành khách Nhật Bản dương tính COVID-19 sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống theo dõi và cách ly toàn bộ chuyến bay bao gồm cả hành khách và phi hành đoàn cũng như những người có liên quan. 5 hành khách bay từ Siem Riep (Camphuchia) về Việt Nam cũng đã được theo dõi và cách ly chặt chẽ.

Để chủ động phòng dịch, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu triển khai khai báo y tế (tờ khai giấy, tờ khai y tế điện tử) đối với mọi hành khách đến từ Liên minh Châu Âu (EU) và Campuchia nhập cảnh tại Việt Nam để chuyển sang trạng thái phòng, chống dịch bệnh ở mức độ cao, quyết liệt và toàn diện, chuẩn bị sẵn tâm thế để đối phó với các ca mắc mới có thể xảy ra trong thời gian tới.