Sớm hoàn thiện các chính sách pháp luật về CNTT

VietTimes -- Qua 10 năm thực hiện Luật CNTT, lĩnh vực này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng CNTT được triển khai rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế-xã hội; công nghiệp CNTT đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, đóng góp ngày càng lớn cho GDP. 
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại buổi tọa đàm
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại buổi tọa đàm

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng tại buổi Tọa đàm đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin (CNTT) với chủ đề "Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT tại các tỉnh miền Trung" vừa diễn ra tại TP. Huế (Thừa Thiên Huế).

Cùng với đánh giá về những mặt làm được của Luật CNTT sau 10 năm thực thi, Thứ trưởng cũng thẳng thắn: "So với xu hướng phát triển CNTT hiện nay của Việt Nam và thế giới, Luật CNTT đã thể hiện nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ; đặc biệt Nghị quyết 13-NQ/TW khóa XI xủa Đảng đã xác định CNTT là một trong 10 hạ tầng quan trọng cần được tập trung ưu tiên phát triển".

Theo đó, việc tổng kết, đánh giá tình hình thi hành Luật CNTT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật CNTT trong 10 năm qua là hết sức cần thiết nhằm đánh giá những kết quả làm được, chỉ ra những bất cập, hạn chế, nguyên nhân hạn chế và xác định các giải pháp, phương thức quản lý để thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT trong thời gian tới, đồng thời làm cơ sở để đề xuất Chính phủ và Quốc hội xem xét sửa đổi, hoàn thiện Luật CNTT phù hợp với tình hình phát triển mới, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về CNTT, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội và bắt kịp xu thế của thế giới.

Tại buổi tọa đàm, các tham luận của đại diện Sở TT&TT các tỉnh khu vực miền Trung và doanh nghiệp CNTT đã tập trung đánh giá tình hình thi hành Luật CNTT tại địa phương. Trong đó, đánh giá việc hoàn thiện các chính sách pháp luật về CNTT; chiến lược, quy hoạch và các chương trình hành động trong lĩnh vực CNTT; việc ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước, trong thương mại; phát triển nguồn nhân lực CNTT, công nghiệp và dịch vụ CNTT; phân tích các tồn tại, bất cập trong xây dựng chính sách và mô hình CNTT cũng như trong hoạt động ứng dụng CNTT,.. kiến nghị giải pháp và xác định vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn cần điều chỉnh, đề xuất giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về CNTT và  nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về CNTT tại địa phương...