Sốc: MiG-21 từ thời chiến tranh Việt Nam tránh được AIM-120 và bắn hạ F-16 Pakistan

VietTimes -- Thêm nhiều tình tiết mới trong xung đột Kashmir, ngày 26.02.2019, trang The Print cho biết, không quân Ấn Độ (IAF) sử dụng bom điều khiển hạng nặng Spicie-2000 do Israel sản xuất tiến hành cuộc tấn công vào doanh trại của nhóm Hồi giáo cực đoan Jaish-e-Mohammed (JeM) tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa Pakistan.
Mảnh vỡ tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 của Pakistan trên lãnh thổ Ấn Độ ở Kashmir.
Mảnh vỡ tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 của Pakistan trên lãnh thổ Ấn Độ ở Kashmir.

Không quân Ấn Độ tiến hành cuộc không kích trả đũa vụ bị đánh bom bằng xe VBIED tự sát ở Kashmir ngày 14.02.2019 khiến 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Theo các phương tiện truyền thông Ấn Độ, 5 chiếc Mirage 2000 thực hiện cuộc không kích vào căn cứ địa của Jaish-e-Mohammed (JeM). Tham gia vào cuộc không kích này có tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-30 MKI, một máy bay tiếp dầu trên không, 2 máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy, giám sát đường không (AWACS) tham gia vào cuộc tấn công này vào đầu giờ sáng ngày 26.02.2019.

Không quân Ấn Độ quyết định dùng Mirage 2000 do máy bay này có thể tích hợp được với bom điều khiển có độ chính xác cao Spicie-2000 Israel, dẫn đường quán tính (INS), điều chỉnh bằng định vị vệ tinh GPS. Bom lắp đầu tự dẫn quang điện tử tiên tiến, sử dụng công nghệ so sánh ảnh tương quan khu vực với cơ sở dữ liệu mục tiêu kỹ thuật số (DSMAC) nhằm tấn công chính xác mục tiêu. Spicie-2000 có đầu đạn nặng 1.000kg, tầm bắn hơn 60km, cho phép tấn công các mục tiêu từ khoảng cách xa, nằm ngoài khu vực phòng không hiệu quả của đối phương.

ThePrint, dẫn nguồn tin quân sự cho biết, kế hoạch ban đầu của IAF là sử dụng khả năng tấn công tầm xa của Spicie-2000 phá hủy căn cứ địa của JeM, không xâm phạm không phận Pakistan. Nhưng gió mạnh từ tây sang đông đẩy Mirage 2000 của Ấn Độ xâm nhập sâu vào lãnh thổ Pakistan 10km trước khi thả bom.

Một điều thú vị là Ấn Độ tuyên bố: cuộc không kích phá hủy sáu doanh trại JeM, tiêu diệt hơn 350 thành viên của nhóm này. Truyền thông Pakistan khẳng định cuộc tấn công không gây ra thương vong hoặc thiệt hại nào đáng kể.

Cuộc không chiến có những kết quả khá bất ngờ và rất khó hiểu trên vùng trời Kashmir. Ngày 28.02.2019, nhà chức trách Ấn Độ trưng bày trước báo giới mảnh vỡ một tên lửa không đối không tầm trung AMRAAM AIM-120 C-5 do Mỹ sản xuất, do một tiêm kích F-16 Pakistan phóng trong cuộc không chiến trên khu vực Đường kiểm soát “Line of Control” (LoC) trong vùng Kashmir.

Tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C-5 (AMRAAM), có tầm bắn hơn 105km và đầu tự dẫn tìm kiếm mục tiêu bằng radar chủ động. Không quân Pakistan (PAF) trang bị cho F-16 loại tên lửa này.

Mảnh vớ của tên lửa hiện đại Mỹ AIM-120. Ảnh minh họa: The Print Ấn Độ.
Mảnh vớ của tên lửa hiện đại Mỹ AIM-120. Ảnh minh họa: The Print Ấn Độ.

Theo tờ Thời báo Kinh tế (Economist Times), F-16 không quân Pakistan (PAF) phóng tên lửa AIM-120 trong cuộc không chiến với MiG-21 (Bison) của Không quân Ấn Độ (IAF), nhưng quả tên lửa đã trượt mục tiêu.

Theo truyền thông Ấn Độ, phi công Abhinandan Varthaman, bay trên chiếc Bison MiG-21 tránh được tên lửa siêu hiện đại AIM-120, vượt sang biên giới của Pakistan, tiếp cận và bắn hạ F-16 của PAF bằng một tên lửa R-73 của Nga sản xuất. Sau đó, máy bay của Pakistan (PAF) bắn hạ chiếc MiG-21 này. Truyền thông mạng xã hội Ấn Độ cho biết, phi công Pakistan, có tên là Shahzaz Ud Din thuộc không đoàn số 19 “No 19 Squadron (Sherdils)” thiệt mạng.

Truyền thông mạng xã hội Twitter khẳng định đây là mảnh máy bay F-16
 Truyền thông mạng xã hội Twitter khẳng định đây là mảnh máy bay F-16

Truyền thông chính thức và mạng xã hội Pakistan bác bỏ hoàn toàn thông tin trên và cho đó là ‘tin giả” từ phía Ấn Độ. Không quân Pakistan đã bắn hạ 2 máy bay chiến đấu của IAF trên khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Không thể kiểm chứng được tính chính xác của thông tin, tranh cãi lan rộng từ truyền thông chính thức của 2 quốc gia đến mạng xã hội. Nhưng chỉ riêng việc cho rằng chiếc MiG-21 có từ thời chiến tranh Việt Nam bắn hạ được F-16 đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi dữ dội trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặc dù truyền thông mạng xã hội tiếp tục trang cãi về vấn đề trên, nhưng chính phủ Pakistan đã trao trả phi công Ấn Độ ngày 01.03.2019 và khép lại cuộc xung đột bằng một động thái hòa bình.