Số liệu về COVID-19 tăng “sốc”: Giới chuyên gia đặt câu hỏi gay gắt về minh bạch thông tin ở Trung Quốc

VietTimes -- Hiện ngày càng có nhiều người tỏ ra hoài nghi về con số ca nhiễm và tử vong do virus corona chủng mới ở Trung Quốc, trong lúc giới chức y tế Trung Quốc quyết định sẽ không tính các trường hợp được xác nhận dương tính với nCoV nhưng không có triệu chứng gì. Một làn sóng chỉ trích lập tức trỗi dậy.
Lo sợ virus corona, người bán hàng ở Bắc Kinh không dám trực tiếp nhận tiền của khách mua (Ảnh: Reuters)
Lo sợ virus corona, người bán hàng ở Bắc Kinh không dám trực tiếp nhận tiền của khách mua (Ảnh: Reuters)

Việc áp dụng cách tính này dường như là một quyết định từ cấp chính quyền cao nhất, ẩn giấu trong hàng loạt những văn bản từ chính phủ trung ương. Giới chức y tế Trung Quốc nói rằng họ sẽ phải đánh giá lại các bệnh nhân từng được xét nghiệm dương tính với nCoV nhưng không xuất hiện triệu chứng gì, và loại trừ họ khỏi tổng số trường hợp nhiễm.

Phương pháp tính toán này được đưa ra mà không đi kèm chi tiết hay lời giải thích nào, khiến cho làn sóng chỉ trích lập tức trỗi dậy. Một tờ báo ở Hong Kong gọi quyết định trên là "sự che đậy" thông tin. Giới chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tỏ ra lúng túng khi nhận được câu hỏi về động thái trên của Trung Quốc.

Nhưng sự thay đổi trong phương pháp tính toán này chỉ là một trong số những nhân tố khiến cho giới chuyên gia gặp khó trong việc đưa ra nhận định đúng về dịch bênh COVID-19. Trên thực tế, việc thay đổi về cách xác nhận người bị nhiễm virus corona cũng làm thay đổi mạnh những biến số mà giới chuyên gia sử dụng để ước tính về quy mô của dịch bệnh.

Sáng ngày 13/2, giới chức y tế ở Trung Quốc đã thông báo có thêm gần 15.000 trường hợp nhiễm mới chỉ tính riêng ở "tâm dịch" là tỉnh Hồ Bắc.

Dữ liệu trong tuần trước đó dường như khiến nhiều người tin rằng dịch bệnh do virus corona (COVID-19) sắp tới đỉnh dịch, và các biện pháp ngăn chặn đang mang lại hiệu quả. Thế nhưng trong sáng ngày 13/2, giới chức Trung Quốc bất ngờ thông báo về hơn 14.840 ca nhiễm mới ở tỉnh Hồ Bắc, nâng tổng số ca nhiễm lên con số 48.206 - mức tăng lớn nhất chỉ trong một ngày. Số người chết giờ tăng lên 1.310 người, trong đó có 242 ca tử vong mới.

Tính đến thời điểm này, chỉ những ca nhiễm được xác nhận bởi bộ xét nghiệm đặc chủng mới được coi là chính xác. Nhưng các bộ xét nghiệm này đang thiếu trầm trọng - và có rất nhiều người bệnh không được xét nghiệm - đến nỗi tỉnh Hồ Bắc phải bắt đầu tính cả những người được các bác sĩ chẩn đoán là nhiễm nCoV qua khám bệnh thông thường.

Và kết quả từ phương pháp tính trên là: Chỉ trong vòng 24h, con số người tử vong và nhiễm bệnh tăng đột biến.

Thực tế con số tăng đột biến trong sáng ngày 13/2 cũng khiến nhiều người lo lắng về quy mô thực sự của dịch bệnh COVID-19.

Việc thay đổi phương pháp tính toán trường hợp nhiễm bệnh - cả bên trong và bên ngoài tâm dịch Hồ Bắc - đã phản ánh 1 vấn đề 2 mặt trong cuộc chiến chống bệnh dịch trên toàn cầu. Một mặt, giới chức y tế cần phải linh hoạt trong việc đối phó với dịch bệnh mới. Mặt khác, họ không tin tưởng vào chính quyền Trung Quốc - đặc biệt là về tính minh bạch của các báo cáo về quy mô dịch bệnh hiện nay.

Người dân bên ngoài một tòa chung cư ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Getty)
Người dân bên ngoài một tòa chung cư ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Getty)

"Rõ ràng là có sự không tin tưởng về các báo cáo mà chính phủ Trung Quốc đưa ra trong thời điểm hiện tại" - Kerry Brown, cựu nhân viên ngoại giao, hiện đang là Giám đốc của Viện Lau China thuộc ĐH King (Anh), nhận định.

"Điều này thực sự là không công bằng" - ông Brown nói - "Xác nhận thông tin trong thời điểm hiện nay là một thách thức lớn, bởi nhiều người rất nhạy cảm, họ tỏ ý hoài nghi rằng đây là một chương trình nghị sự nào đó".

Con số về trường hợp nhiễm và tử vong mới của tỉnh Hồ Bắc xuất hiện chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc báo cáo rằng mức tăng số lượng ca nhiễm mới ở mức thấp nhất trong ngày tính từ ngày 30/1. Giới chuyên gia sau đó cảnh báo rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về mức giảm này.

Sự thay đổi đột biến số ca nhiễm và tử vong trong ngày 13/2 không phải là ví dụ duy nhất về luồng thông tin mâu thuẫn và không đồng nhất về COVID-19. Các nhà nghiên cứu đang đưa ra nhiều dự đoán khác nhau về thời điểm được coi là "đỉnh dịch" - từ thời điểm mà nay đã qua cho tới thời điểm vài tháng tới. Trong khi chính quyền Trung Quốc vẫn chịu công khai chi tiết về nhân khẩu học trong các trường hợp tử vong vì nCoV, gây ra sự mập mờ về nhóm người ở độ tuổi có khả năng tử vong cao nhất.

Các nhà khoa học thậm chí còn tranh luận gay gắt về những trường hợp nhiễm virus cororna mà không xuất hiện triệu chứng - tức những người lây nhiễm cho người khác trong khi bản thân họ không hề có triệu chứng gì. Giới chức y tế Trung Quốc là những người đầu tiên nêu ra hiện tượng lây truyền không xuất hiện triệu chứng, trong khi giới chuyên gia ở các nước khác lại tỏ ý hoài nghi về hiện tượng này. Cuối cùng thì trong vài ngày gần đây, giới chức Trung Quốc đã phải hạ thấp rủi ro truyền nhiễm không triệu chứng này.

Những thông tin trên cũng xuất hiện trong lúc mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng các nỗ lực ngăn dịch đang có hiệu quả.

"Sau nhiều nỗ lực, tình hình dịch bệnh đã chuyển biến tích cực, và nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh đã đạt được những kết quả tích cực" - ông Tập nói trong một cuộc họp các nhà lãnh đạo tổ chức tại Bắc Kinh ngày 12/2.

Nhân viên lau dọn tại trung tâm thể thao Vũ Hán, được sử dụng làm khu cách ly bệnh nhân (Ảnh: AP)
Nhân viên lau dọn tại trung tâm thể thao Vũ Hán, được sử dụng làm khu cách ly bệnh nhân (Ảnh: AP)

Những sự thay đổi trong việc phân loại các trường hợp truyền nhiễm không triệu chứng xuất hiện từ ngày 29/1, trong nhiều văn bản hướng dẫn mà Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố. Ủy ban này nói rằng họ sẽ không tính các bệnh nhân dương tính với virus corona nhưng không xuất hiện triệu chứng là "trường hợp nhiễm được xác nhận". Thay vào đó, những bệnh nhân này sẽ được tính riêng, gọi là các bệnh nhân "được chẩn đoán dương tính", và sẽ chỉ được tính thêm vào tổng số ca nhiễm nCoV nếu bắt đầu có triệu chứng bệnh.

Giới chức y tế Trung Quốc tuy nhiên không nêu lý do rõ ràng vì sao họ áp dụng sự thay đổi này. Ủy ban Y tế Quốc gia cũng không đưa ra thêm bình luận gì.

Sự thay đổi trên, sau khi được công bố, đã lập tức gây ra cuộc tranh luận gay gắt trong cộng đồng chuyên gia y tế.

"Sự thay đổi khái niệm trong giai đoạn bệnh dịch bùng phát không phải điều bất thường, bởi ưu tiên hàng đầu là các nỗ lực ngăn chặn" - Tiến sỹ Marion Koopmans, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu virus, Trung tâm Y tế trường ĐH Eramus (Hà Lan), nói.

Thế nhưng, ngay cả các chuyên gia từng cho rằng việc loại trừ một số trường hợp nhiễm nhất định sẽ không gây hậu quả lớn giờ cũng nói rằng việc tính toán mọi trường hợp nhiễm - ngay cả cả các trường hợp nhiễm nhưng không xuất hiện triệu chứng - là điều rất cần thiết đối với các nhà nghiên cứu bệnh dịch học, cũng như với cộng đồng.

Tiến sỹ Malik Peiris, chuyên gia virus học tại ĐH Hong Kong, nói rằng những người nhiễm virus corona mà không có triệu chứng có thể hình thành nên "một tảng băng trôi vô hình" khiến cho tỷ lệ tử vong do virus corona trông có vẻ thấp hơn nhiều so với thực tế.

Theo ông Peiris, việc đưa ra con số chính xác về số người nhiễm nCoV - dù là có xuất hiện triệu chứng hay là không - là việc hết sức quan trọng nếu muốn kìm hãm tâm lý hoang mang ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Người dân Bắc Kinh đeo khẩu trang đi siêu thị trong hôm 11/2 (Ảnh: NYTimes)
Người dân Bắc Kinh đeo khẩu trang đi siêu thị trong hôm 11/2 (Ảnh: NYTimes)

Sự thay đổi trong phương pháp tính toán trường hợp nhiễm nCoV ở Trung Quốc cũng khiến cho giới chức WHO bối rối.

Tiến sỹ Chen Bingzhong, cựu quan chức y tế của chính phủ Trung Quốc người từng công khai kêu gọi minh bạch thông tin về các cuộc khủng hoảng y tế, nói rằng kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV cần phải được công khai trước dư luận, bất chấp là có triệu chứng hay không.

"Xét nghiệm dương tính có nghĩa là họ đã nhiễm virus corona chủng mới" - ông nói - "Nếu bạn không công nhận nó thì bạn đang che giấu sự thật".