Sở hữu cổ phần vượt “trần”: Bao nhiêu sếp ngân hàng bị mất “ghế”?

Không ít lãnh đạo ngân hàng có thể sẽ bị mất ghế nếu không nhanh chóng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần ngân hàng tại nơi đang nắm quyền xuống dưới “trần” mà Ngân hàng Nhà nước quy định.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một trong những phương án được Ngân hàng Nhà nước đưa ra để xử lý đối với những cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn theo quy định tại Điều 55 Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD), đó là sẽ không chấp thuận nhân sự dự kiến bầu làm thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, bổ nhiệm làm tổng giám đốc của TCTD trong trường hợp các nhân sự này là cổ đông hoặc thuộc nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại TCTD.

Có một vài CEO ngân hàng từng được biến đến sở hữu vượt trần 5% theo quy định tại Điều 55 Luật các TCTD.

Ông Hồ Hùng Anh nắm giữ 11,94 triệu cổ phiếu, tương đương 1,36% (theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Masan năm 2014); bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (vợ) nắm 27,69 triệu cổ phiếu, tương đương 3,15%; ông Hồ Anh Ngọc (em trai) nắm giữ 8,86 triệu cổ phiếu, tương đương 1,01%; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (mẹ) nắm giữ 0,08 triệu, tương đương 0,01%. Còn các thành viên khác liên quan là theo báo cáo quản trị năm 2013. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin nào về những cổ đông này thoái vốn.

Như vậy, tính đến thời điểm kể trên, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank và gia đình đang sở hữu 5,53% cổ phần Techcombank.

Trong khi đó, Thông tư số 06/2015/TT-NHNN về việc quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn yêu cầu các TCTD phối hợp với cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2015 tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan tại TCTD tuân thủ quy định tại Luật TCTD.

Đối với những trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoặc được xử lý theo phương án cơ cấu lại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt thì không chịu tác động của Thông tư này.

Để xử lý số cổ phần và tỷ lệ cổ phần vượt trần, các TCTD phải lên danh sách cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn; xây dựng biện pháp và lộ trình khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn; cam kết của TCTD về việc phối hợp, đôn đốc cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn không được tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại TCTD dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, với các trường hợp nhận cổ phiếu thường hoặc cổ tức bằng cổ phiếu; Mua cổ phiếu phát hành thêm khi TCTD tăng vốn điều lệ thông qua việc chào báo cổ phiếu ra công chúng nhưng đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi mua tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần quy định tại Điều 55 luật các TCTD.

Sau thời gian xử lý nêu tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này hoặc sau thời hạn nêu trong Phương án cơ cấu lại đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan chưa đảm bảo tuân thủ giới hạn cổ phần theo quy định tại Luật các TCTD, Ngân hàng Nhà nước sẽ không chấp thuận nhân sự dự kiến bầu làm thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, bổ nhiệm làm tổng giám đốc của TCTD trong trường hợp các nhân sự này là cổ đông hoặc thuộc nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại TCTD; Không xem xét việc đề cử nhân sự tham gia HĐQT, ban kiểm soát của TCTD của cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại TCTD đó.

Thậm chí, cơ quan này sẽ cố nhiều biện pháp xử lý cần thiết khác the quy định của pháp luật, bao gồm cả biện pháp cơ cấu lại đối với TCTD có cổ đông, nhóm cổ đông có sở hữu cổ phần vượt giới hạn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Theo Bizlive