Số hoá kinh doanh truyền thống, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP qua TikTok

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là cầu nối số để người dân mua sắm dễ dàng và tiện lợi hơn, mở ra cơ hội tiềm năng cho các chủ thể OCOP khẳng định thương hiệu địa phương qua kênh thương mại điện tử TikTok Shop.
TikTok sẽ đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng số về sản xuất nội dung, quảng bá và tiếp thị sản phẩm OCOP.
TikTok sẽ đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng số về sản xuất nội dung, quảng bá và tiếp thị sản phẩm OCOP.

Chương trình hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN và PTNT) và TikTok Việt Nam vừa ký kết hôm nay (28/2) nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Trong đó, TikTok sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai các khóa tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP tại một số tỉnh thành, như Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Huế, Lâm Đồng… Đồng thời, nền tảng sáng tạo số nổi tiếng này sẽ tái khởi động hastag #DacSanVietNam nhằm tăng tương tác, tạo nhóm chủ đề nổi bật và kết nối giao thương giữa các đơn vị và người tiêu dùng.

Chương trình hợp tác chiến lược nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Chương trình hợp tác chiến lược nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Đại diện TikTok cho biết, sẽ thành lập các nhóm tư vấn trực tiếp để hướng dẫn giải quyết, xử lý các vướng mắc trong quá trình thiết lập, vận hành kênh bán hàng; bên cạnh việc thiết lập ngành hàng riêng cho các sản phẩm nông sản Việt OCOP trên TikTok Shop.

Đặc biệt, TikTok sẽ hợp tác cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương thí điểm số hóa một số làng nghề truyền thống và hỗ trợ hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, loại hình thủ công mỹ nghệ cho các nghệ nhân thông qua các công cụ sáng tạo trên nền tảng.

Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp - cho rằng, nếu chỉ duy trì kinh doanh nhỏ, lẻ thì các chủ thể OCOP khó thể nào phát triển rộng khắp. Vì vậy, với hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, TikTok cùng các nền tảng tương tự chính là cầu nối để người dân mua sắm dễ dàng và tiện lợi hơn, qua đó mở ra cơ hội tiềm năng cho các chủ thể OCOP khẳng định thương hiệu địa phương.

Đặc biệt, thông qua sự sáng tạo của các KOL, chúng ta có thể làm mới từ những câu chuyện quen thuộc, nâng tầm giá trị nội hàm cho đặc sản quê hương đất nước, từng bước hướng ra thị trường trong khu vực và quốc tế.

Về phương hướng hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam, nhấn mạnh 3 dịch vụ nổi bật, xuyên biên giới của TikTok, gồm: Cung cấp thông tin, thương mại điện tử và quảng cáo. Ông cho rằng, việc kết hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chương trình truyền thông hiện đại, bắt kịp xu hướng chính là nhằm giúp các chủ thể OCOP thu hẹp khoảng cách công nghệ, hướng đến đông đảo đối tượng khách hàng hơn, lan tỏa nhóm đặc sản nội địa chất lượng, nhất là khi môi trường mạng xã hội ngày càng bão hòa, yêu cầu nội dung nghiêm túc song vẫn đảm bảo đa dạng, thú vị và lôi cuốn./.