Số giải thưởng về KH&CN đợt 5 không nhiều, nhưng giá trị cao

Không hạn định số lượng, chỉ căn cứ vào chất lượng, giá trị của công trình là nguyên tắc xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (KH&CN) lần này. Do đó, 16 công trình được chọn đều rất xứng đáng trên mọi phương diện
Giáo sư - tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang. Ảnh Lê Hằng
Giáo sư - tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang. Ảnh Lê Hằng

Đó là khẳng định của Giáo sư - tiến sỹ khoa học (GS-TSKH) Vũ Minh Giang với tư cách là Ủy viên Hội đồng cấp nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước lĩnh vực lịch sử - văn hóa.

Xin GS cho biết ấn tượng nổi bật của ông về giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN đợt 5 sắp được trao?

- Nét nổi bật rất dễ nhận ra trong lần trao giải này là số giải, số công trình và cụm công trình được đề nghị xét giải không nhiều. Trong 102 công trình và cụm công trình được các bộ, ngành, địa phương gửi lên qua vòng sơ tuyển, các hội đồng ngành và liên ngành đã thẩm định chặt chẽ và chọn ra được 61 công trình đề nghị xét giải, cuối cùng 16 công trình được chọn trao giải.

Theo quy định, các công trình đề nghị xét giải phải đảm bảo 3 tiêu chí: Xuất sắc về KH&CN; có đóng góp rõ ràng về mặt khoa học; có ý nghĩa thực tiễn và hiệu ứng xã hội. Những tiêu chí trên bao trùm lên cách làm việc hội đồng vì đây là giải thưởng cao nhất về KH&CN, các công trình đoạt giải phải xứng là diện mạo KH&CN quốc gia trong một giai đoạn.

Trong lần xét giải này, cách bỏ phiếu cũng rất đặc biệt. Mỗi ủy viên hội đồng thể hiện chính kiến công khai, ký tên vào từng lá phiếu ghi rõ mọi thông tin về mình, chịu trách nhiệm về lá phiếu của mình chứ không bỏ phiếu kín. Theo tôi, hội đồng đã làm việc khách quan và có trách nhiệm với từng lá phiếu, góp phần nâng cao hơn uy tín của giải thưởng.

Theo GS, đâu là nguyên nhân khiến số giải thưởng đợt này không nhiều, một số lĩnh vực thiếu vắng công trình tham dự?

- Kết quả bỏ phiếu với 16/61 công trình được chọn đã khiến hội đồng lặng đi một lúc; nhưng trong cuộc trao đổi sau đó, hội đồng thống nhất rằng những công trình được chọn đều rất xứng đáng trên mọi phương diện về tiêu chí, uy tín khoa và ảnh hưởng quốc tế.

Nguyên tắc xét giải là không hạn định số lượng, ngành này, ngành kia phải có bao nhiêu công trình mà quan trọng là có xứng đáng không. Việc chọn ra 16 công trình để trao giải hoàn toàn không lệ thuộc bất cứ khuôn mẫu nào về số lượng.

Việc một số lĩnh vực hoàn toàn thiếu vắng trong đợt trao giải này - chẳng hạn văn học - là rất đáng tiếc. Nguyên nhân là 11 công trình đưa lên được Hội đồng văn học khẳng định là xuất sắc như nhau, không tìm ra được một công trình trội hơn, khiến số phiếu bị phân tán.

GS đánh giá như thế nào về giá trị thực tiễn của các công trình đoạt giải thưởng đối với xã hội?

- Những công trình được đề nghị xét giải thưởng đều đã có ảnh hưởng trong giới khoa học và xã hội bởi theo quy định, công trình phải được công bố ít nhất 3 năm. Ví dụ, cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” của GS Mai Trọng Khoa đã góp phần cứu hàng nghìn người bệnh, ứng dụng được công nghệ hiện đại nhất thế giới cho cơ thể người Việt Nam, giải quyết bài toán hạ giá thành, giúp nhiều người có cơ hội chữa trị bằng phương pháp đó.

Về khoa học xã hội, nhân văn, công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam: Tiếp cận bộ phận” của GS Phan Huy Lê đã có đóng góp rất lớn trong đấu tranh chủ quyền. Việc làm hồ hơ đề nghị UNESCO công nhận di sản Hoàng thành Thăng Long nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long cũng dựa trên nền tảng, cơ sở khoa học từ công trình nghiên cứu này của GS Lê.

Xin cảm ơn GS!