Sở GD&ĐT có biện pháp gì khi phụ huynh quá khích?

VietTimes – Mối bất hòa sâu sắc trong việc thu học phí những ngày học sinh nghỉ tránh dịch COVID-19 của khối trường ngoài công lập vẫn đang tiếp diễn “nóng bỏng”. Sở GD&ĐT có biện pháp gì khi phụ huynh quá khích?
Sở GD&ĐT có biện pháp gì khi phụ huynh quá khích tiếp tục đi kiện dù năm học đã tiếp tục (Ảnh: PH)
Sở GD&ĐT có biện pháp gì khi phụ huynh quá khích tiếp tục đi kiện dù năm học đã tiếp tục (Ảnh: PH)

Ảnh hưởng hình ảnh ngành Giáo dục

Suốt thời gian dài vừa qua, đã xảy ra sự bất đồng quá lớn giữa các phụ huynh và Hội đồng đầu tư, Hội đồng điều hành các trường ngoài công lập. Nguyên nhân chính dẫn đến không đồng thuận là cách thu học phí trong thời gian học sinh nghỉ tránh dịch COVID-19 hơn ba tháng liền.

Phụ huynh nhiều trường đã gửi đơn đến Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT, UBND các thành phố để “đòi lại sự công bằng, tôn trọng”.

Cụ thể, Sở GD&ĐT TP.HCM đã nhận được đơn cầu cứu từ phụ huynh Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS), Trường Quốc tế Australia (AIS Saigon) và Trường Sao Việt (VStar School).

Trả lời VietTimes về vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định: “Các trường gửi tới Sở là đơn phản ánh, chứ không phải đơn khiếu nại hay tố cáo. Hình thức xử lý đơn phản ánh với đơn tố cáo, khiếu nại là khác nhau” – Ông Nam nói.

Mâu thuẫn lớn nhất xoay quanh việc thay đổi học phí từ dạy trực tiếp sang trực tuyến tại các trường ngoài công lập, theo phản ánh từ phụ huynh, thì Hội đồng điều hành nhà trường đã không thông qua ý kiến phụ huynh trước khi tiến hành.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nói về mâu thuẫn khó hòa giải (Ảnh: Hòa Bình)
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nói về mâu thuẫn khó hòa giải (Ảnh: Hòa Bình)


Đại dịch COVID-19 là chưa từng có tiền lệ, dẫn đến nhiều khó khăn, căng thẳng trong cuộc sống của người dân.

“Mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường đã dẫn đến các buổi tụ tập đông người, treo nhiều băng rôn, biểu ngữ, đi biểu tình phản đối chính sách của nhà trường… gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, hình ảnh và môi trường đầu tư của thành phố” - Ông Nam thừa nhận việc phụ huynh khối trường ngoài công lập gây ồn ào làm ảnh hưởng đến hình ảnh ngành giáo dục và rất khó để hài hòa quyền lợi giữa các bên.

Có hay không sự quá khích từ phía phụ huynh?

Ông Lê Hoài Nam cho biết dù Sở GD&ĐT đã quyết liệt trong khâu xử lý với tình hình, thì vẫn có một số khó khăn khách quan.

Ông Nam bày tỏ: “Có một số phụ huynh không hợp tác với nhà trường và cơ quan chức năng. Họ muốn tiếp tục tổ chức các cuộc tụ tập đông người có sử dụng băng rôn, chụp hình tạo dư luận trên mạng xã hội. Đã có phụ huynh thể hiện sự quá khích trong quá trình đấu tranh, phản đối các chính sách mới thay đổi của nhà trường. Thậm chí có phụ huynh tuyên bố không cần thắng chỉ cần làm trường mất uy tín”.

Ông Lê Hoài Nam lý giải sự việc căng thẳng và đưa nhận định
Ông Lê Hoài Nam lý giải sự việc căng thẳng và đưa nhận định


Theo ông Nam lý giải, hầu hết các trường ngoài công lập có trụ sở chính đóng ở nước ngoài, nghĩa là họ là chủ đầu tư nước ngoài, mà trên thế giới đang xảy ra đại dịch COVID-19 nên việc quyết định thay đổi chính sách gặp nhiều trở ngại.

Cũng theo ông Lê Hoài Nam, ngay từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra Sở đã có hướng dẫn các trường về việc thay đổi các khoản thu. Trong đó, có yêu cầu các trường ngoài công lập có quy định thu hợp lý dựa trên sự thỏa thuận với phụ huynh. Ở góc độ pháp lý, ông Nam cho biết thêm, theo Nghị định 86 của Chính phủ quy định cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí. Vì vậy theo bản chất đây là hợp đồng dân sự mà các bên thỏa thuận là nhà trường và phụ huynh.

“Theo Điều 420 Luật Dân sự cho phép cơ sở giáo dục ngoài công lập thu học phí theo mức tự quyết định, có sự đồng thuận của hai bên. Trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai hoặc điều kiện thực hiện hợp đồng thay đổi, phát sinh những vấn đề khác thì hai bên giải quyết trên tinh thần thỏa thuận. Trong trường hợp không thỏa thuận được, phụ huynh có quyền không sử dụng dịch vụ của trường, hoặc ngược lại, nhà trường cũng có quyền từ chối cung cấp dịch vụ cho phụ huynh và học sinh” – Ông Nam khẳng định.

Khác với ý kiến của cơ quan quản lý, nhiều phụ huynh các trường khối ngoài công lập cung cấp chứng cứ cho thấy họ đã nhiều lần đến trường với mong muốn xin gặp người có chức trách, đại diện Hội đồng đầu tư, Hội đồng điều hành để đàm phán nhưng đều không được tiếp đón.

Đại diện cơ quan quản lý, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng mâu thuẫn khó hòa giải (Ảnh: Hòa Bình)
Đại diện cơ quan quản lý, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng mâu thuẫn khó hòa giải (Ảnh: Hòa Bình)


Thậm chí, có phụ huynh cung cấp chi tiết đã bị tạt nước từ sau cánh cổng trường đóng kín im ỉm. Mặc dù năm học 2019-2020 đã tiếp tục được vài tuần nay, nhưng  với khối trường ngoài công lập, mâu thuẫn trong việc thu học phí vẫn còn nguyên tình trạng “nóng bỏng”, chưa hề đạt được bất cứ sự thỏa thuận, dàn xếp, đồng thuận nào.

“Thực ra thì cũng có những trường đã đưa ra chủ trương mới bằng chính sách thu 30% học phí nhưng phụ huynh không đồng thuận, vẫn tiếp tục muốn đi kiện” – Ông Nam cho hay.

Trước chất vấn của phóng viên về việc không thể “buông xuôi” để mặc các trường ngoài công lập xoay xở, liệu cơ quan chức năng xử lý sự vụ có quá chậm trễ so với tình hình thực tế, ông Nam khẳng định:

“Một mình Sở GD&ĐT thì không thể hòa giải được mâu thuẫn trong quan hệ trên. Nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra, Sở kiến nghị UBND TP.HCM cho phép thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Thành phố, Cục Thuế, và Công an Thành phố… Đây là tổ chức trọng tài đủ chức năng để hòa giải vấn đề trên giữa phụ huynh và Hội đồng đầu tư, Hội đồng điều hành trường ngoài công lập”, ông Nam nói.