'So găng' Phúc Long Coffee & Tea vs Highlands Coffee, Long Châu vs An Khang, FPT Retail vs MWG...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Phúc Long Coffee & Tea ở đâu so với Highlands Coffee? Long Châu có ăn được An Khang? Bách Hóa Xanh có đè được Winmart? FPT Retail có địch được Thế Giới Di động?...

'So găng' Phúc Long Coffee & Tea vs Highlands Coffee, Long Châu vs An Khang, FPT Retail vs MWG...
'So găng' Phúc Long Coffee & Tea vs Highlands Coffee, Long Châu vs An Khang, FPT Retail vs MWG...

Q&Me mới công bố thống kê về doanh thu trung bình mỗi ngày của các thương hiệu nổi bật trong ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Số liệu trong báo cáo được tính toán dựa trên doanh thu năm, số lượng cửa hàng tính đến tháng 6/2023 mà Q&Me thực hiện đã cho thấy nhiều thông tin đáng thú vị.

Capture.PNG
Nguồn: Q&Me

Trong ngành bán lẻ thực phẩm, Q&Me thực hiện so sánh giữa 3 chuỗi Bách Hóa Xanh, Winmart và Winmart+.

Theo đó, Bách Hóa Xanh đạt doanh thu năm 2022 hơn 27.000 tỷ đồng với quy mô 1.728 chi nhánh. Như vậy, mỗi siêu thị Bách Hóa Xanh thu về khoảng 44,65 triệu đồng/ngày.

Trong khi đó, chỉ với 123 cửa hàng chuỗi siêu thị WinMart đã mang về hơn 209,1 triệu đồng/ngày, gấp 4,68 lần so với Bách Hóa Xanh. Siêu thị nhỏ WinMart+ có 3049 chi nhánh, song doanh thu trên mỗi cửa hàng còn khá hạn chế, chỉ khoảng 18,8 triệu đồng/ngày.

Capture.PNG
Nguồn: Q&Me

Chuỗi bán lẻ ngành F&B chứng kiến sự cạnh tranh ấn tượng giữa 'ông kẹ' Highlands Coffee và tân thành viên của nhà Masan, là Phúc Long Coffee & Tea.

Thống kê của Q&Me cho thấy, mặc dù sở hữu chuỗi cửa hàng rộng khắp lên tới 605 chi nhánh khắp toàn quốc - gấp 4,5 lần Phúc Long, song doanh thu trên mỗi cửa tại Highlands lại kém xa đối thủ.

Cụ thể, doanh thu trên từng cửa hàng của chuỗi Phúc Long đang cao gấp 2 lần so với Highlands. Mỗi ngày, mỗi cửa hàng Phúc Long thu về 32,9 triệu đồng, so với 16,5 triệu đồng của Highlands.

Capture.PNG
Nguồn: Q&Me

Tại ngành bán lẻ dược phẩm, cuộc chiến giữa Long Châu (thuộc FPT Retail) và An Khang (thuộc MWG) cũng cam go không kém. Hai chuỗi này đều tích cực mở rộng quy mô vào nửa đầu năm 2022 nhưng sau đó chậm lại do dự báo tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn.

Theo báo cáo của Q&Me, Long Châu hiện có 937 cửa hàng, trong khi con số này ở An Khang là 500. Doanh thu hàng ngày tại Long Châu cũng áp đảo An Khang lần lượt là 28,2 triệu đồng và 9,4 triệu đồng.

a.PNG
Nguồn: Q&Me

Ở nhóm ngành bán lẻ điện tử - điện lạnh, FPT Retail và MWG là 2 ông lớn được Q&Me đưa lên bàn cân.

Hiện chuỗi Thế Giới Di Động đang có 1.190 cửa hàng, nhiều hơn đối thủ FPT Shop chỉ có 786 cửa hàng. Song, doanh thu trên mỗi cửa hàng lại không chênh nhau quá nhiều. Theo đó, Thế Giới Di Động đạt 79,9 triệu đồng/cửa hàng/ngày trong khi FPT Shop đạt hơn 72,8 triệu đồng/cửa hàng/ngày. Với 2284 chi nhánh, trụ cột của MGW - Điện Máy Xanh cũng đóng góp doanh thu 84,6 triệu đồng/cửa hàng/ngày.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên theo Q&Me, vẫn còn đó những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp chưa thế tối ưu lợi nhuận.

Lưu lượng truy cập từng cửa hàng lớn, song vì giá bán vẫn chưa cao khiến doanh số trung bình của các ông lớn tại Việt Nam vẫn chưa thể so sánh với các quốc gia phát triển.

"Quan trọng hơn cả, chi phí bất động sản đắt đỏ, đặc biệt tại khu vực thành thị cũng là một trong những lý do chính khiến các chuỗi bán lẻ còn gặp nhiều khó khăn", báo cáo nhấn mạnh./.