Sở Du lịch Đà Nẵng nói gì về “Tour 0 đồng”?

VietTimes -- Là địa phương có lượng khách du lịch khu vực Đông Bắc Á tăng trưởng mạnh, đặc biệt là sự xuất hiện của các "tour 0 đồng" đã xuất hiện nhiều vấn đề khiến dư luận người dân Đà Nẵng quan tâm, mong muốn làm rõ. VietTimes đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng về vấn đề này.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng

- Trong thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến dịch vụ “Tour 0 đồng” đưa khách khu vực Đông Bắc Á đến Đà Nẵng. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về loại hình này, ông có thể cho biết bản chất của “Tour 0 đồng” là gì?

 Bản chất của tour giá rẻ hay tour “0 đồng” là chiêu thức cạnh tranh bằng giá để thu hút khách của các công ty lữ hành. Chi phí trong tour (vé máy bay-vận chuyển quốc tế, ăn uống, lưu trú, hướng dẫn viên ...) được bán cho khách với giá hòa vốn, không có lãi, (mà ta gọi là 0 đồng) so với chi phí thực tế công ty lữ hành bỏ ra để tổ chức tour cho khách, chứ không phải 0 đồng với từng dịch vụ đơn lẻ cấu thành nên sản phẩm du lịch.

Loại hình tour này chủ yếu diễn ra ở phân khúc khách đi theo đoàn của thị trường gửi khách đông như Trung Quốc, với tỷ lệ 90% là khách đi theo đoàn và 10% khách đi lẻ và một phần thị trường khách Hàn Quốc với 30% khách đi theo đoàn và 70% xu hướng khách đi lẻ.

Khách du lịch tham gia tour này chủ yếu là khách có nhu cầu mua sắm, họ chấp nhận vào một số điểm mua sắm hoặc sử dụng. Những chi tiêu ngoài tour nêu trên là nguồn thu chủ yếu bù lại chi phí tổ chức tour của công ty lữ hành.

Tóm lại, với tour giá rẻ hoặc 0 đồng, khách du lịch chi trả chi phí thấp để sử dụng các dịch vụ tại điểm đến (visa, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, hướng dẫn viên..) và chi tiêu các dịch vụ ngoài tour (các hoạt động giải trí, mua sắm và các option tour).

Do cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh lữ hành và cạnh tranh điểm đến theo quy luật cung cầu, các công ty lữ hành chấp nhận không lãi, bán tour 0 đồng hoặc lãi ít, bán tour giá rẻ để cạnh tranh, thu hút khách, lợi nhuận bù đắp nhờ vai trò của nhà tổ chức tour đưa khách đến và nhận được phí hoa hồng cao của các nhà cung ứng dịch vụ, thông qua việc đưa du khách đến các cơ sở mua sắm và bán option tour, dịch vụ. 

- Ông vui lòng cho biết tổng quan tình hình khách nước ngoài đến Đà Nẵng trong thời gian qua như thế nào? Nhất là lượng du khách đến Đà Nẵng theo “Tour 0 đồng”. 

 Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng ước đạt 1,6 triệu lượt khách, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó lượng khách Hàn Quốc ước đạt 801.792 lượt, tăng 101% so với cùng kỳ 2017, chiếm tỷ lệ 50% khách quốc tế; lượng khách Trung Quốc ước đạt 368,086 lượt, tăng 36% so với cùng 2017, chiếm tỷ lệ 23% khách quốc tế.

Bên cạnh đó, lượng khách Nhật Bản chiếm vị trí thứ 3 trong cơ cấu khách quốc tế đang từng bước tăng trưởng nhanh với việc đưa vào khai thác các đường bay trực tiếp (11 chuyến/tuần), đồng thời với chính sách thuận lợi về visa, mở cửa bầu trời, đã từng bước thu hút thị trường khách Tây Âu đến Đà Nẵng, góp phần gia tăng nguồn khách có chất lượng cao đến Đà Nẵng

Đối với lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng theo tour giá rẻ  hiện nay trên địa bàn thành phố chủ yếu diễn ra tại phân khúc thị trường khách Trung Quốc do có hơn 90% tỷ lệ khách đi theo đoàn. Riêng đối với thị Hàn Quốc với tỷ lệ 70% khách đi lẻ, tự tổ chức chuyến đi theo nhóm hoặc gia đình, phần lớn lưu trú tại phân khúc khách sạn 4-5 sao, sử dụng  dịch vụ cao cấp.

Du khách mua hàng tại một điểm kinh doanh trong chuỗi tour du lịch tại Đà Nẵng
 Du khách mua hàng tại một điểm kinh doanh trong chuỗi tour du lịch tại Đà Nẵng 

- Khách Trung Quốc đến Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, họ gần như không chi tiêu gì, vậy đâu là vấn đề?

 Khách du lịch TQ tới VN chiếm tỉ trọng khoảng 28-30% tổng lượng khách quốc tế (Đà Nẵng khoảng 23%, trong 6 tháng đầu năm 2018). Họ chi trả chi phí tour cho các công ty lữ hành và chi phí ngoài tour thông qua các hoạt động giải trí, mua sắm và các tour tự chọn (optional).

Khách du lịch chi trả chi phí mua tour và các chi phí ngoài tour cho điểm đến khi sử dụng các dịch vụ cung ứng tại điểm đến trong tour (chi phí nhập cảnh, vé máy bay, lệ phí sân bay, khách sạn, nhà hàng, vé tham quan) và ngoài tour (giải trí, mua sắm, tour optional)...

Thị trường khách du lịch Trung Quốc là thị trường rộng lớn, với dân số đông, có nhiều dòng khách với chất lượng, khả năng chi tiêu, sức mua khác nhau. Đối với những tỉnh, thành của có đường biên giới với Việt Nam, lượng khách bình dân, khách có thu nhập thấp chiếm số lượng lớn khi đi qua các cửa khẩu đường bộ.

Tuy nhiên, đối với Đà Nẵng thì chỉ khai thác khách Trung Quốc qua đường bay và đường biển, tập trung các dòng khách khách trung và cao cấp, đến từ các thành phố cấp 1 như: Nam Kinh, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thành Đô, Quảng Châu,  Hàng Châu, Tô Châu, Thiên Tân, Vũ Hán, một số đường bay được duy trì hiệu suất cao trong hơn 5 năm qua với nguồn khách có chi tiêu cao.

Đối với những thành phố cấp 2, 3 thậm chí cấp 4, nếu mới có đường bay đến Việt Nam, sẽ có nhiều khách thuộc tầng lớp khá giả đi du lịch theo đoàn.

Đặc biệt, sau Tuần lễ cấp cao APEC, đã tạo hiệu ứng lan tỏa tỏa thu hút dòng khách MICE quốc tịch Trung Quốc (bao gồm tour shopping và no shopping), đây là dòng khách có chất lượng cao, lưu trú và sử dụng dịch vụ tại các khách sạn 5 sao và resort, đồng thời, có khả năng chi tiêu cho mua sắm, sử dụng dịch vụ cao cấp.

Qua đó, cần phải khẳng định thị trường khách Trung Quốc tới là thị trường nguồn có khả năng chi tiêu, mua sắm nhiều. Vấn đề ở đây là cần xác định rõ bản chất, mặt tích cực và hạn chế của tour giá rẻ, tour 0 đồng để có giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển điểm đến để khai thác hiệu quả các thị trường khách nêu trên, đóng góp vào sự phát triển bền vững của điểm đến. 

- Khách đến nhưng không chi tiêu thì chúng ta được hưởng lợi gì? Hay họ chỉ mượn đất của ta để kinh doanh?

 Nhìn chung, tour giá rẻ đáp ứng nhu cầu của phân khúc thị trường khách nhất định, phù hợp với khả năng cung ứng dịch vụ ở mức độ trung bình của điểm đến (ví dụ các khách sạn 2-3*). Đối với điểm đến, tour du lịch giá rẻ tăng lượng khách đến, tạo ra doanh thu, việc làm, khuyến khích sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa tại chỗ.

Đối với các hãng hàng không, tour du lịch giá rẻ giúp tăng khả năng thu hút khách, duy trì sự ổn định các đường bay. Tour du lịch giá rẻ đã góp phần làm tăng lượng khách vào mùa thấp điểm, giúp các nhà đầu tư du lịch có nguồn thu ổn định, thu hồi vốn nhanh. 

Tại Đà Nẵng, lượng khách đông đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh tại các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch. Công suất buồng phòng bình quân khách sạn 4-5 sao và tương đương đạt 65-70%, tăng từ 3-5% so với cùng kỳ năm 2017 và khối khách sạn 3 sao và tương đương, căn hộ biệt thự du lịch đạt 48-50%, tương đương so với cùng kỳ 2017. 

Tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 13.925,519 tỷ đồng, tăng 52,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ước tổng thu các khu điểm du lịch đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 33,9% so cùng kỳ; ước tổng thu cơ sở lưu trú đạt 5.300 tỷ đồng tăng 38% (trong đó, các điểm khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc thường xuyên tham quan như: Bà Nà đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 51% cùng kỳ 2017; Bảo tàng Đà Nẵng đạt 2,2 tỷ đồng, tăng 100% cùng kỳ 2017; Bảo tàng Điêu khắc Chăm đạt 8,3 tỷ đồng, tăng 27% cùng kỳ 2017).

Ngoài ra, phí visa khách Trung Quốc phải chi trả trong 6 tháng năm 2018 ước đạt 211,6  tỷ đồng (25USD /người). Bên cạnh đó, du khách còn chi tiêu thông qua các dịch vụ mua sắm, các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, ăn uống, sử dụng các dịch vụ du lịch khác, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa tại chỗ. 

Nhìn chung, đối với tour giá rẻ hay tour 0 đồng thì các đơn vị lữ hành phải chịu rủi ro cao do lợi nhuận “đặt cược” vào chi tiêu mua sắm của khách. Do đó, các doanh nghiệp du lịch đưa khách đến các cơ sở dịch vụ khép kín, sử dụng người nước ngoài hoạt động trái phép, bán hàng hóa không rõ xuất xứ, kém chất lượng với giá cao hơn thực tế. Bên cạnh đó, việc quản lý các giao dịch thanh toán và thu thuế gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Tuy nhiên, ở góc độ điểm đến như phân tích ở trên với từng dịch vụ đơn lẻ, vẫn mang lại nguồn thu cho xã hội. Vì vậy, nếu quản lý tốt từ khâu hướng dẫn viên đến điểm mua sắm sẽ hạn chế được tác hại với điểm đến, kích thích sản xuất tiêu dùng tại chỗ, quản lý tốt các giao dịch thanh toán, nghĩa vụ thuế và đảm bảo lợi ích cho du khách. 

Bên cạnh hoạt động quản lý nhà nước về lữ hành và hướng dẫn viên, mấu chốt là cần quản lý và kiểm soát các giao dịch trong chuỗi cung ứng dịch vụ, đặc biệt là hoạt động mua sắm. Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn có khoảng hơn 40 cơ sở mua sắm, thường xuyên phục vụ khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc.

Do đó, cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng như Công thương, Quản lý thị trường để đảm bảo chất lượng, xuất xứ hàng hóa, có niêm yết và bán đúng giá niêm yết; Ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố đảm bảo quản lý chặt chẽ các giao dịch thanh toán điện tử như WeChat, Alipay hoặc QR CODE và đặc biệt là của ngành Thuế, đảm bảo không thất thoát thuế tại các điểm mua sắm này, góp phần tạo nguồn thu từ các hoạt động mua sắm tại đây. 

Ngoài ra, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc khai báo tạm trú kết hợp giám sát chặt chẽ việc giao dịch chuyển tiền giữa các doanh nghiệp lữ hành và đối tác, kết hợp đối chiếu kiểm tra chứng từ để ngăn chặn việc thất thu thuế tại các đơn vị kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú. 

Một cơ sở mua sắm khép kín sử dụng các giao dịch thanh toán điện thử cho du khách mua hàng
 Một cơ sở mua sắm khép kín sử dụng các giao dịch thanh toán điện thử cho du khách mua hàng

- Vậy ngành du lịch và các lực lượng liên ngành sẽ làm gì để kiểm soát tình trạng này trong thời gian tới?

Trong thời gian vừa qua, thị trường khách khu vực Đông Bắc Á đến Đà Nẵng rất đông, tăng trưởng từ 20-30%, thậm chí lên đến 40-50%. Nên việc tăng trưởng khiến áp lực dịch vụ và thiếu lượng hướng dẫn viên, và việc này đã xuất hiện tình trạng hướng dẫn viên trái phép. 

Để kiểm soát tình trạng trên, đặc biệt là mặt hạn chế của tour giá rẻ, Sở Du lịch đã tham mưu thành phố triển khai kế hoạch liên ngành để tăng cường công tác quản lý điểm đến, tăng cường thanh tra kiểm tra, kiểm soát các hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, kịp thời phát hiện những sai phạm và xử lý theo đúng quy định pháp luật. 

Hiện nay, Sở đang tiếp tục triển khai kế hoạch vận động các cơ sở mua sắm lập thủ tục xét công nhận cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, chú trọng vận động các đơn vị thường xuyên phục vụ khách Trung Quốc, Hàn Quốc (tính đến nay đã có 43 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn trên địa bàn thành phố); công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để du khách biết sử dụng. Tăng cường thông tin quảng bá điểm đến, đặc biệt là giới thiệu các đặc sản địa phương, hàng Việt Nam chất lượng cao, quảng bá, giới thiệu thông tin các điểm mua sắm truyền thống như chợ Hàn, chợ Cồn tới các hãng lữ hành, du khách…

Ngoài ra, Sở Du lịch phối hợp Hiệp hội du lịch, Hội Lữ hành, CLB HDV nghiên cứu hình thành chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch; nghiên cứu, xây dựng và triển khai Tiêu chuẩn tối thiểu của dịch vụ (giá sàn) trong chương trình tour giá rẻ thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc…

Bên cạnh đó, Sở cũng hoàn thiện, triển khai Kế hoạch hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao năng lực của các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên, đặc biệt là các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên khai thác khách Trung Quốc, Hàn Quốc. Về lâu dài, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố Chiến lược Quản lý và Phát triển điểm đến Đà Nẵng theo hướng Chất lượng cao để khai thác các thị trường khách cao cấp, có khả năng chi trả cao như du lịch M.I.C.E, Golf (hiện nay một số đơn vị có khai thác dòng khách TQ đánh Golf), nghỉ dưỡng cao cấp…

Đồng thời, triển khai Kế hoạch mở rộng thị trường để phòng ngừa rủi ro do biến động thị trường khách, tránh phụ thuộc vào 01 – 02 thị trường khách. Mục tiêu trong giai đoạn 2018 – 2020, sẽ đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng khai thác thị trường khách Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Tây Âu và Nga, đây là các thị trường khách quốc tế tiềm năng của thành phố Đà Nẵng.

Ngành Du lịch Đà Nẵng kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm soát các hoạt động thanh toán và kinh doanh tại các điểm kinh doanh khép kín trên địa bàn
Ngành Du lịch Đà Nẵng kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm soát các hoạt động thanh toán và kinh doanh tại các điểm kinh doanh khép kín trên địa bàn 

Với hoạt động phối hợp liên ngành, Sở Du lịch đã tham mưu UBND thành phố để phối hợp với Sở Công Thương, Cục thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng triển khai các hoạt động quản lý nhà nước tại các điểm mua sắm du lịch về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá, giao dịch ngoại tệ và thực hiện nghĩa vụ về thuế, sử dụng hóa đơn tài chính.

Đề nghị Công an thành phố chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện tập trung triển khai rà soát, kiểm tra đăng ký tạm trú của người nước ngoài và đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố. Đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài làm việc tại thành phố, góp phần phát hiện và xử lý tình trạng người nước ngoài hoạt động du lịch trái phép trên địa bàn thành phố. 

- Xin cảm ơn ông!