Slovakia: Sử dụng kính thực tế ảo để chữa bệnh về mắt

Một phòng khám tại Slovakia đang thử nghiệm phương pháp chữa trị bệnh nhược thị bằng kính thực tế ảo VR. Những kết quả ban đầu cho thấy phương pháp này rất khả quan.
Bác sĩ đang điều trị bằng kính thực tế ảo
Bác sĩ đang điều trị bằng kính thực tế ảo

Chứng bệnh nhược thị, hoặc bệnh mắt lười, từ lâu đã được coi là một bệnh không thể chữa khỏi ở người lớn. Căn bệnh này thường xảy ra ở những bệnh nhân viễn thị, khi não bộ ngừng thu nhận mọi dữ liệu hình ảnh từ mắt có tật và chỉ nhận hình ảnh từ mắt lành lặn.

Theo Reuters, những người không may mắc phải chứng bệnh này khó có thể cảm nhận được không gian ba chiều, nặng hơn có thể bị nhược thị một bên mắt.

Tuy nhiên, phòng khám UVEA tại Martin, bắc Slovakia đã thử nghiệm phương pháp điều trị mới sử dụng kính thực tế ảo VR và trò chơi điện tử để chữa trị bệnh nhược thị.

Bác sỹ Anders Rustand Holm chia sẻ: "Bệnh nhân sẽ đặt kính VR với hình ảnh khác nhau ở mỗi bên mắt kính và bắt đầu chơi trò chơi điện tử, có thể là điều khiển tàu vũ trụ hay ném bóng rổ. Chúng ta có thể cải thiện thị lực bằng cách ép mắt lười phải hoạt động cùng mắt khỏe mạnh. Bạn sẽ phải sử dụng cả hai mắt để chơi. Bạn đang huấn luyện cả hai mắt phải hợp tác với nhau".

Slovakia: Sử dụng kính thực tế ảo để chữa bệnh về mắt ảnh 2

Điều đáng vui mừng hơn, Holm khẳng định nhiều bệnh nhân sau khi thử nghiệm phương pháp mới đã thấy những tiến triển đáng kể. Tính từ năm 2015 tới nay, phòng khám đã điều trị cho hơn 300 bệnh nhân bị mắc chứng mắt lười.

Patrik Turek, một công nhân xây dựng 21 tuổi không may mắc bệnh mắt lười cho hay: "Tôi từng nản lòng khi nhiều người bảo tình trạng mắt của tôi khó có thể chữa trị được. Nhưng tôi đã thử phương pháp điều trị mới này trong một tháng, tầm nhìn của tôi đã được cải thiện đáng kể bằng việc nhìn được một dòng trong bảng kiểm tra mắt".

Các bác sỹ điều trị khẳng định, phương pháp mới hoạt động hiệu quả nhất trên trẻ 6-7 tuổi. Trong khi đó, hầu hết những người được chuẩn đoán bệnh lần đầu tiên đều đã đi học, và thời điểm đó có thể đã quá muộn.

Được biết, các bác sỹ đã sử dụng mẫu kính thực tế ảo Oculus Rift của Facebook và phần mềm của công ty Vivid Vision.

Phòng khám trên tại Slovakia là nơi đầu tiên trên thế giới công bố các kết quả thử nghiệm lâm sàng chữa trị bệnh mắt lười bằng kính VR. Công bố trên đã được đăng tải trên tạp chí chuyên khoa BMC Ophthalmology vào hồi tháng 6/2017.

Theo VnReview

http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2281557/slovakia-su-dung-kinh-thuc-te-ao-de-chua-benh-ve-mat