SLNA, S.Khánh Hòa buồn hay vui khi lọt “Top 10 CLB dùng ít cầu thủ nhất”?

VietTimes --Tổ chức thống kê bóng đá và thể thao thế giới CIES (International Centre for Sports Studies Football Observatory) đưa SLNA vào “Top 10 CLB dùng ít cầu thủ nhất”. Buồn hay vui?
S.Khánh Hòa và SLNA vào “Top 10 CLB dùng ít cầu thủ nhất” 5 mùa giải vừa qua. Ảnh VT
S.Khánh Hòa và SLNA vào “Top 10 CLB dùng ít cầu thủ nhất” 5 mùa giải vừa qua. Ảnh VT

Khá nhiều trang báo hồ hởi với thống kê của CIES về số lượng cầu thủ mà những đội bóng chuyên nghiệp trên thế giới sử dụng khi thi đấu, tính trong 5 mùa giải gần nhất, từ mùa 2015 đến mùa 2019 có tên SLNA, S.Khánh Hòa.

Ngẫm lại thành tích

Hơn ai hết, cổ động viên S.Khánh Hòa thấu hiểu các giá phải trả khi giờ đây họ đang phải lặn ngụp ở giải hạng Nhất và không biết ngày nào mới trở lại V.League. Trước khi xuống hạng thì vị trí trên bảng xếp hạng của đội bóng thành phố biển lần lượt là 5,7,6,3 so với SLNA thì họ vẫn còn may mắn hơn mùa V.League 2018 được nằm trong tốp có huy chương. Nhưng chính vì tấm huy chương đó, mà HLV Võ Đình Tân tin rằng các “lão tướng” Khánh Hòa vẫn còn đủ thể lực để thi đấu và ngay mùa sau đã phải trả giá.

Với SLNA thành tích 5 mùa giải gần đây lần lượt là 7,11,8,4 và 7. Như vậy 5 năm qua, thành tích tốt nhất của đội bóng xứ Nghệ chỉ là thứ 4. Với kinh phí 70 tỷ đồng/năm họ cũng không thể coi là “con nhà nghèo” khi so với Nam Định, HAGL và Hải Phòng…

Người ta tính toán với 26 vòng đấu như kiểu V.League, mỗi mùa các đội bóng Việt Nam nên tung ra khoảng 20-21 cầu thủ ra sân. Ngoại trừ các cầu thủ sung sức kiểu Hùng Dũng (Hà Nội FC), Trọng Hoàng (Viettel), Hoàng Thịnh (TP.HCM) thì các cầu thủ nội ra sân trung bình 20-22 trận/mùa cho đấu trường V.League là vừa sức.

Như vậy, có thể nói việc SLNA, S.Khánh Hòa chỉ dùng 50 cầu thủ trong 5 mùa giải, với những thành tích èo uột như thế thì đáng buồn hơn là vui. Nó thể hiện sự bất cập trong việc sử dụng cầu thủ của các nhà cầm quân, điển hình nhất là HLV Võ Đình Tân bất lực nhìn con tàu S.Khánh Hòa “cạn pin” đắm dần mà đành chịu. SLNA cũng có những mạch trận đá mãi mà không thắng, suốt cả mùa giải chỉ dàn quân cố kiếm 1 trận 1 điểm.

Nhìn ra xung quanh

Ngay cả đội SHANGHAI SIPG chỉ dùng 48 cầu thủ trong 5 mùa giải gần đây thì thành tích cũng chỉ ở nửa cuối bảng xếp hạng (năm ngoái đứng 12/16). Trước hết là giải vô địch Trung Quốc (16 đội), Việt Nam (14 đội) nên số trận thi đấu 1 mùa giải ít hơn nhiều so với châu Âu 18 hoặc 20 đội. Điều khách quan này cho phép họ có thể dùng số cầu thủ ít hơn.

Tại giải Chinese Super League trước đây cho thuê 5 ngoại binh, có kèm 1 cầu thủ đến từ châu Á (công thức 4+1). Các CLB Trung quốc bỏ ra tiền lương cao ngất trời để thuê các ngôi sao lớn tuổi thi đấu nên trừ chấn thương, họ luôn được ưu tiên thi đấu.

Tiền đạo người Brazil có số trận thi đấu tại 3 mùa giải gần đây nhất lần lượt là  22, 29, 28 trận (tối đa 30 trận). Ngay cả tiền đạo 32 tuổi Akhmedov (Uzbekistan) cũng ra sân 20,19,17 trận. Thi đấu nhiều nhất chính là thủ môn 29 tuổi Yan Junling trong 6 năm qua chỉ nghỉ đúng một trận duy nhất. Chắc hẳn một điều HLV Vítor Pereira sẽ không mấy quan tâm đến “kỷ lục” này mà ông phải xoay vòng 35 cầu thủ có trong tay để CLB có mặt ở tốp trên BXH.

Vài dòng lo lắng

Với SLNA việc chỉ dùng 50 cầu thủ trong 5 mùa V.League là câu chuyện buồn hơn là vui cho chính cả cầu thủ và cổ động viên. Đội bóng xứ Nghệ không phải đứng vào tình cảnh có nhiều cầu thủ đẳng cấp, mặc nhiên được ra sân như các CLB khác. Ngoại binh cũng “chân gỗ” hết sức nhưng lỡ mua, nên mặc nhiên được ra sân và SLNA là số ít dùng tiền đạo ngoại để phòng ngự.

Chưa kể, công tác đào tạo trẻ tại sân Vinh cũng đang có vấn đề. Nhiều năm nay, gần như U21 SLNA không cung cấp được nguồn cho đội 1 nên HLV Quang Trường, Đức Thắng cứ phải quay đi, quẩn lại với các khuôn mặt cũ.

Phần các HLV của SLNA đều  dùng người theo lối mòn nên không dám cách tân 6 thủ môn Lê Văn Hùng (1992), Dương Văn Cường (1999), Trần Văn Tiến (1994), Hồ Văn Tú (1995), Hồ Viết Đại (2000), Lê Quang Đại (1993) nên khi thủ môn Nguyên Mạnh chấn thương hay nghỉ thi đấu cho SLNA đều phải tìm kiếm khuôn mặt từ đội khác về “gác gôn”. Nếu nói không đủ trình độ chuyên môn thì việc gì phải giữ lại nhiều thủ môn dự bị như thế? (Hiện chỉ Quang Đại đã rời đội).

Ở hàng hậu vệ Thành Lâm (sinh năm 2000) không biết bao giờ mới được ra sân khi đàn anh Thế Nhật (sinh năm 1991) năm thứ 6 đá V.League cũng chỉ 7 lần ra sân tại V.League 2019. Hàng phòng ngự thì số phận của Thái Bá sang (1999) không biết có khá hơn hay không, chỉ HLV Quang Trường mới trả lời được?

Năm nay SLNA “chấp thứ hạng” nhưng ngoài Văn Lắm, Đình Châu thì Ngọc Ánh, Văn Việt, Sỹ Hoàng được ra sân bao nhiêu trận để tích lũy kinh nghiệm là điều mà BHL SLNA cần phải tính toán.