Singapore tận lực hỗ trợ doanh nghiệp trong nước chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, chính phủ Singapore đã đưa ra một số biện pháp nhằm tăng tốc chuyển đổi số và mở rộng hoạt động ở nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước.
Các doanh nghiệp Singapore được chính phủ đặc biệt hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số (Ảnh: EY)
Các doanh nghiệp Singapore được chính phủ đặc biệt hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số (Ảnh: EY)

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều công ty ở Singapore muốn chuyển hướng sáng mô hình kinh doanh kết hợp online-offline, sự thành công của họ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào việc áp dụng các công nghệ số để sáng tạo và phát triển.

Trong số những sáng kiến mà chính phủ Singapore đưa ra có Chương trình Giám đốc Kỹ thuật (CTO) as-a-Service (viết tắt là CTOaaS) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hiểu rõ sự cần thiết của chuyển đổi số, và Chương trình Thủ lĩnh số (DLP) với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng trở thành những thủ lĩnh số và nắm bắt được những cơ hội phát triển mới.

Chính phủ cũng phân bổ nguồn vốn 24 tỉ đôla Singapore (18,1 tỉ USD) trong vòng 3 năm tới để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển dịch giai đoạn hậu COVID-19. Là một phần trong ngân sách quốc gia 2021, chính phủ nước này cũng chi riêng khoản tiền 11 tỉ đôla Singapore (8,3 tỉ USD) để tăng cường các chương trình cho vay vốn, chương trình nâng cấp kỹ năng cho người lao động và trợ cấp lương…

3 chiến lược tăng tốc chuyển đổi số

Singapore hiện đặt ra 3 chiến lược để tăng tốc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong nước. Thứ nhất là tăng phạm vi chuyển đổi số, trong đó cung cấp cho SME các nguồn lực và sự tư vấn cần thiết. Thứ hai là phát triển thủ lĩnh số, xây dựng một nhóm các doanh nghiệp cốt lõi đủ sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. Cuối cùng là khuyến khích các sản phẩm và mô hình kinh doanh mới, giúp đỡ các doanh nghiệp tăng trưởng và sáng tạo.

Trong chiến lược đầu tiên, chính phủ Singapore đưa ra chương trình CTOaaS, cho phép các SME chia sẻ sự tư vấn từ các chuyên gia công nghệ thông tin (IT) để nhận được các giải pháp đầu cuối, dựa trên tình hình cụ thể của công ty họ. Các chuyên gia tư vấn này có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu và an ninh mạng.

Thêm vào đó, các chuyên gia tư vấn sẽ được điều phối bởi các công ty IT được chỉ định bởi Cơ quan Phát triển Thông tin truyền thông (IMDA) và sẽ được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm và danh tiếng của họ trong từng ngành nghề. Dịch vụ này sẵn có đối với các SME đăng ký trực tuyến trên mạng.

Trong khi đó, chiến lược thứ hai, DLP, tìm cách nhận dạng các công ty có triển vọng và cung cấp cho họ nguồn lực để chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh. DLP sẽ hỗ trợ các công ty tạo dựng chuyên môn, trong đó bao gồm việc thuê nhân tài lĩnh vực công nghệ số, phát triển và thực hiện những lộ trình chuyển đổi số. Chương trình này ban đầu sẽ hỗ trợ 80 công ty.

Chiến lược cuối cùng là khuyến khích sáng tạo các sản phẩm và đưa ra mô hình kinh doanh mới. Nhằm đẩy nhanh tốc độ sáng tạo số và thúc đẩy hợp tác, chính phủ Singapore đã tăng cường sáng kiến Nền tảng Sáng tạo Mở (OIP). OIP được khởi động từ năm 2018 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực cần thiết để sáng tạo hiệu quả.

Chính phủ Singapore hy vọng rằng OIP sẽ làm tăng thêm sự chung tay sáng tạo giữa các doanh nghiệp, tăng cường sự phát triển các sản phẩm gốc mới, giảm thời gian thương mại hóa sản phẩm và dịch vụ.

Giảm thuế đối khi mở rộng hoạt động ra nước ngoài

Các công ty Singapore hiện đang ra sức tìm cách mở rộng hoạt động ra nước ngoài để có thể hưởng lợi từ Chương trình Giảm thuế Gấp đôi dành cho Quốc tế hóa (DTDi) – giảm thuế tới 200% đối với chi phí mở rộng hoạt động ra nước ngoài.

Phần lớn sự giảm thuế theo chương trình DTDi cần được phê duyệt từ ESG và Ủy ban Du lịch Singapore. Tuy nhiên, một số hoạt động lại không cần phê chuẩn đối với chi phí ban đầu là 150.000 đôla Singapore (111.000 USD).

Ngân sách dành cho DTDi năm 2021 đã mở rộng danh sách các hoạt động không cần phải có sự phê duyệt trước, trong đó bao gồm quảng cáo ở nước ngoài, giấy chứng nhận sản phẩm/dịch vụ được phê duyệt, và mẫu thiết kế đóng gói đối với các thị trường nước ngoài.