Siêu phi công không quân Việt Nam với gần 11.000 giờ bay

Đã "thuần hoá" nhiều loại trực thăng, tham gia cả nhiệm vụ bay chiến đấu, bay thương mại, là “thợ bay” lành nghề kiêm... người “chèo lái” công ty... anh là Đại tá, phi công cấp 1 Vũ Thành Cung, Giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18 (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Bộ Quốc phòng)… 
người “chèo lái” công ty
người “chèo lái” công ty

Được “nhắm” làm giáo viên khi đang là… học viên bay

Thoạt nghe, tưởng như đó là chuyện lạ. Kể cũng lạ, song lại là chuyện thật và là kỷ niệm khó phai trong ký ức của Đại tá Vũ Thành Cung.

Giống như lớp thanh niên sinh ra trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước, chàng trai quê lúa Thái Bình Vũ Thành Cung cũng mang trong mình mơ ước được trở thành phi công quân sự. Đợt khám tuyển phi công do đoàn cán bộ Quân chủng PK-KQ tiến hành năm 1977 tại trường cấp 3 Hưng Hà, Thái Bình đã thực sự mở ra cánh cửa để Vũ Thành Cung bước tiếp, nhằm hiện thực hóa “giấc mơ bay” của mình.

Đại tá Vũ Thành Cung tham gia bay huấn luyện cấp cứu y tế.
Đại tá Vũ Thành Cung tham gia bay huấn luyện cấp cứu y tế.

Vậy nhưng, đến khi tốt nghiệp cấp 3 mà chưa nhận được kết quả của đợt khám tuyển phi công, sốt ruột, Vũ Thành Cung thi đỗ và nhập học vào ngành trinh sát ngoại tuyến của Bộ Công an năm 1978. Không lâu sau đó, vào tháng 1-1979, anh nhận được thông báo trúng tuyển phi công và chuyển về lực lượng Phòng không-Không quân (PK-KQ), học tập lý thuyết bay tại Nha Trang, rồi về huấn luyện bay trên dòng trực thăng UH-1 tại Trung đoàn 930 (Trường Sĩ quan chỉ huy-kỹ thuật Không quân).

Thật bất ngờ, khi mới bay được khoảng 30 lần chuyến kèm vòng kín ở vị trí học viên, Vũ Thành Cung đã được giáo viên bay Đỗ Hữu Đẳng, khẳng định chắc như đinh đóng cột, rằng anh sẽ được chọn làm giáo viên bay của nhà trường.

Không chia sẻ thêm về chuyện này, bởi tính cách anh khá khiêm tốn và kiệm lời, song chúng tôi đã hiểu rằng anh đã lọt vào con mắt “tinh đời” của người thầy dạy bay khi đó, bởi tố chất bay được thể hiện qua mấy chục lần chuyến bay đầu đời.

Thực tế, sau tốt nghiệp (cuối năm 1980), Vũ Thành Cung và 4 học viên khác đã được nhà trường lựa chọn, giữ lại làm giáo viên, trong đó có phi công Nguyễn Văn Vinh, hiện là Đại tá, Trưởng Phòng Huấn luyện của Binh đoàn 18.

32 lần chuyến bay chiến đấu

“Thú thực, sau tốt nghiệp được về công tác tại các trung đoàn trực thăng chiến đấu là ước mơ của phần lớn phi công trực thăng quân sự thời đó. Nhưng nhiệm vụ trên giao làm giáo viên bay thì mình phải chấp hành thôi”, Đại tá Vũ Thành Cung chia sẻ.

Sau 3 năm làm giáo viên bay tại Trường Sĩ quan chỉ huy-kỹ thuật Không quân, “cơ hội” được về Trung đoàn trực thăng chiến đấu cũng đã đến, khi Việt Nam nhận một loạt trực thăng vũ trang Mi-24 do Liên Xô viện trợ. Vũ Thành Cung được lựa chọn huấn luyện chuyển loại trên dòng trực thăng này tại nhà trường và đến năm tháng 9-1983 về công tác tại Trung đoàn trực thăng 916 (Sư đoàn không quân 371, Quân chủng PK-KQ).

Trước yêu cầu của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Cam-pu-chia, năm 1985, Vũ Thành Cung là một trong những phi công đầu tiên của Trung đoàn trực thăng 916 được giao nhiệm vụ bay chiến đấu chống Pol pot trên chiến trường Cam-pu-chia. 

Những chuyến bay chiến đấu, nhất là trên đất bạn như vậy hẳn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm?

Trước câu hỏi ấy, Đại tá Vũ Thành Cung cười vui: “Khi đã bay chiến đấu, điều quan tâm nhất đối với phi công chúng tôi là tìm và tiêu diệt mục tiêu, vì thế không còn thời gian để dành cho sự e ngại đối với những nguy hiểm đang rình rập, bởi hành trình bay luôn được tính bằng giây”.

Thời điểm đó, trang bị của Pol pot tại khu vực phi công Vũ Thành Cung tham gia chiến đấu không thực sự đủ mạnh để có thể “hạ gục” những chiếc “xe tăng bay” Mi-24 của các anh, song những nguy hiểm từ mặt đất do chúng gây ra khi máy bay và phi công đang ở… trên mặt đất thì thực sự khôn lường.

Địa bàn hoạt động của Vũ Thành Cung khi đó chủ yếu từ sân bay Pô-chen-tông đến Xiêm-riệp. “Đôi lúc, địch vẫn tổ chức bắn cối ì oàng vào sân bay Xiêm-riệp”, Đại tá Vũ Thành Cung nhớ lại.

Sau khoảng một năm bay chiến đấu trên chiến trường Cam-pu-chia, không kích 32 trận lớn nhỏ, năm 1986 Vũ Thành Cung trở lại Trung đoàn không quân 916 công tác. Đến tháng 4-1988, anh là một trong những phi công đầu tiên được điều động về Công ty bay dịch vụ miền Nam (nay là Công ty Trực thăng miền Nam), tham gia bay trên “mặt trận” mới-“mặt trận kinh tế”…

Phi công Vũ Thành Cung trong những ngày tham gia bay dầu khí cho Na Uy.
Phi công Vũ Thành Cung trong những ngày tham gia bay dầu khí cho Na Uy.

Phi công đầu tiên được… xuất khẩu sang Na Uy

Điều suy nghĩ khi trên giao nhiệm vụ ở lại nhà trường làm giáo viên năm nào, nay “sống lại” trong phi công Vũ Thành Cung, đó là mong muốn được ở lại công tác tại đơn vị trực thăng chiến đấu. Lần này muốn ở lại Trung đoàn trực thăng 916 không chỉ vì để tiếp tục được gắn bó với những không vực, đường dài, những chuyến bay ứng dụng chiến đấu, mà với Vũ Thành Cung, hoạt động bay dịch vụ đang đợi chờ anh ở phía trước quá xa lạ, nhất là bay trên biển xa, trong điều kiện trang bị dẫn đường cho máy bay khi đó rất thô sơ, thiếu thốn.

Vẫn cái suy nghĩ “nhiệm vụ đến phải quyết tâm hoàn thành tốt” đã định hướng, dẫn dắt hành động và giúp phi công Vũ Thành Cung nhanh chóng “thích ứng” với hoạt động bay thương mại, đặc biệt là dịch vụ bay phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển phía Nam của Tổ quốc.

Năm 1993, khi Binh đoàn 18 tiến hành hợp tác với một công ty trực thăng của Na Uy, Vũ Thành Cung đã trở thành phi công đầu tiên được đưa sang Na Uy bay huấn luyện bằng thiết bị trên loại trực thăng Super Puma. Sau khóa huấn luyện ấy, anh bắt đầu bay dầu khí cho Na Uy trên Biển Bắc từ tháng 3 đến tháng 12-1995. Chính điều kiện thời tiết cực kỳ phức tạp tại vùng biển này, đặc biệt trong mùa đông, như gió to, đáy mây thấp… đã rèn luyện bản lĩnh, trình độ, kỹ năng bay cho Vũ Thành Cung. Anh chia sẻ: “Hồi đó, cấp trên có hỏi tôi: Bay ở đó cậu học hỏi được gì? Tôi trả lời rằng: Tôi học được cách bay thấp trên mặt biển rồi ngóc lên hạ cánh xuống đĩa đỗ của giàn khoan”.

Lại là một cách hạ cánh rất lạ, nhưng đó là sự thật!

Ở Biển Bắc, mùa đông tới, đáy mây chỉ thấp chừng 80 mét so với mặt nước biển, trong khi đó giàn khoan cao xấp xỉ 100 mét. Khi luồng lửa từ giàn khoan phun ra, nhiệt độ quanh đó tăng, mây được đẩy lên cao hơn. Do vậy, khi bay ra giàn khoan, Vũ Thành Cung học được cách điều khiển trực thăng bay dưới mây, và khi đến gần giàn khoan thì kéo máy bay lên cao rồi mới hạ cánh xuống đĩa đỗ.

Cách hạ cánh độc đáo đó đã được phi công Vũ Thành Cung “mang về” nước. Thực tế nhiều chuyến bay phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển phía Bắc nước ta do các phi công của Công ty Trực thăng miền Bắc thực hiện cũng được áp dụng phương thức bay độc đáo này.

Sau đợt “xuất khẩu phi công” đầu tiên ấy, phi công Vũ Thành Cung đã khẳng định được bản lĩnh, trình độ, tính chuyên nghiệp của phi công Binh đoàn 18. Tiếp đó, “đơn hàng” xuất khẩu dịch vụ máy bay, phi công của Binh đoàn đã mở rộng ra một số quốc gia như Ma-lai-xi-a, Đông Ti Mo…

Vừa là giám đốc, vừa là “thợ bay”

Bay dịch vụ ở Binh đoàn 18 nói chung, Công ty Trực thăng miền Bắc nói riêng, là một loại hình nghề nghiệp rất đặc thù!

Phải chăng tính đặc thù ấy được quyết định do đây là loại hình lao động ở… trên không. Đúng nhưng chưa phải là tất cả, bởi ở loại hình này, người lãnh đạo không chỉ thuần túy làm công tác quản lý, mà họ vẫn cần mẫn thực hiện vai trò của một phi công, và họ gọi vui là “thợ bay”.

Đại tá Vũ Thành Cung không phải là ngoại lệ, được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc năm 2006 và Giám đốc tháng 8-2013, nhưng anh vẫn đều đặn tham gia bay, đặc biệt là các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và nhiệm vụ đào tạo bay cho phi công trẻ.

Kể từ khi được bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đến nay, phi công cấp 1 Vũ Thành Cung luôn “có tên” trong danh sách các tổ bay chuyên cơ. Năm 2014, anh tham gia các chuyến chuyên cơ, với vai trò cơ trưởng, trên trực thăng EC-155B1 phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước công tác tại nước bạn Lào. 

Cuối năm 2014, anh lại thực hiện một chuyến bay chuyên cơ phục vụ đoàn cán bộ cấp cao của Quân đội công tác tại Móng Cái (Quảng Ninh). Hôm đó, thời tiết rất xấu, trời kín mây, đáy mây thấp, anh và tổ bay cất cánh từ Gia Lâm và hạ cánh tại Móng Cái để đón đoàn công tác trong sự ngỡ ngàng của nhiều cán bộ, bởi ít người nghĩ máy bay có thể hạ cánh trong điều kiện khí tượng như vậy.

Gần đây nhất, anh lại là người thực hiện chuyến bay đầu tiên của ban bay có các “pha” cất hạ cánh như “phim hành động”. Đó là các chuyến bay huấn luyện cất hạ cánh trên nóc nhà cao tầng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thực hiện nhiệm vụ cấp cứu y tế. Đây là một loại hình bay được đánh giá là tương đối khó.

Với trách nhiệm của người đứng đầu và sự nhiệt tình của một “thợ bay”, trong năm 2015, Đại tá Vũ Thành Cung đã tham gia đào tạo thành công 3 phi công của Công ty làm nhiệm vụ bay MIA và bay biển. Riêng trong năm 2015, anh đã bay được 110 giờ bay, nâng tổng giờ bay tích lũy lên gần 11.000 giờ.

35 năm gắn bó với nghiệp bay, đến nay Đại tá Vũ Thành Cung đã làm chủ nhiều loại trực thăng như UH-1, Mi-8, M-17, Mi-24, Puma, Super Puma, EC-155B1, EC-135… Đáng nói hơn, ngoài bay chiến đấu từ những ngày phục vụ tại đơn vị trực thăng vũ trang, hiện nay anh có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ bay như chuyên cơ; tìm kiếm cứu nạn; cấp cứu y tế; phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí; du lịch; MIA và các nhiệm vụ đột xuất, phức tạp. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của anh và tập thể Ban giám đốc, trong 3 năm 2013, 2014 và 2015, Công ty Trực thăng miền Bắc đều hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; cá nhân Đại tá Vũ Thành Cung được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua trong 2 năm liên tục 2014 và 2015.

Theo QĐND