Shijian-21: "Sát thủ diệt vệ tinh" của Trung Quốc hay chỉ là thiết bị dọn rác không gian?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chỉ cách đây vài tháng, Trung Quốc đã thực hiện không chỉ 1, mà là 2 vụ thử tên lửa, và cả hai đều bay vòng quanh Trái đất trước khi đáp trúng mục tiêu.
Vụ phóng vệ tinh Shijian-21 được thực hiện mà không hề có một thông báo trước (Ảnh: VCG)
Vụ phóng vệ tinh Shijian-21 được thực hiện mà không hề có một thông báo trước (Ảnh: VCG)

Vụ phóng Shijian-21

Và dư chấn của các vụ thử này đến giờ vẫn làm rung chuyển của Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, do nỗi lo sợ một cuộc chạy đua vũ trang mới. Thượng nghị sĩ Mỹ Angus King đã mô tả thứ vũ khí mới này như “kẻ thay đổi cục diện với khả năng tiềm tàng sẽ làm hủy hoại sự ổn định chiến lược.”

Giới chức Trung Quốc thì chỉ nói đơn giản rằng, vụ thử nghiệm của họ là “một thí nghiệm không gian hòa bình.”

Như đổ thêm dầu vào lửa, trong tuần này Trung Quốc tiếp tục gia tăng khoảng cách công nghệ khi phóng một vệ tinh mới mà giới phân tích cho rằng có thể được sử dụng như một loại vũ khí, với khả năng bắt giữ và nghiền nát các vệ tinh của Mỹ, tờ The Washington Post đưa tin.

Vệ tinh Shijian-21 (Thực tiễn-21) được đặt trên một tên lửa đẩy tại Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương, với mục đích được thông báo là dọn dẹp “mảnh vỡ ngoài không gian”; theo như Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc. Công ty này tuyên bố rằng vệ tinh trên “có nhiệm vụ trình diễn công nghệ vô hiệu hóa và dọn dẹp mảnh vỡ ngoài không gian.”

Vụ phóng được thực hiện vào lúc 9h27 sáng 17/10, theo giờ Bắc Kinh, đánh dấu vụ phóng vệ tinh lên quỹ đạo lần thứ 39 của Trung Quốc trong năm nay. Vệ tinh được đẩy lên quỹ đạo nhờ tên lửa đẩy Trường Chinh-3B.

Dữ liệu theo dõi của quân đội Mỹ cho thấy Shijian-21 đã được đặt vào quỹ đạo địa tĩnh học hình elip cách Trái đất khoảng 35.813 km, với độ nghiêng khoảng 28,5 độ so với đường xích đạo. Shijian-21 sẽ di chuyển vòng quanh Trái đất cứ 24 giờ một lần, di chuyển cùng tốc độ quay của hành tinh của chúng ta.

Trong tháng 4 năm nay, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, tướng James Dickinson, nói trước Quốc hội rằng vệ tinh như Shijian-21 là một phần trong nỗ lực đạt được “ưu thế trong không gian nhờ vào các hệ thống tấn công trong không gian” của Trung Quốc. “Một vật thể đáng chú ý là Shijian-17, một vệ tinh có cánh tay robot của Trung Quốc”, ông Dickinson nói. “Công nghệ cánh tay robot trên không gian có thể được ứng dụng cho một hệ thống trong tương lai để bắt các vệ tinh khác.”

Theo phía Trung Quốc, Shijian-17 được sử dụng vì mục đích thông tin liên lạc và kiểm soát các mãnh vỡ trong không gian. Nó được cho là có khả năng di chuyển sát các vệ tinh trong quỹ đạo và nắm bắt hoặc nghiền nát chúng. Tướng Dickinson nói rằng Shijian-17 chính là một tàu không gian được trang bị cánh tay robot, và là một thứ vũ khí của quân đội Trung Quốc.

Tên lửa Trường Chinh-3B/E được sử dụng để phóng vệ tinh Shijian-21 (Ảnh: VCG)

Tên lửa Trường Chinh-3B/E được sử dụng để phóng vệ tinh Shijian-21 (Ảnh: VCG)

Lo ngại về “cánh tay robot”

Các vệ tinh dòng Shijian lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2013, thời điểm mà 3 vệ tinh dòng này đã được phóng và tình báo Mỹ đã phát hiện ra những chuyển động bất thường của chúng.

Các vệ tinh Shijian-7, Chuangxin-3 và Shijian-15 đều có trọng lượng dưới 10 kg. Và trong số các vệ tinh này thì bất thường nhất chính là Shijian-15, theo giới chức Mỹ. Giống như trong một bộ phim tình báo, vệ tinh này được trang bị một cánh tay robot và ở phía cuối cánh tay này là một thứ giống như gọng kìm.

Những vũ khí không gian mà Trung Quốc đang sở hữu bao gồm một số loại tên lửa chống vệ tinh phóng từ mặt đất, đủ khả năng đáp trúng các vệ tinh đang hoạt động ở quỹ đạo thấp, trung bình và cao; ngoài ra còn có các bộ chặn sóng điện tử và vũ khí laser.

“Chúng tôi có thể thấy được sức mạnh của họ, từ khả năng diệt vệ tinh cho tới những hoạt động mà họ đã thực hiện cùng với khả năng đó” – ông Dickinson nói – “Trong khi đó,Trung Quốc vẫn tiếp tục hô hào chống vũ khí hóa không gian.”

Michael J. Listner, một chuyên gia phân tích an ninh không gian, nói rằng việc nhận diện sức mạnh của Trung Quốc là rất khó do bản chất mục đích song song của công nghệ không gian – vừa sử dụng cho mục đích quân sự, vừa cho mục đích dân sự.

“Công nghệ có mục đích sử dụng hòa bình cũng có thể được sử dụng vì mục đích không hòa bình” – ông Listner nói – “Một nhiệm vụ dọn dẹp mảnh vỡ trong không gian vốn rất hòa bình cũng có thể là nhằm tiêu diệt vệ tinh.”

Trung Quốc nói “hãy tin chúng tôi”, nhưng bản chất thực sự đằng sau nhiệm vụ không gian đó và việc Trung Quốc phát triển những khả năng tấn công trong không gian lại nói điều ngược lại; theo ông Listner.

Những động thái đáng ngờ

Tổ chức Secure World đã theo dõi các vệ tinh của Trung Quốc cũng như nhiệm vụ của chúng. Tổ chức này nhận ra rằng Shijian-17 đã thể hiện tính linh hoạt của nó khi đi vòng quanh vành đai địa tĩnh, đi vòng quanh vệ tinh Zhongxing-5A (ChinaSat-5A) và sau đó tiếp cận Zhongxing-6B và Shijian-20 – được phóng vào tháng 12/2019.

Tướng lĩnh về hưu của Ấn Độ, Vinayak Bhat, cựu chuyên gia phân tích hình ảnh tình báo, cũng đưa ra nhận định tương tự. Ông nói rằng vụ phóng Shijian-21 là rất đáng ngờ bởi Trung Quốc trước đây chưa từng hứng thú với việc dọn dẹp mảnh vỡ trên không gian, mà chỉ liên tục phóng các tên lửa cỡ lớn và làm tăng thêm các mảnh vỡ.

“Công nghệ cánh tay robot này rõ ràng là có nhiều mục đích sử dụng, và chắc chắn sẽ được sử dụng như một thứ vũ khí không gian để bắt giữ, vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt các vệ tinh của kẻ địch” – ông Bhat nói – “Trung Quốc đang triển khai những vệ tinh có hai mục đích như vậy, điều này cho thấy rõ ý định quân sự hóa không gian của họ.”

Người ta ước tính có hơn 100 triệu mảnh vỡ không gian đang bay trong quỹ đạo, với kích thước từ vài cm cho tới những mảnh khổng lồ có trọng lượng tới vài tấn. Khoảng 50% lượng rác thải không gian này là kết quả của các tàu không gian bị tháo dỡ; ông Liu Jing, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát mảnh vỡ và Ứng dụng Không gian Trung Quốc, cho hay.

Ông Liu không hề nhắc tới thông tin đăng tải trên tờ China Daily về một vụ thử tên lửa chống vệ tinh mà Trung Quốc thực hiện năm 2007, để lại hàng chục nghìn mảnh vỡ trôi nổi rất nguy hiểm trong không gian.

Kể từ sau vụ thử năm 2007 khiến cộng đồng quốc tế cực lực lên án, Trung Quốc đã không thực hiện thêm các vụ thử tên lửa chống vệ tinh, nhưng thay vào đó lại che giấu khả năng tấn công không gian của mình bằng vỏ bọc thử nghiệm chống tên lửa hoặc nghiên cứu dân sự.