SHB.Đà Nẵng và câu chuyện “Get Out“

VietTimes -- Ở SHB.Đà Nẵng thì HLV Lê Huỳnh Đức là số 1, cầu thủ nào không công nhận điều đó lập tức "Get Out". Tiền đạo người Pháp - Philippe Nsiah là cầu thủ mới đây nhất phải rời sân Hòa Xuân đến Thanh Hóa.
Lê Huỳnh Đức đã có 12 năm làm HLV trưởng SHB.Đà Nẵng. Ảnh ĐNFC
Lê Huỳnh Đức đã có 12 năm làm HLV trưởng SHB.Đà Nẵng. Ảnh ĐNFC

SHB.Đà Nẵng là CLB có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho mùa giải, họ đứng tổ chức hẳn giải giao hữu tại Đà nẵng để tiện lắp ghép đội hình. 12 trận giao hữu trước mùa giải, đội bóng bên bờ sông Hàn thắng 9, hòa 3 và là đội duy nhất tại V.League 2020 không thua trận nào.

Con số 30 bàn thắng và chỉ để thủng lưới 13 bàn cũng cho thấy SHB.Đà Nẵng không đến nỗi nào. Nhưng sau 2 trận đấu, bất ngờ thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức trắng tay, chưa được điểm nào, xếp ngang với tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Trong đó có một trận thua sấp mặt Sài Gòn 1-4 ngay trên sân nhà.

Chuyện người “đập bể nồi cơm”

Lê Huỳnh Đức và các HLV Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Minh Phương chính là những nhà cầm quân đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ bằng Pro AFC. Thực ra, trong quá khứ không ít lần HLV sinh năm 1972 này đã được VFF mời cầm đội tuyển quốc gia.

Lê Huỳnh Đức đã giúp cho đội bóng bên bờ sông Hàn2 lần lên ngôi vô địch V.League, 1 Cúp Quốc gia, 2 Siêu cúp Quốc gia. Ảnh CLB.
Lê Huỳnh Đức đã giúp cho đội bóng bên bờ sông Hàn2 lần lên ngôi vô địch V.League, 1 Cúp Quốc gia, 2 Siêu cúp Quốc gia. Ảnh CLB. 

14 năm cầu thủ, Huỳnh Đức đã trải qua hầu hết cung bậc cảm xúc của “quần đùi, áo số” nên khi trở thành HLV, cầu thủ khó qua mặt được. Khi còn khoác áo đội tuyển Huỳnh Đức là nhận vật chính của nghi án Mày đập bể nồi cơm của anh em”. Tại vòng loại World Cup 1998, ở trận ra quân gặp Trung Quốc trên sân Thống Nhất, Huỳnh Đức xuất sắc rút ngắn tỉ số xuống còn 1-3 cho ĐTQG VN.

Không ngờ bàn thắng danh dự đó khiến giới cá độ bắt VN thua với cách biệt 3 bàn thất điên bát đảo. Điều khá lạ, sau khi Huỳnh Đức ghi bàn, đội khách Trung Quốc cũng không tấn công nữa, giới cá độ lúc đó ngầm báo ôm kèo, chấp 3 trái bị cú “hồi mã thương”, thua tiền tỷ.

Nhưng một phần là cá tính, một phần là tự ngẫm từ thành công của trung phong “Target man” điển hình, “ăn dầm, nằm dề” ở khu vực ghi bàn Huỳnh Đức rất khắt khe với học trò. Một lối đá cần có thể hình, thể lực, láu lỉnh tinh khôn mà ít cầu thủ Việt Nam nào có được. Cho nên đến giờ, người ta vẫn cho Huỳnh Đức là trung phong toàn diện nhất trong 25 năm qua, không sai.

Quê gốc Huế, lập nghiệp và thành danh tại Sài Gòn, nhưng sự nghiệp cầm quân của HLV họ Lê lại gắn bó với Đà Nẵng. Kể từ năm 2018 đến nay, ngoại trừ mùa giải 2017-2018, Huỳnh Đức trao “ấn kiếm” cho đàn em Minh Phương còn lại ông là một phần không thể thiếu của SHB.Đà Nẵng.

Để có thành tích 2 lần lên ngôi vô địch V.League, 1 Cúp Quốc gia, 2 Siêu cúp Quốc gia cho đội bóng bên bờ sông Hàn, Huỳnh Đức đã thẳng tay với không biết bao cầu thủ bản xứ. Điển hình nhất là “Cu Ga, cu Vịt” (anh em Phan Thanh Phúc, Phan Thanh Hưng), những cầu thủ có kỹ thuật cá nhân và tư duy chiến thuật phát triển nổi trội. Không chịu được kỷ luật sắt của Huỳnh Đức, cả 2 đã sớm rời sân Chi Lăng và mất hút. Phúc “gà” cũng từng khoác áo ĐTQG dưới thời HLV Calisto, còn Hưng “vịt” trong màu áo U23 Việt Nam đá SEA Games 25 ở Lào (năm 2009).

Hậu vệ Trần Đình Hoàng (SLNA) là số ít bản hợp đồng chất lượng của Lê Huỳnh Đức tại mùa bóng này. Ảnh SLFC
Hậu vệ Trần Đình Hoàng (SLNA) là số ít bản hợp đồng chất lượng của Lê Huỳnh Đức tại mùa bóng này. Ảnh SLFC

Ngoài ra loạt tài năng địa phương như Châu Lê Phước Vĩnh, Phạm Nguyên Sa, Giang Trần Quách Tân, Hà Minh Tuấn… không tìm được chỗ đứng và phải ra đi. Chính Huỳnh Đức “get out” bóng đá Đà Nẵng năm 2017 vì niềm tự hào của khán giả xứ Quảng bị tổn thương khi thấy trong đội hình ra sân của mảnh đất nổi tiếng cuồng nhiệt với bóng đá này không còn cầu thủ bản địa.

Quả thực thì Huỳnh Đức cũng không vừa, trước khi chia tay Đà Nẵng ông đã tung ra hầu hết đội hình cầu thủ gốc Quảng. Để rồi đội bóng xứ Quảng thua 4 trong 5 trận cuối cùng, đủ để cấp quản lý CLB và cổ động viên hiểu vì sao ông không dùng cầu thủ trẻ. Muốn bóng đá Đà Nẵng đi lên phải chú trọng hơn công tác đào tạo trẻ, vốn lâu nay bị quên bẳn.

Ai sẽ “get out”

Lần thứ 2 trở lại với Đà Nẵng, Huỳnh Đức muốn tiếp tục viết nốt những gì dang dở mà ông đang ấp ủ. Hơn 15 năm sống ở đây, ông đã quá hiểu về CLB, khán giả và những người đồng nghiệp xung quanh. Nhưng người ta vẫn thấy ở nhà cầm quân này, một bản tính khó đổi, luôn khắt khe đến cực đoan với học trò. Có lẽ chỉ có ở SHB.Đà Nẵng, Hà Đức Chinh mới bị sức ép từ ông thầy nhiều như vậy. Trong mùa giải V.League 2019, đã không dưới 5 lần bị chê “tả tơi” là chân gỗ tại CLB, điều chả một cầu thủ nào muốn.

Rồi Võ Huy Toàn, một cựu tuyển thủ quốc gia dù còn hợp đồng vẫn được “tạo điều kiện” về TP.HCM. Vài ngày, trước giờ bóng lăn SHB.Đà Nẵng bất ngờ xác nhận đã chấm dứt hợp đồng với Hồ Ngọc Thắng, cựu tuyển thủ sinh 1994 dưới thời HLV Toshiya Miura. Công thần Đỗ Merlo đã tỏa sáng trong màu áo Nam Định sau 1 thập kỷ gắn bó còn SHB.Đà Nẵng trắng tay sau 2 trận đấu.

Sau trận thua tơi tả 1-4 trước Sài Gòn, tiền đạo người Pháp - Philippe Nsiah đã “get out” sau 45 ngày gắn bó với SHB.Đà Nẵng. Nó chỉ minh họa cho việc ở SHB.Đà Nẵng bất cứ cầu thủ dám bật lại HLV Lê Huỳnh Đức đều “get out”, bất luận họ có trình độ chuyên môn cỡ nào. Nhưng rồi những người còn lại, kể cả HLV Lê Huỳnh Đức sẽ đưa đội bóng đến đâu thì không một ai có thể đoán định được.

Ai sẽ “get out” tiếp theo?