SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk: Ai được mỉm cười?

VietTimes -- Theo phương án này, có lẽ 451 triệu cổ phiếu VNM càng được xé lẻ bao nhiêu thì F&N lại… càng thích bấy nhiêu. Bởi với 11,04% cổ phần trong tay, cơ cấu sở hữu Vinamilk càng phân tán, “tầm” của F&N tại doanh nghiệp này sẽ lại càng “nặng”.
SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk: Ai được mỉm cười?

“Tin đồn” hữu ý?

Tối muộn hôm qua (2/11/2015), TBKTSG Online dẫn nguồn tin xác tín từ Tổng giám đốc một quỹ đầu tư lớn mà đại diện hiện đang là thành viên hội đồng quản trị Vinamilk cho biết, Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N) đã “đánh tiếng” mua lại cổ phần Vinamilk mà Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang có ý định thoái khỏi đây.

Theo tờ báo trên, F&N sẵn sàng chào giá 4 tỷ USD cho 451 triệu cổ phiếu VNM mà SCIC đang nắm giữ, tương ứng với với mức “bỏ giá” 167.000 đồng/cổ phiếu VNM, cao hơn 43% so với thị giá hiện thời của cổ phiếu này.

Với động thái này, F&N đã trở thành “tay chơi” đầu tiên ra mặt trong trong cuộc chiến quyền lực nhiều sóng ngầm tại doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam.

Và vô tình hay hữu ý, con số 167.000 đồng mà F&N đưa ra cũng đã xác lập mốc giá đầu tiên trong cuộc đuổi bắt khốc liệt của cổ phiếu VNM, dù chưa rõ “độ máu” của tay chơi này thực sự đến đâu. Liệu lời “đánh tiếng” có thể hiện khát khao hay chỉ làm một “đòn làm giá”, tất cả sẽ được hạ hồi phân giải bằng “miếng bánh” thị phần mà F&N đấu được sau thương vụ.

Tuy nhiên, trong một diễn biến mới nhất, sáng nay (3/11), F&N đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) phủ nhận thông tin doanh nghiệp này đã gửi thư chào mua 45% cổ phần của Vinamilk hiện do SCIC đang nắm giữ. “F&N không gửi bất kỳ đề nghị chào mua về việc mua lại cổ phần của SCIC tại Vinamilk”, tổ chức này khẳng định.

Vậy thực hư chuyện này ra sao khi bài báo “F&N trả 4 tỉ đô la Mỹ cho phần vốn Nhà nước ở Vinamilk” vẫn ghim chặt trên TBKTSG Online và các thông tin vẫn chưa hề được đính chính (?!).

Ai được mỉm cười?

Liên quan đến F&N, có một chi tiết đáng lưu tâm là công ty con của họ - F&N Dairy Investment – hiện đang sở hữu khoảng 132,5 triệu cổ phiếu VNM và chỉ đứng sau SCIC trong danh sách các cổ đông lớn nhất của CTCP Sữa Việt Nam, với tỷ lệ sở hữu 11,04% (tính đến ngày 05/08/2015).

Kế sau đó là hàng loạt các quỹ đầu tư lớn nhỏ khác như Dragon Capital Markets Limited (7,39%), Deutsche Bank AG & Deutsche Asset Management (Asia) Ltd (5,95%), Deutsche Bank AG London (4,32%), Arisaig Asean Fund Limited (1,05%), Vietnam Enterprise Investments Limited (1,05%),…

Với vị thế “đệ nhị cổ đông” trong cơ cấu sở hữu Vinamilk hiện tại, có thể thấy, F&N Dairy Investment sẽ hưởng lợi không ít từ việc “chia năm sẻ bẩy” số cổ phần mà “đệ nhất cổ đông” SCIC đang nắm giữ. Hay nói cách khác, sự kiện pha loãng sở hữu VNM sau biến cố SCIC, không chừng sẽ là thời cơ “nghìn năm có một” để F&N chia lại bản đồ quyền lực tại doanh nghiệp chi phối thị trường sữa 90 triệu dân Việt Nam.

Tất nhiên, F&N và tất cả giới đầu tư thừa biết không đời nào nhà nước chấp nhận việc bán trọn gói 451 triệu cổ phiếu VNM mà SCIC nắm giữ. Không dưới 3 lần đại diện các cơ quan quản lý đã lên tiếng khẳng định sẽ “đấu giá công khai vốn nhà nước trong Vinamilk”, và lô cổ phiếu tỷ đô của SCIC nhiều khả năng sẽ được chia thành nhiều gói nhỏ trong mỗi lần đầu giá.

Ai sẽ là người thực sự mỉm cười sau thương vụ thoái vốn của SCIC?

Theo phương án này, có lẽ 451 triệu cổ phiếu VNM càng được xé lẻ bao nhiêu thì F&N lại… càng thích bấy nhiêu. Bởi với 11,04% cổ phần trong tay, cơ cấu sở hữu Vinamilk càng phân tán, “tầm” của F&N tại doanh nghiệp này sẽ lại càng “nặng”.

Do đó, nếu giữ được khối lượng cổ phiếu hiện tại, vị thế của F&N tại VNM sau “biến cố” SCIC chỉ có tăng chứ không hề suy giảm. Nhưng liệu rằng F&N có đủ sức để giữ hay không thì lại là một nhẽ khác và cũng chưa ai dám chắc tổ chức đến từ Singapore sẽ được mỉm cười sau thương vụ…

Về phần mình, Vinamilk cũng lường đoán hậu quả của việc “chia năm sẻ bẩy” cổ phần mà SCIC đang nắm giữ. Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị phương thức bán phần vốn Nhà nước tại Vinamilk vừa mới được công bố, đơn vị này nêu quan điểm: “Không nên chia quá nhỏ số lượng cổ phần bán mỗi lần thoái vốn, chỉ nên chia số lượng cổ phần của Nhà nước thành không quá 3 đợt, mỗi đợt tối thiểu 10% vốn điều lệ của Vinamilk”.

Sóng ngầm…

Chi phối Vinamilk, xét ở giác độ kinh tế, là mưu cầu chính đáng và khôn ngoan của mỗi nhà đầu tư. Không ai phủ nhận lợi ích đặc biệt lớn và nhiều mặt từ “cô bò sữa” này.

“Trong câu chuyện thoái vốn của SCIC tại Vinamilk, giá cổ phiếu không phải là vấn đề quá quan trọng. Tôi tin nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả mức giá chất ngất để sở hữu cổ phần và có được “tiếng nói” tại doanh nghiệp này. Lợi nhuận, thị phần và tài sản của Vinamilk đủ hấp dẫn để người ta lao vào bất chấp giá cả”, một nhà phân tích kỳ cựu chia sẻ với người viết trong cuộc trao đổi gần đây.

Việc F&N có khát khao “thôn tính” Vinamilk hay không, hoàn toàn không có gì là lạ. Và không riêng gì F&N, cả thị trường cũng đang “nhốn nháo” vì VNM.

Không lâu trước khi thông tin thoái vốn của SCIC chính thức được phát đi, một cách rất tình cờ, hàng loạt các quỹ đầu tư (trong đó, có không ít quỹ đang là cổ đông hiện hữu của VNM) đã bất ngờ thực hiện tháo vốn khỏi nhiều doanh nghiệp với lý do… “cơ cấu lại danh mục đầu tư”.

Kỳ tới: SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk: Ai đang run sợ?

Ninh Giang