SAVIS bàn giao Đài truyền thanh số cho huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Công ty SAVIS đã bàn giao Đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT cho huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, với 1 trạm phát sóng số và tích hợp cùng 5 cụm loa được lắp đặt tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân.
Các khách mời tham quan hệ thống đài phát thanh số ứng dụng Công nghệ thông tin – Viễn thông
Các khách mời tham quan hệ thống đài phát thanh số ứng dụng Công nghệ thông tin – Viễn thông

Đài truyền thanh ứng dụng Công nghệ thông tin – Viễn thông do công ty SAVIS phát triển, lắp đặt và tài trợ cho huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa là hệ thống Đài truyền thanh số đầu tiên tại Việt Nam được phát triển nền tảng công nghệ 4.0 hiện đại, có khả năng kết nối toàn bộ hệ thống truyền thanh sẵn có của địa phương, bao gồm cả truyền thanh FM không dây và có dây với hệ thống phát sóng số thành một giải pháp thống nhất để dễ dàng quản lý, điều khiển. Hệ thống gồm 1 trạm phát sóng số tích hợp 5 cụm loa được lắp đặt tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân.

Hệ thống đài phát thanh số này được đánh giá là hiện đại và tiên tiến nhất hiện nay, cập nhật đầy đủ tính năng theo các quy định, yêu cầu tại Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT, Quyết định số 1879/BTTTT-TTCS, Quyết định số 135/QĐ-TTg về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng Công nghệ thông tin - Viễn thông, nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở.

Ông Cầm Bá Đứng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thường Xuân và ông Phạm Văn Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS ký Biên bản bàn giao
Ông Cầm Bá Đứng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thường Xuân và ông Phạm Văn Đức – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS ký Biên bản bàn giao

Đặc biệt, đây cũng là hệ thống truyền thanh số đầu tiên tại Việt Nam có chức năng là trạm phát sóng số và tích hợp, cho phép kết nối toàn bộ hệ thống truyền thanh sẵn có của địa phương, bao gồm cả truyền thanh FM không dây và có dây với hệ thống phát sóng số thành một giải pháp thống nhất để dễ dàng quản lý, điều khiển tập trung.

Phát biểu tại lễ Bàn giao, ông Nguyễn Văn Tạo – Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ TTTT cho rằng: “Truyền thanh cơ sở là phương tiện truyền thông chủ lực, gần dân, sát dân và phổ biến rộng nhất và do chính người dân địa phương phụ trách. Hiện nay trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, truyền thanh cơ sở cần có sự chuyển đổi về công nghệ. Truyền thanh FM có dây có nhiều hạn chế về chất lượng truyền thanh và là một hệ thống lãng phí, khi mỗi đài truyền thanh có dây là một hệ thống truyền dẫn phát sóng. Tổng cộng 9657 đài truyền thanh cấp xã là 9657 điểm phát sóng và 667 đài truyền thanh cấp huyện là 667 hệ thống truyền dẫn phát sóng. Trong khi, với công nghệ truyền thanh số - truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông chỉ cần một hệ thống truyền dẫn duy nhất là hạ tầng viễn thông đã có, không phải đầu tư hạ tầng, chi phí có thể giảm một nửa so với hệ thống cũ”.

Ông Nguyễn Văn Tạo – Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại sự kiện

Ông Nguyễn Văn Tạo – Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại sự kiện

Bát Mọt là xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm huyện 66 km về phía Tây Bắc và cách trung tâm thành phố Thanh Hoá 130 km, phía Tây tiếp giáp với Lào. Dân cư có khoảng gần 4000 nhân khẩu trong đó dân tộc Thái chiếm đến hơn 90%. Dù còn khó khăn, nhiều khu vực chưa có đủ điện, đường, trường, trạm, nhưng Bát Mọt được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và lâm nghiệp.

Vì vậy, việc SAVIS lắp đặt và tài trợ hệ thống truyền thanh kỹ thuật số ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác, đặc biệt là trong điều kiện nhiều nơi tại Bát Mọt vẫn chưa có điện.

SAVIS đã lắp đặt tại văn phòng xã Bát Mọt một trạm phát sóng số và tích hợp, đồng thời lắp 5 cụm loa tại các bản thuộc xã, bao gồm: 5 bộ phát sóng, 10 loa công suất 25W, máy chủ PC, bộ mixer, mic, thiết bị phát sóng sử dụng wifi, sim 3G/4G, đi kèm phần mềm quản lý phát sóng, đặt lịch, kiểm tra tình trạng hoạt động của từng cụm loa, biên tập nội dung, lựa chọn nguồn phát sóng, chuyển chữ viết thành giọng nói…, điều khiển dễ dàng trên laptop, máy tính bảng, điện thoại di động.

Sau 2 tuần phát sóng thử nghiệm, hệ thống hoạt động ổn định. Cán bộ truyền thanh địa phương đã thuần thục mọi thao tác với phần mềm, tự điều khiển, quản lý tốt thiết bị.

Dưới tác động của Internet, truyền thông đại chúng đang biến đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện của những hình thức hoàn toàn mới như báo, tạp chí điện tử, truyền hình tương tác, truyền thông đa phương tiện… Song, đài truyền thanh vẫn giữ vai trò không thể thay thế và vẫn là một phương tiện truyền thông sắc bén, một công cụ tuyên truyền có ý nghĩa chiến lược.

Hệ thống đài truyền thanh cơ sở với độ phủ sóng rộng khắp đến từng thôn, bản có khả năng cung cấp thông tin tức thời, khẩn cấp, trực tiếp và tính địa phương hóa cao, điều hành trong các tình huống khẩn cấp.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống đài truyền thanh cơ sở sử dụng công nghệ truyền thanh có dây và không dây đang dần trở nên lạc hậu với nhiều hạn chế về chất lượng âm thanh, dễ bị chèn sóng, nhiễu sóng, an ninh thông tin, tín hiệu phụ thuộc vào thời tiết, yêu cầu có người trực tiếp điều khiển mỗi khi phát sóng và tính bảo mật chưa cao.

Sự thành công trong lắp đặt, vận hành Đài truyền thanh kỹ thuật số của SAVIS tại một xã vùng cao với nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, đường truyền Internet đã cho thấy tính hiệu quả của giải pháp công nghệ mới trong định hướng hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, bình đẳng trong tiếp cận thông tin, từng bước số hóa, chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất, tinh thần của người dân.