Sau thượng đỉnh lịch sử, Mỹ ép Triều Tiên sớm “giã từ vũ khí“

VietTimes -- Tổng thống Mỹ đổi giọng về mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, cho thấy Mỹ tiếp tục gây sức ép để Triều Tiên sớm thực hiện phi hạt nhân hóa. Mỹ và Triều Tiên đang chuẩn bị đàm phán cấp Ngoại trưởng trong thời gian tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Ifeng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Ifeng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức ngày 12/6 tại Singapore là cuộc gặp lịch sử và thành công, cho rằng “mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên không còn tồn tại”. Nhưng đến ngày 22/6 ông Donald Trump lại lấy lý do mối đe dọa to lớn khác thường từ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên để tiếp tục kéo dài trừng phạt đối với Triều Tiên. Tuyên bố Tổng thống ngày 22/6 được gửi cho Quốc hội Mỹ.
Vậy tại sao chính quyền Donald Trump sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp hạn chế kinh tế Triều Tiên nghiêm khắc được thực hiện từ thời cựu Tổng thống Mỹ “Bush con”?
Ông Donald Trump tuyên bố: “Sự lan tràn và rủi ro của vật liệu có thể chia tách mà vũ khí hạt nhân sử dụng trên bán đảo Triều Tiên cùng với các hành động và chính sách của chính quyền Triều Tiên tiếp tục tạo ra mối đe dọa to lớn khác thường đối với an ninh quốc gia, chính sách ngoại giao và kinh tế Mỹ”. “Căn cứ vào điều 202 của Luật tình trạng khẩn cấp toàn quốc, tôi sẽ kéo dài 1 năm trạng thái khẩn cấp toàn quốc liên quan đến Triều Tiên”.
Mặc dù tuyên bố này được cho là hình thức, nhưng sự khác biệt về ngữ khí phản ánh quan chức Mỹ thừa nhận vẫn có rất nhiều việc phải làm, bởi vì các quan chức đàm phán cần nghiên cứu kỹ lưỡng các chi tiết từ bỏ hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Điều này cho thấy, mục tiêu của chính quyền Donald Trump là tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên, cho đến khi Triều Tiên có các biện pháp thiết thực tiến hành phi hạt nhân hóa.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) sẽ sớm tiến hành gặp gỡ, đối thoại với phía Triều Tiên để thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ảnh: ABC News.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) sẽ sớm tiến hành gặp gỡ, đối thoại với phía Triều Tiên để thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ảnh: ABC News.

Ngày 21/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ gặp gỡ, đối thoại với phía Triều Tiên vào “thời gian sớm nhất có thể”, “để nỗ lực thực hiện thành quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều”.
Ngày 22/6, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố tạm dừng “vô thời hạn” cuộc tập trận Ulchi-Freedom Guardian vốn có kế hoạch tổ chức vào trong 3 tháng tới cùng hai cuộc tập trận thủy quân lục chiến với Hàn Quốc “để ủng hộ thực hiện” thành quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Tuyên bố cho hay, quân đội Mỹ ủng hộ các cuộc “đàm phán ngoại giao” Mỹ - Triều sắp tới với sự tham gia của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Nếu Triều Tiên tiếp tục đàm phán chân thành, đàm phán có kết quả, quân đội Mỹ sẽ đưa ra quyết định tương tự.
Trong cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump đã ký cam kết “nỗ lực cho phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”, cách nói này được Bình Nhưỡng coi trọng, bởi vì Mỹ không yêu cầu Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân theo phương thức “có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Các nhà phê phán cho rằng ngôn từ của văn kiện hội nghị thượng đỉnh “không có khả năng ràng buộc” này rõ ràng mơ hồ, đồng thời làm cho dư luận lo ngại hội nghị thượng đỉnh này có thể làm suy yếu liên minh quốc tế phản đối chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Triều Tiên đã nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa xuyên lục địa có thể phóng vũ khí hạt nhân đến các nơi trên thế giới, mục đích là để ứng phó với mối đe dọa cấp bách đến từ các hành động quân sự của Mỹ.

Cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi 2016. Ảnh: Jfdaily.com.
Cuộc tập trận Người bảo vệ tự do Ulchi 2016. Ảnh: Jfdaily.com.