Sau nhiều lần do dự, Mỹ quyết định sẽ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo ba quan chức Mỹ, chính quyền của ông Joe Biden đã quyết định chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine và có thể công bố ngay trong tuần này.
Mỹ quyết định sẽ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Patriot cho Ukraine (Ảnh: Reuters).
Mỹ quyết định sẽ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Patriot cho Ukraine (Ảnh: Reuters).

Theo CNN ngày 13/12, kế hoạch này của Lầu Năm Góc vẫn cần sự chấp thuận của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trước khi đệ trình lên Tổng thống Joe Biden để xin chữ ký. Tuy nhiên, ba quan chức chính phủ Mỹ nói với CNN rằng dự án viện trợ quân sự này hầu như chắc chắn ​​​​sẽ được thông qua.

Sau khi xảy ra một loạt các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của quân đội Nga phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine, chính quyền Kiev đã yêu cầu Mỹ cung cấp hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến này vì Patriot có hiệu quả cao trong việc đánh chặn các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Patriot sẽ là hệ thống vũ khí phòng không tầm xa hiệu quả nhất mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Các quan chức Mỹ nói chúng sẽ giúp cho việc đảm bảo an ninh không phận của các quốc gia thành viên NATO ở Đông Âu.

Radar điều khiển và bệ phóng tên lửa Patriot (Ảnh: wiki).

Radar điều khiển và bệ phóng tên lửa Patriot (Ảnh: wiki).

Mặc dù hiện không rõ Mỹ sẽ cung cấp bao nhiêu bệ phóng tên lửa Patriot cho Ukraine nhưng nhìn chung, ngoài các thiết bị radar có khả năng phát hiện và bám sát mục tiêu, tổ hợp phòng không Patriot còn có máy tính, thiết bị phát điện, đài điều khiển tên lửa tác chiến và có tới 8 bệ phóng, mỗi bệ có thể phóng 4 quả đạn tên lửa.

Các quan chức Mỹ này cho biết sau khi kế hoạch này được quyết định, các hệ thống Patriot dự kiến ​​sẽ nhanh chóng được gửi đi trong vòng vài ngày và các binh sĩ quân đội Ukraine sẽ được huấn luyện điều khiển chúng tại căn cứ của quân đội Mỹ ở Grafenwoehr, Đức. Ukraine đã liên tục yêu cầu Mỹ cung cấp hệ thống phòng không Patriot này trong nhiều tháng qua, nhưng việc giao hàng và vận hành chúng gặp nhiều thách thức về mặt hậu cần. Các quan chức cấp cao Mỹ nói, tuy có những rào cản này, nhưng thực tế của cuộc chiến tranh trên bộ đang diễn ra với việc Nga liên tục phóng tên lửa, đã thúc đẩy chính quyền Biden đưa ra quyết định này.

Tên lửa Patriot rời bệ phóng (Ảnh: CNN).

Tên lửa Patriot rời bệ phóng (Ảnh: CNN).

Tuy nhiên, hệ thống Patriot đòi hỏi mỗi khẩu đội tên lửa phải có quy mô lớn hơn nhiều, bao gồm mấy chục người để hệ thống phòng không này có thể hoạt động bình thường. Các khóa đào tạo pháo thủ thao tác nó thường phải kéo dài trong vài tháng và hiện nay Mỹ phải huấn luyện dưới áp lực bị quân đội Nga liên tục oanh kích gần như hàng ngày.

Vì sao Ukraine hiện đã có nhiều hệ thống phòng không được cho là có đủ uy lực mạnh mà vẫn cứ yêu cầu Mỹ cung cấp Patriot?

Ông John Kirby, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng (NSC) từng tuyên bố trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng NATO đã cung cấp cho Ukraine "Hệ thống Phòng không Tiên tiến Quốc gia" (NASAMS) do Na Uy sản xuất, được chứng minh là có tỷ lệ tiêu diệt tới 100% (NASAMS Have Achieved 100% Kill Rate).

Hệ thống tên lửa phòng không NASAMS mà NATO cung cấp cho Ukraine (Ảnh: CNN).

Hệ thống tên lửa phòng không NASAMS mà NATO cung cấp cho Ukraine

(Ảnh: CNN).

Ngoài ra, theo The EurAsian Times ngày 2/12, ngoài NASAMS, các nước thành viên NATO gần đây cũng đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa phòng không mạnh mẽ khác, chẳng hạn như Crotale của Pháp và IRIS-T của Đức. Tuy nhiên, Ukraine vẫn không hài lòng với các hệ thống phòng không hiện có, không chỉ thúc giục Mỹ cung cấp hệ thống phòng không Patriot mà còn yêu cầu Israel cung cấp hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm sắt).

Mỹ vốn lo ngại việc cung cấp Patriots cho Ukraine có thể liên quan đến NATO và dẫn đến leo thang xung đột. Nhưng giờ đây, dưới sự vận động hành lang mạnh mẽ của Ukraine, Washington đã xem xét lại phương án này.

Mỹ xem xét lại yêu cầu của Kiev vì Nga có thể sử dụng tên lửa đạn đạo của Iran để tấn công cơ sở hạ tầng phát điện của Ukraine. Hiện tại, người ta đã chứng minh rằng các hệ thống phòng không NASAMS, Sidewinder và IRIS-T do NATO cung cấp thực sự rất hiệu quả trong việc đối phó với tên lửa hành trình của Nga.

Các phân tích chỉ ra rằng các hệ thống phòng không do NATO cung cấp này được sử dụng để đối phó với các mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình hiệu quả hơn nhiều so với việc đánh chặn tên lửa đạn đạo. Nhưng qua đánh giá từ các hồ sơ, hệ thống Patriot có hiệu quả hơn trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo hơn là được sử dụng để đối phó với tên lửa hành trình và máy bay không người lái vốn di chuyển tương đối chậm.

Thông số kỹ thuật của hệ thống phòng không NASAMS (Ảnh: internet).

Thông số kỹ thuật của hệ thống phòng không NASAMS (Ảnh: internet).

Nếu Ukraine có được hệ thống Patriot, họ có thể hạn chế hiệu quả hơn các cuộc tấn công của quân đội Nga vào các cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, để tránh quân đội Ukraine thất bại, điều rất quan trọng là phải duy trì được các cơ sở phát điện. Theo tuyên truyền của truyền thông phương Tây, các cuộc tấn công của quân đội Nga vào các cơ sở phát điện của Ukraine dường như là một cuộc tấn công tàn bạo vào cơ sở hạ tầng dân sự.

Tuy nhiên, thực tế là chưa có quốc gia nào có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến bằng cách chỉ tấn công cơ sở hạ tầng dân sự. Mặc dù phía Mỹ nói rằng hệ thống NASAMS có khả năng đánh chặn hiệu quả 100%, nhưng thứ Ukraine muốn vẫn là hệ thống Patriot có thể bảo vệ các nhà máy điện. Các cơ sở phát điện cung cấp nguồn điện cần thiết cho các nhà máy sản xuất vũ khí và đạn dược của Ukraine, nếu quân Nga không thể giảm bớt hỏa lực của phía Ukraine thì không thể khuất phục họ và kết thúc chiến tranh được.

Ukraine rất cần các vũ khí và đạn dược thời Liên Xô, trong khi các cuộc tấn công của quân đội Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng làm suy giảm năng lực sản xuất liên quan của họ. Chính vì vậy, cuộc tấn công trên bộ của các lực lượng Ukraine đã bị đình trệ, đầu tiên là ở hướng Kupyansk và Krasnolimansk ở miền đông Ukraine và bây giờ là ở Svatovo và Kremennaya.

Tổ hợp PAC-3 với 4 container chứa 16 tên lửa (Ảnh: wiki).

Tổ hợp PAC-3 với 4 container chứa 16 tên lửa (Ảnh: wiki).

Patriot (MIM-104) là hệ thống tên lửa đất đối không được trang bị cho Lục quân Mỹ và các nước đồng minh. Hệ thống này được hãng Raytheon phát triển, lấy tên dựa theo radar sử dụng trong tổ hợp AN/MPQ-53, là loại radar mảng pha, tên tiếng Anh là "Phased Array Tracking Radar to Intercept on Target", viết tắt là PATRIOT.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot (MIM-104) được chế tạo để thay thế hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo MIM-14 Nike Hercules trong vai trò phòng thủ tên lửa tầm trung-cao (High to Medium Air Defense, HIMAD) và thay thế cho hệ thống tên lửa phòng không MIM-23 Hawk trong vai trò phòng không chiến thuật tầm trung. Ngoài ra, Patriot (MIM-104) còn đảm nhận vai trò phòng thủ chống tên lửa đạn đạo (ABM), đây cũng là vai trò chính của Patriot hiện nay. Hệ thống MIM-104 dự kiến sẽ ở trong trang bị của quân đội Mỹ đến năm 2040.

Hệ thống Patriot (MIM-104) có nhiều phiên bản khác nhau, gồm: MIM-104A, MIM-104B (PAC-1), MIM-104C (PAC-2), MIM-104D (PAC-2/GEM), MIM-104E (PAC-2/GEM+), MIM-104F (PAC-3). Các phiên bản khác nhau về trọng lượng đạn, tầm bắn và tốc độ. PAC-1 tầm bắn 90km, PAC-2 tầm bắn 160km, PAC-3 tầm bắn 30km, PAC-3 MSE tầm bắn 60km. Về tốc độ: PAC-1 Mach 2,8; PAC-2 và PAC-3 Mach 4,1. Tầm cao bắn: 24,2km.

Hiện chưa rõ biến thể Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine nhưng có thể sẽ là PAC-3.