Sắp có CSDL quốc gia về chuyên gia và trung gian công nghệ

VietTimes -- Bộ KH&CN được Chính phủ giao chủ trì việc đầu tư hình thành và vận hành các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về thông tin công nghệ, chuyên gia công nghệ, trung gian công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp chọn công nghệ cần đổi mới, chuyển giao.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Một trong những mục tiêu của Chương trình hành động là giai đoạn 2016 - 2020, hằng năm có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%; tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020.

Chương trình cũng hướng đến các mục tiêu: đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả; tỉ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp đạt khoảng 25% và tỉ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40% vào năm 2020; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 30 -  35%; thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN-4…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong Chương trình hành động này, Chính phủ đã xác định rõ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô; Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; Phát triển và thúc đẩy chuyển giao KHCN; Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; Cơ cấu lại một cách thực chất các ngành công nghiệp; Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam…

Trong đó, với nhóm nhiệm vụ về phát triển và thúc đẩy chuyển giao KHCN, Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp tiến tới dịch chuyển trọng tâm và chủ thể của hoạt động nghiên cứu ứng dụng sang khu vực doanh nghiệp; xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ cho giai đoạn 2025, tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng, thực hiện các chương trình xúc tiến, chuyển giao công nghệ từ các nước có công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bộ KH&CN cũng được giao phối hợp với Bộ KH&ĐT đề xuất các giải pháp hiệu quả thúc đẩy các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặt cơ sở nghiên cứu phát triển (R&D) tại Việt Nam và sử dụng kỹ sư, nhà khoa học Việt Nam.

Đồng thời, tăng cường cơ chế đối ứng hợp tác công tư để khuyến khích doanh nghiệp triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nghiên cứu và phát triển; tăng quy mô tài chính cho các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới công nghệ; mở rộng hình thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay từ các quỹ nhà nước cho dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; hình thành thiết chế bảo lãnh vốn vay đối với các dự án nghiên cứu, đổi mới công nghệ để doanh nghiệp có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại.

Cùng với yêu cầu chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ KH&CN phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng chính sách khuyến khích chuyển dịch lao động trình độ cao từ các viện nghiên cứu, trường đại học sang khu vực doanh nghiệp. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao, có sản phẩm dịch vụ hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế; xây dựng và vận hành hệ thống CSDL chuẩn đối sánh và thực hành tốt nhất về năng suất để phục vụ doanh nghiệp.