Sao doanh nghiệp phải đi đường vòng

Thông tư 23/2015 được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành ngày 13-11-2015 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2016. Ông Trương Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Máy công cụ và thiết bị T.A.T, than vãn rằng: “Với thông tư này, toàn bộ nền sản xuất ở Việt Nam sẽ điêu đứng,...”.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn Thông tư 23 bỏ hẳn quy định chỉ được nhập máy đã qua sử dụng không vượt quá 10 năm.
Nhiều doanh nghiệp mong muốn Thông tư 23 bỏ hẳn quy định chỉ được nhập máy đã qua sử dụng không vượt quá 10 năm.

Chỉ còn 1% cơ hội nhập máy móc các nước tiên tiến?

Một nội dung quy định tại Thông tư 23 bị các doanh nghiệp sản xuất trong nước phản đối, đó là tuổi thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu không vượt quá 10 năm. Công ty T.A.T chuyên đi mua máy công nghiệp cũ từ Nhật Bản về Việt Nam sửa chữa, tân trang rồi bán lại. Có đến 40% số máy cũ này được công ty bán ra nước ngoài cho nhiều đối tác Thái Lan, Malaysia, Nga và Nam Mỹ. Với kinh nghiệm 16 năm, mỗi năm T.A.T bán từ 350-400 máy, ông Tuấn cho biết các công ty trong ngành này nếu muốn mua máy từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến như Nhật, Đức, Mỹ thì chỉ có thể mua máy đã sử dụng từ 10 năm trở lên. Cơ hội mua máy qua sử dụng dưới 10 năm vô cùng hiếm hoi, chỉ dưới 1%, thường rơi vào trường hợp các công ty bên đó phá sản, bán tống bán tháo máy móc. “Và nếu chỉ còn 1% cơ hội mua máy từ các nước tiên tiến để phù hợp với quy định của Thông tư 23 thì các doanh nghiệp chỉ còn nước đi mua máy từ Trung Quốc hay Đài Loan”, ông Tuấn nói.

Còn chất lượng máy từ Trung Quốc ra sao?

Tại Hội nghị “Gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng theo Thông tư 23/2015/TT-BKHCN” do Sở KH&CN TPHCM phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức ngày 4-5-2016, một vị cho biết doanh nghiệp của ông mua một máy dập đời 2016 từ Trung Quốc và máy này không có cảm biến an toàn (tức ngưng hoạt động khi các điều kiện về an toàn lao động không được đảm bảo), trong khi chiếc máy cùng loại được Nhật Bản sản xuất trên 20 năm đã có cảm biến này.

Trao đổi với TBKTSG, ông Trịnh Xuân Kỳ, Phó tổng giám đốc Công ty Thang máy Thiên Nam, cho biết công ty từng mua máy mới của Trung Quốc về sử dụng, nhưng chỉ 2-3 năm, số máy móc này bị hư hỏng gần hết, và sau đó, công ty nhập lại máy móc cũ của Nhật về sản xuất. Ông Kỳ cho biết ông hoàn toàn không đồng ý với quy định chỉ được nhập máy móc đã qua sử dụng không quá 10 năm ở Thông tư 23.

Mua bán máy móc hoàn toàn là việc của doanh nghiệp

Trước dư luận gay gắt từ nhiều doanh nghiệp, rằng Thông tư 23 chỉ làm lợi cho hàng Trung Quốc, vì mua máy mới thì chỉ đủ tiền mua hàng Trung Quốc, tại buổi đối thoại nêu trên, ông Đỗ Quốc Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định thuộc Bộ KH&CN, nói rằng Thông tư 23 quy định rõ: máy móc cũ nhập khẩu phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Phản biện điều này, ông Trương Quốc Tuấn cho biết tiêu chuẩn kiểm định quốc gia trong lĩnh vực này chưa có, còn về tiêu chuẩn của các nước G7 thì chắc chắn 100% không có cơ quan nào ở Việt Nam có trình độ kiểm định.

Ông Nguyễn Minh Văn, Giám đốc Công ty Thiết bị công nghiệp M.T.C, cho rằng đối với doanh nghiệp tư nhân, nên để họ có sự lựa chọn riêng, phù hợp với tình hình tài chính của họ. “Khi tự bỏ tiền mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, chẳng ai đi mua dây chuyền thiết bị không sử dụng được để rồi phá sản. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn vài tỉ đồng đã được coi là lớn, nhưng với khoản vốn này thì không thể tiếp cận máy móc mới, nhất là trong lĩnh vực cơ khí, mà vay ngân hàng thì cũng không dễ”, ông Văn nói.

Còn theo ông Tuấn, hầu hết các nước không ra những quy định kiểu như Thông tư 23, kể cả Nhật, Mỹ và các nước EU mà chính phủ để cho doanh nghiệp tự quyết. Chỉ có Trung Quốc là giới hạn nhập máy công cụ để bảo hộ cho máy móc sản xuất trong nước, hay Indonesia cần chứng thư giám định về chất lượng từ nước ngoài.

“Họ không định hướng đầu vào, họ cho nhập thoải mái nhưng họ làm rất nghiêm về hậu kiểm. Máy móc mà vi phạm các quy định về môi trường, an toàn, khí thải, tiếng ồn... là họ phạt doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản nên các doanh nghiệp không dám nhập ẩu. Điều này khác với nước ta, doanh nghiệp một khi đã được cho phép nhập máy về thì sau đó không phải lo kiểm định. Tôi cũng nghi ngờ quy định này sẽ làm nảy sinh những tiêu cực về mặt cấp phép nhập khẩu. Các cơ quan quốc tế của Nhật Bản và EU đang có thái độ không vui với quy định này, có thể họ sẽ kiến nghị lên Chính phủ”, ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp không muốn đi đường vòng

Đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước trong khối ASEAN, trong đó có Việt Nam, để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Trước mối quan ngại các nhà đầu tư sẽ dịch chuyển máy móc thiết bị cũ từ Trung Quốc sang Việt Nam, ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư nên lấy ý kiến thẩm định công nghệ của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ đối với máy móc thiết bị đã qua sử dụng trong hồ sơ dự án trước khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.

Thực ra, Thông tư 23 là chủ trương của Chính phủ nhằm đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và tránh biến nước ta thành một bãi rác thải công nghệ trên thế giới. Đây là chủ trương đúng, nhưng cũng tùy vào từng ngành mà có những quy định khác nhau về tuổi của máy móc nhập khẩu đã qua sử dụng. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh, nói: “Vòng đời máy cơ khí khác vòng đời máy tính. Các loại máy cơ khí có tuổi thọ trung bình từ 15-30 năm mới được các công ty lớn bán đi để đổi sang thế hệ máy mới. Những máy móc này trong những điều kiện nhất định vẫn còn sử dụng tốt vì được sản xuất tại các quốc gia tiên tiến về kỹ thuật chế tạo máy công cụ”.

Trao đổi với TBKTSG, ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam của Bộ KH&CN, cho là Thông tư 23 đã “mở”, nhưng ông cũng thừa nhận nên có những quy định riêng về tuổi của máy móc cho từng ngành nghề, như máy đo phóng xạ thì đến mấy chục năm vẫn không lỗi thời. Theo ông Đà, doanh nghiệp có thể nêu kiến nghị của họ lên bộ chủ quản ngành nghề, các bộ sẽ gửi kiến nghị sang Bộ KH&CN để thực hiện sự điều chỉnh. Còn về Tiêu chuẩn của G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, bộ khuyến khích các doanh nghiệp kiểm định chất lượng máy ở nước ngoài và nộp chứng thư kiểm định lên bộ. Trong khi đó, mặt hậu kiểm thì đều đã có trong các tiêu chuẩn ISO.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn nghi ngờ về tính phối hợp giữa các bộ, họ cho rằng các bộ khác không mấy quan tâm đến Thông tư 23 và sẽ đẩy việc cho Bộ KH&CN xử lý. Phía doanh nghiệp thì không muốn đi đường vòng qua bộ chủ quản rồi tới Bộ KH&CN để được cấp giấy phép nhập máy, mà họ muốn Thông tư 23 bỏ hẳn quy định chỉ được nhập máy đã qua sử dụng không vượt quá 10 năm. 

Theo TBKTSG