Sao cứ đòi huy động vàng?

Với bất kỳ ai có chút kiến thức về kinh tế đều thấy lời đề xuất: “Huy động vàng trong dân chuyển thành cổ phiếu chứng khoán” là sai trầm trọng.
Sao cứ đòi huy động vàng?
Sao cứ đòi huy động vàng?

Các kênh đầu tư vốn có mức độ rủi ro khác nhau và người dân chọn lựa kênh đầu tư dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro theo nguyên tắc: lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao.

Gửi tiền vào ngân hàng ở dạng tiết kiệm có mức độ rủi ro thấp nên lãi suất chỉ có hạn; bỏ tiền ra mua cổ phiếu của các công ty niêm yết có thể nhận cổ tức cao gấp nhiều lần so với lãi suất tiết kiệm kia nhưng kèm theo đó là rủi ro cổ phiếu mất giá.

Nhiều người dân chọn cách theo họ là ít rủi ro nhất bằng cách lấy tiền tiết kiệm mua vàng nhét dưới gầm giường. Làm sao có thể khiên cưỡng bắt dân chuyển từ kênh đầu tư này sang kênh đầu tư khác? Ai sẽ chịu rủi ro thay họ và ai sẽ chi trả lợi nhuận cho rủi ro đó?

Bây giờ bỏ bớt vế sau “chuyển thành chứng khoán”, chỉ còn mong muốn “huy động vàng trong dân” thì điều này cũng sai về mặt kinh tế.

Các quan chức trong Bộ Tài chính nói riêng và trong Chính phủ nói chung đều biết hàng năm nhà nước phải vay tiền rất nhiều từ trong và ngoài nước. Tiền vay trong nước chủ yếu ở dạng phát hành trái phiếu và người mua chủ yếu là hệ thống ngân hàng, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp bảo hiểm… Nhưng ngân hàng lấy tiền ở đâu để mua trái phiếu chính phủ nếu không phải là lấy từ tiền gửi của người dân. Nói cách khác, Chính phủ đang huy động tiền từ người dân và sẽ còn huy động như thế trong tương lai.

Lý do không huy động vàng mà huy động bằng tiền là tránh rủi ro. Ngày xưa hệ thống ngân hàng từng huy động vàng và chịu hệ lụy trong một thời gian dài. Ngày nay giả thử Chính phủ tuyên bố trả lãi 2% cho vàng, ngay lập tức sẽ huy động được một lượng vàng lớn từ người dân vì họ sẽ có cơ hội giảm rủi ro để vàng dưới gầm giường dễ bị mất trộm lại không có lãi.

Vấn đề là ai sẽ chịu rủi ro khi vàng tăng giá, lúc đó lãi không chỉ 2% mà có thể tăng thành 10% hoặc 20% - chi phí đồng vốn huy động sẽ cao hơn nhiều lần so với phát hành trái phiếu bằng tiền đồng.

Huy động vàng và trả lãi như thế sẽ làm hệ thống tiền tệ tồn tại song song hai loại “tiền” rất khó kiểm soát vì giá vàng phụ thuộc vào thế giới chứ không chịu tác động của chính sách tiền tệ. Không ai dại gì đổi sự ổn định lấy sự bất định.

Có thể các chuyên viên tài chính chính phủ thấy đề xuất này phi lý quá nên không lên tiếng. Nhưng một khi báo chí đưa tin lại không có sự phản hồi từ cơ quan có thẩm quyền, dư luận sẽ bị dẫn dắt vào chỗ hiểu sai theo hướng ngân sách đang thiếu hụt đến mức phải nghĩ cách huy động vàng của dân.

Điều bất ngờ là khi kiểm tra nguồn của bản tin về đề xuất này bằng cách đọc lại biên bản ghi âm buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự luật Chứng khoán sửa đổi mới thấy “báo nói vậy mà không phải vậy”. Nội dung huy động vàng trong dân chuyển thành cổ phiếu chứng khoán được báo cho là trích lời của đại biểu Lê Công Nhường (tỉnh Bình Định) nhưng theo biên bản ghi âm, ông Nhường nói: “Để được người dân chọn mặt gửi vàng trong thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi công ty đầu tư vốn nhà nước phải đảm bảo tài sản của người dân tham gia vào công ty quy đổi ra trái phiếu, cổ phiếu được an toàn và sinh lời”. Như vậy vàng ở đây được dùng theo nghĩa bóng chứ không phải vàng bốn số chín!

Chưa hết, báo trích lời ông Nhường, cho rằng ông đề xuất “cho Ủy ban Chứng khoán thành lập công ty đầu tư để huy động nguồn vốn, chuyển đổi thành trái phiếu, cổ phiếu”. Nếu đúng như thế thì đây lại một sai sót trầm trọng về nguyên tắc kinh tế khi Ủy ban Chứng khoán là cơ quan quản lý thị trường chứng khoán không thể vừa đá bóng vừa thổi còi theo kiểu thành lập công ty đầu tư.

Theo biên bản ghi âm, ông Nhường nói: “Tôi đề nghị trong chương này (chương III) bổ sung thêm một số điều, cho phép Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thành lập một công ty đầu tư nhà nước, dạng như công ty Temasek Singapore”. Từ "Ủy ban Quản lý vốn nhà nước" bị phóng viên biến thành "Ủy ban Chứng khoán nhà nước" – một khoảng cách xa vời vợi.

Dù sao đề xuất “huy động vàng trong dân” thỉnh thoảng vẫn xuất hiện nên thiết nghĩ người có thẩm quyền trong Chính phủ nên đứng ra nói một lần cho rõ để tránh các suy diễn không đáng có và cũng để giúp các báo chống lại “tin giả” ngay chính trong bản tin của báo chí.

Theo TBKTSG

Link: https://www.thesaigontimes.vn/td/290145/sao-cu-doi-huy-dong-vang.html