Sáng mai, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam

VietTimes -- Theo kế hoạch, chuyên cơ chở Chủ tịch Cận Bình sẽ hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào sáng mai (12/11), bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam trong 2 ngày 12-13/11.
Ông Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.
Ông Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Sau lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, ông Tập sẽ có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tham gia vào lễ ký kết văn kiện.

Tới sáng 13/12, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tới đặt vòng hoa và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng di dạo, thăm nơi Bác Hồ mất và dự tiệc trà trong khu nhà sàn Bác Hồ.

Chiều cùng ngày, ông sẽ lên chuyên cơ rời Hà Nội, kết thúc chuyến công du đầu tiên tới Việt Nam kể từ sau Đại hội XIX của Đảng cộng sản Trung Quốc, sự kiện mà ông được tái bầu làm Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Trước đó, trong 2 ngày 10-11/11, Chủ tịch Trung Quốc đã tới Đà Nẵng và tham gia vào các hoạt động tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Vào ngày 10/11 vừa qua, ông đã có bài phát biểu trước các doanh nhân tại Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo doanh nghiệp, ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mở đầu bài phát biểu, ông Tập nhắc đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cách đây 10 năm, cho rằng cộng đồng quốc tế đã cùng nhau hợp tác giúp nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Ông cho rằng kinh tế số đang phát triển nhanh chóng là xu thế mới của thế giới, là động lực mới của phát triển.

Thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi sâu sắc trong quản trị kinh tế toàn cầu, buộc các nước "cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương, cùng theo đuổi phát triển chung, thông qua xây dựng, phát triển các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung vì tương lai loài người".

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh vào hợp tác song phương trong bài phát biểu trước, ông Tập cho rằng châu Á - Thái Bình Dương phải hợp tác đa phương với nhau, thúc đẩy nền kinh tế mở để có một tương lai tươi sáng hơn. "Mở cửa mang lại tiến bộ, đóng cửa sẽ bị bỏ lại phía sau".

"Trong vài thập kỷ qua, toàn cầu hóa kinh tế đã đóng góp lớn cho tăng trưởng toàn cầu. Trong thực tế, nó đã trở thành sự thay đổi lịch sử không thể đảo ngược. Để theo đuổi toàn cầu hóa, chúng ta cần để nó rộng mở hơn, bao trùm hơn, cân bằng hơn, công bằng hơn và mang lại lợi ích cho tất cả".

Thế giới cần phát triển sáng tạo, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, tránh tình trạng gián đoạn, duy trì phát triển dựa trên đổi mới, cách mạng công nghiệp, kinh tế số và chia sẻ toàn cầu, đột phá trong kỹ thuật mới như trí thông minh nhân tạo.