Sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc gặp trở ngại nghiêm trọng ở Đông Âu

VietTimes – Theo Đa chiều, Trung Quốc ra sức thúc đẩy các dự án thuộc “Vành đai, con đường” ở Đông Âu; tuy nhiên, khi tình hình quốc tế thay đổi, đầu tư của Trung Quốc tại khu vực này ngày càng khó khăn và quan hệ với các nước Đông Âu ngày càng nhạy cảm.
Chính phủ Romania yêu cầu chấm dứt hiệp nghị ký với Trung Quốc về xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Cernavoda (Ảnh: Sputnik).
Chính phủ Romania yêu cầu chấm dứt hiệp nghị ký với Trung Quốc về xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Cernavoda (Ảnh: Sputnik).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 11/6, tính đến tháng 11/2019, Trung Quốc đã ký 197 văn bản hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến chiến lược “Vành đai, con đường” với 137 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế. Tuy nhiên sau khi dịch bệnh COVID-19 lan khắp thế giới, việc thực thi các dự án đã ký trở nên khó khăn, trong đó nổi lên là tình hình ở Đông Âu.

The Wall Street Journal ngày 28/5 đưa tin chính phủ Romania đã chính thức yêu cầu Công ty điện hạt nhân quốc gia Romania Nuclearelectrica chuyên sản xuất năng lượng hạt nhân chấm dứt Hiệp nghị sơ bộ với Công ty TNHH Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (China General Nuclear Power Group, CGNPC) về việc xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Cernavoda và tìm kiếm chủ đầu tư khác.

Chính phủ Romania sở hữu 82,5% cổ phần của Công ty điện hạt nhân Romania. Họ đã sửa đổi chương trình nghị sự của cuộc họp cổ đông sẽ được tổ chức vào ngày 12/6 tới và lên kế hoạch đưa ra quyết định chính thức về việc bãi bỏ toàn bộ Bản ghi nhớ và Hiệp nghị sơ bộ đã ký với Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc.

Hai bên đã ký Hiệp nghị sơ bộ vào tháng 5/2019, dự định thành lập một liên doanh xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Phía Trung Quốc sẽ chiếm 51% cổ phần và phần còn lại sẽ do phía Romania nắm giữ.

Nhà máy điện hạt nhân Cernavoda trên sông Danube được xây dựng ngay từ thời chính quyền Ceausescu. Các tổ máy 1 và 2 hiện đang hoạt động sử dụng công nghệ điện hạt nhân của Canada và sản lượng điện do hai tổ máy này tạo ra có thể chiếm một phần tư nguồn cung cấp điện quốc gia của Romania. Sau khi hoàn thành tổ máy số 3 và số 4, hơn một phần ba nguồn cung cấp điện của Romania sẽ đến từ nhà máy điện hạt nhân Cernavoda.

Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milos Vystrcil ngày 9/6 thông báo rằng ông sẽ tới thăm Đài Loan gây nên phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hai nước (Ảnh: imago).
Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milos Vystrcil ngày 9/6 thông báo rằng ông sẽ tới thăm Đài Loan gây nên phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc và ảnh hưởng nghiêm trọng  tới quan hệ hai nước (Ảnh: imago).

Romania bắt đầu chuẩn bị cho việc xây dựng các tổ máy số 3 và số 4 của nhà máy điện hạt nhân Cernavoda hơn 10 năm trước. Vào thời điểm đó, nhiều công ty, bao gồm cả Trung Quốc và các nước châu Âu tham gia đấu thầu nhưng chỉ còn lại Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc. Sự kiên trì của Trung Quốc tập trung vào dự án nhà máy điện hạt nhân Rumani, được coi là cố gắng sử dụng Romania làm bàn đạp để thâm nhập thị trường điện hạt nhân EU. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang tiến vào thị trường điện hạt nhân của Anh.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, khoản đầu tư vào dự án năng lượng hạt nhân này của Romania, lên tới hơn 7 tỷ euro. Đàm phán giữa hai bên là không dễ dàng. Dự án này có thể cung cấp cho Romania năng lượng sạch và tạo ra nhiều việc làm cho khu vực địa phương. Phía Trung Quốc cũng rất coi trọng dự án này, tin rằng nó có thể trở thành mẫu mực cho kế hoạch "Vành đai và Con đường" hợp tác của Trung Quốc hợp tác với Trung và Đông Âu. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Romania là một bên tham gia quan trọng trong sáng kiến “Vành đai, con đường” và có thể phát huy tác dụng quan trọng. Hơn nữa, các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng đã ra sức tuyên truyền những thành tựu của họ trong việc xúc tiến sáng kiến “Vành đai, con đường” tại Romania.

Tuy nhiên, những thay đổi trong tình hình quốc tế cuối cùng đã dẫn đến quyết định của Romania về việc chấm dứt nhiều năm hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng năng lượng hạt nhân. Các quan chức Rumani từ tháng 1 năm nay bắt đầu chỉ trích dữ dội việc Trung Quốc tham gia vào kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Bộ trưởng Kinh tế Popescu nói, Romania có thể tự mình xây dựng các tổ máy 3 và 4. Ông cũng nói thêm rằng có thể thực hiện các dự án hợp tác mới với các đối tác NATO. Thủ tướng đương nhiệm Rumani Orban cho biết rõ ràng là không thể hợp tác với Trung Quốc. Ông nói rằng Romania sẽ tìm kiếm đối tác mới để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Vào tháng 9/2019, Tổng thống Rumani Klaus Iohannis và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một tuyên bố chung về hợp tác năng lượng. Khi mà Romania tăng cường quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, họ rời bỏ các dự án quan trọng do Bắc Kinh chủ đạo cũng là điều không lấy làm lạ.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc với Cộng hòa Séc, một quốc gia khác ở Đông Âu, cũng đã luôn không được suôn sẻ. Đặc biệt, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Séc Milos Vystrcil ngày 9/6 đã tổ chức một cuộc họp báo để thông báo rằng ông sẽ tới thăm Đài Loan cùng với một phái đoàn doanh nghiệp từ ngày 30/8 đến ngày 5/9 và tuyên bố rằng lý do của ông đến Đài Loan bao gồm việc ủng hộ Đài Loan chống lại việc đe dọa, gây sức ép của Bắc Kinh; giữ vững chủ quyền và tự do, dân chủ cùng các giá trị khác.

Động thái này cũng gây nên bất bình mạnh mẽ tại Bắc Kinh. Đại sứ quán Trung Quốc tại Prague ngay trong ngày 9/6 đã đưa ra cảnh báo rằng chuyến đi này sẽ phá hoại sự hợp tác trong tương lai giữa Trung Quốc với Cộng hòa Séc và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Dự án cải tạo cảng nước sâu Klaipeda của Lithuania do Trung Quốc đầu tư đã bị chính phủ nước này gác lại (Ảnh: cruisemapper).
Dự án cải tạo cảng nước sâu Klaipeda của Lithuania do Trung Quốc đầu tư đã bị chính phủ nước này gác lại (Ảnh: cruisemapper).

Mối quan hệ ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga cũng là một nhân tố chính khiến các nước Đông Âu lo lắng về Bắc Kinh. Theo cơ quan truyền thông địa phương Rumani InfoPrut ngày 11/6, trong "Chiến lược quốc phòng quốc gia 2020-2024" sắp công bố của Romania lần đầu tiên mô tả Nga là quốc gia thù địch và là mối đe dọa đối với các nước khu vực Biển Đen. Các nước vùng Baltic như Lithuania và Latvia cũng đã nối nhau coi Trung Quốc và Nga là mối đe dọa chủ yếu.

Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc không ngừng củng cố mối quan hệ với Nga đặc biệt nhạy cảm khi họ tham gia trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng ở Romania. Rumani không muốn hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân được coi là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong việc Trung Quốc gặp trở ngại khi thúc đẩy dự án “Vành đai, con đường” ở Đông Âu.

Là một dự án quan trọng khác của sáng kiến "Vành đai Con đường" ở Đông Âu, Trung Quốc cũng đã đầu tư rất nhiều vào việc cải tạo cảng nước sâu Klaipeda của Lithuania (Litva), nhưng khu vực này cũng là nơi NATO xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng và triển khai điều động lực lượng quân sự nhằm ứng phó với Nga.  Với việc Tổng thống mới của Lithuania Gitanas Nauseda tuyên bố tại lễ nhậm chức "khoản đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Lithuania ", dự án này trong sáng kiến “Vành đai, con đường” cũng đã bị gác lại trong năm 2019.

Các học giả Nga về vấn đề Đông Âu đã phân tích rằng, để phát triển kinh tế, Đông Âu sẽ vẫn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, nhưng họ sẽ cố gắng hết sức để cân bằng và lựa chọn các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn.