Sân khấu không thể đứng ngoài cuộc với cách mạng công nghiệp 4.0

VietTimes -- Theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, chúng ta đang bước vào thời đại Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và sân khấu không thể đứng ngoài. Thậm chí, sân khấu phải đổi mới tư duy, thực hiện tính tiên phong, có tiếng nói phản biện, tính dự báo, dẫn dắt khán giả theo kịp thời đại. 
Sân khấu cải lương một thời rất đông khán giả nay cũng đang gặp nhiều thách thức. Ảnh: Vietnamtourism.
Sân khấu cải lương một thời rất đông khán giả nay cũng đang gặp nhiều thách thức. Ảnh: Vietnamtourism.

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, trong thời đại CMCN 4.0 với nhiều thiết bị nghe nhìn hỗ trợ thì sân khấu cũng cần tiếp cận khán giả bằng công nghệ số. Một số nhà hát đã thay đổi tích cực, tiếp cận khán giả bằng việc giới thiệu thông tin về buổi diễn, vở diễn trên website hoặc trang Facebook chính thức của mình. Tuy nhiên, nhiều trang chỉ đưa ra thông tin sơ sài, không cập nhật thông tin thường xuyên. Chỉ các nhà hát, sân khấu tư nhân là có những chuyển động tích cực trong vấn đề này. Vở “Ionah” của Nhà hát Star Galaxy, vở “Tứ phủ” của Nhà hát Việt, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” của Công ty Tuần Châu Hà Nội… không chỉ đầu tư về nội dung mà đã tìm cách tiếp cận khán giả tốt qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng thông tin giải trí. Trang web chính thức hay trang Facebook của các chương trình này thường xuyên được làm mới, cập nhật giá vé, khuyến mại, những đêm diễn đặc biệt… để khán giả theo dõi. 

Một hình thức hỗ trợ rất phát triển hiện nay có thể áp dụng trong hoạt động sân khấu là tạo điều kiện để tương tác giữa khán giả và người làm sân khấu thông qua công nghệ kết nối số. Với mỗi vé xem sân khấu, khán giả sẽ được cung cấp một mã số điện tử. Chỉ cần dùng thiết bị thông minh như điện thoại hay máy tính bảng soi vào mã đó thì khán giả có thể được cung cấp thông tin đầy đủ về tác phẩm, tương tác với các thành phần sáng tạo, nhận xét, góp ý để tác phẩm tốt hơn. “Khi vai trò của khán giả được coi trọng, họ sẽ không bao giờ bỏ rơi sân khấu”, nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhận định. 

Tựu trung lại, trong thời đại CMCN 4.0 ngày nay thì các hoạt động văn hóa trong đó có biểu diễn nghệ thuật cũng phải được coi là công nghiệp văn hóa. TS Trần Chiến Thắng – nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, mọi khâu của các hoạt động văn hóa trừ sáng tác đều phải được tổ chức một cách công nghiệp. Việc này hoàn toàn là không khó, nhất là đã có công nghệ thông tin và Internet là công cụ đắc lực để các đoàn nghệ thuật có thể sử dụng cho các khâu tiếp thị, bán vé... Có như vậy, các đoàn nghệ thuật mới kéo được khán giả đến với mình, nhất là công chúng yêu nghệ thuật cũng đang sống trong thời đại công nghiệp và việc giành thời gian để ra rạp không còn như nhiều năm trước.